Thứ trưởng Bộ Y tế: Không cấm chuyên gia nước ngoài nhập cảnh nhưng phải hiệu quả, đúng người
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, không cấm chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, song phải đúng người và hiệu quả về công việc.
Trả lời báo chí về chủ trương cho phép các chuyên gia nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định “không cấm chuyên gia”, song lưu ý phải đúng người và thực sự hiệu quả về công việc và công tác phát triển kinh tế - xã hội.
Kích hoạt Tổ công tác liên ngành
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác liên ngành gồm 5 bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT để xem xét tùy vào từng trường hợp để đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam. “Đưa chuyên gia vào phải hiệu quả nhưng cũng phải an toàn”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Liên quan chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo COVID-19 tới công tác phòng, chống dịch, thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định phương châm “chống dịch như chống giặc”, “đừng để một người lơ là làm cho cả xã hội vất vả”. Với nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống dịch, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết "thường xuyên nhận được chỉ đạo của Thủ tướng, trong đêm vẫn để chế độ chuông trước tình hình nóng về dịch bệnh".
Cũng liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ vẫn đang cùng các bộ ngành nghiên cứu thêm về “hộ chiếu vaccine”, mục tiêu là quyết định thời điểm phù hợp để áp dụng.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin các nước trên thế giới còn nhiều thảo luận về vấn đề hộ chiếu vaccine. Nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng chỉ khả thi khi có được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm vaccine trở lên. Trong khi đó, chưa có loại vaccine nào có hiệu quả tới 100%.
“Bộ Y tế sẽ xem xét đầy đủ việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” để đảm bảo và an toàn. Giai đoạn hiện nay bên cạnh việc tiêm chủng cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện tốt các biện pháp này là góp phần đẩy lùi dịch bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Đảm bảo vắc xin cho đối tượng ưu tiên
Về việc nhập khẩu và sản xuất vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng là tiếp cận bằng mọi cách các đơn vị nước ngoài để nhập khẩu vắc xin. Năm 2021 và đầu 2022 dự kiến có một số nguồn: qua chương trình COVAX được 38,9 triệu liều, cơ bản đủ cho các đối tượng ưu tiên; 30 triệu liều AstraZeneca….; đàm phán với Pfizer có thêm 31 triệu liều.
Ngoài ra ta nhận thêm 2 triệu liều viện trợ như của Nga, chuyển giao công nghệ từ các đối tác từ công ty của Nhật, Nga. Tổ chức Y tế thế giới cũng đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất mới nhất về vắc xin, công nghệ M-R-A của Pfizer.
"Vắc xin sản xuất trong nước, đang có 2 đơn vị sẽ hoàn thành vào giữa năm nay và Công ty Sinh phẩm và sinh học Nha Trang hoàn thiện vào tháng 12-2021, chúng tôi đang tiến hành khẩn trương tiến hành nhanh chóng. Nếu dịch bùng phát ta có thể phê chuẩn vắc xin và có thể có vắc xin trong nước. Tuy vậy, tiêm vắc xin không thể nào quên biện pháp 5K của Bộ Y tế", ông Thuấn nhấn mạnh.
Chiều 5/5, Bộ Y tế cho biết Việt Nam có thêm 26 ca mắc COVID-19, trong đó 8 nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại 18 ca ghi nhận trong nước, riêng chùm ca bệnh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 14 ca.
Như vậy, tính đến 18h ngày 5/5, Việt Nam có tổng cộng 1626 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 56 ca.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19: Tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày
19:13, 05/05/2021
Bộ trưởng VPCP Trần Văn Sơn: Chống dịch COVID-19 thực chất, cụ thể, không hình thức, phô trương
18:48, 05/05/2021
Hà Nội: Thống nhất triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân
16:52, 05/05/2021
Hà Nam cảnh cáo 3 cán bộ vụ án làm lây lan dịch COVID-19
16:41, 05/05/2021
Mở rộng xét nghiệm, truy vết các F của 14 ca nghi mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
15:51, 05/05/2021