"Ổ dịch tại Bệnh viện K cơ bản được kiểm soát"
Các ca nghi nhiễm tại Bệnh viện K được cách ly ngay, kiểm soát yếu tố nguy cơ, toàn bộ người cách ly tại viện được lấy mẫu xét nghiệm lần hai để phát hiện ca nhiễm.
Cụ thể, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, đánh giá "cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh tại viện". Bệnh viện đã cách ly độc lập khoa Gan Mật Tụy, các khoa, phòng. Toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà được lấy mẫu xét nghiệm hai lần và truy vết dịch tễ nhằm khoanh vùng và nhanh chóng phát hiện thêm ca bệnh mới.
Hơn 3.400 người đang cách ly tại viện, 599 người đã được xét nghiệm nCoV lần hai, trong đó, phát hiện thêm 3 ca nghi nhiễm là người cùng điều trị với bệnh nhân dương tính tại khoa Gan Mật Tụy. Ba ca nghi nhiễm này được cách ly ngay, đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm.
"Hiện tại các khoa vẫn cách ly độc lập. Nếu có phát hiện thêm ca dương tính, sẽ chỉ phát sinh ở khoa Gan Mật Tụy", phó giáo sư Quảng nói.
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 cho biết, ổ dịch tại Bệnh viện K liên quan nhiều tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (NHTD).
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng, cho biết phân tích dịch tễ chỉ ra đa phần người nhà bệnh nhân và những người chăm sóc tại NHTD mắc bệnh, còn nhân viên y tế không mắc. Vì vậy, các chuyên gia nghĩ nhiều nguyên nhân lây nhiễm từ người nhà bệnh nhân hoặc người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển về.
Các bệnh nhân ung thư của BV K sẽ được điều trị thế nào?
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K, nhận định: "Ung thư là bệnh nặng. Điều trị bệnh ung thư cũng là quá trình dài. Việc chúng ta đang trong lộ trình điều trị và phải tạm dừng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận định điều gì là quan trọng nhất. Nếu không may mắc COVID-19, vấn đề bệnh lý thậm chí còn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết".
Do đó, để đảm bảo an toàn cho người bệnh và tuân thủ nguyên tắc phòng dịch, người bệnh ngoại trú không thể đến Bệnh viện K trong thời gian cách ly y tế.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết bệnh viện đã chủ động trao đổi với sở y tế các địa phương. Bác sĩ của viện cũng sẽ liên hệ trực tiếp người bệnh để hướng dẫn. Ngoài ra, Bệnh viện K sẽ phối hợp với các cơ sơ chuyên khoa ung bướu gần nhất để tiếp tục theo dõi, thực hiện tiếp phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
"Bệnh nhân có lịch phẫu thuật hoặc đang trong chu kỳ điều trị hóa chất, xạ trị đều có thể liên hệ với bác sĩ trực tiếp của mình để được hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi sẽ cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án, thậm chí trao đổi với cơ sở y tế chuyên khoa ung bướu tại địa phương qua Telehealth để bệnh nhân tiếp tục được điều trị", Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ.
Ngoài ra, với những bệnh nhân đã về địa phương sau khi có lệnh phong tỏa, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Hợi, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, cho biết họ có thể trở lại bệnh viện sau khoảng 2 tuần, tùy diễn biến dịch bệnh. Lúc này, Bệnh viện K có thể đã được gỡ phong tỏa và hoạt động khám, chữa bệnh bình thường trở lại.
Trước số lượng người cách ly lớn với gần 4.000 trường hợp, ông Hợi khẳng định tất cả phương án điều trị, hậu cần, bổ sung nhu yếu phẩm cần thiết đã được lên kế hoạch.
"Chúng tôi đã phối hợp với 2 đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại bệnh viện để hàng ngày cung ứng đủ suất ăn, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng 3 bữa/ngày cho gần 4.000 người đang cách ly tại đây. Toàn bộ thực phẩm trước khi đưa vào chế biến đều được Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện K lấy mẫu kiểm tra", ông nói.
Ngoài ra, Bệnh viện K cùng một số đơn vị vận chuyển đã chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết nhằm phục vụ việc cách ly dài ngày.
Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp nhấn mạnh: "Từng buồng bệnh, khoa, tầng đều phải cách ly. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của bệnh viện đều đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà như bình tắm nóng lạnh, nước uống, tivi ở từng buồng...".
Theo Phó giáo sư Lê Văn Hợi, đây là thời điểm khó khăn, thách thức với cán bộ y tế Bệnh viện K và nhiều bệnh nhân ung thư cũng như gia đình. Tuy nhiên, cơ sở y tế này đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Do đó, dù bước đầu gặp đôi chút khó khăn, bệnh viện vẫn luôn trong tâm thế chủ động.
"Chúng tôi rất tự hào và may mắn khi đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế hay cả bệnh nhân và người nhà đang cách ly tại bệnh viện đều bình tĩnh, lạc quan và động viên nhau thực hiện đúng chỉ đạo. Chủ trương của Bệnh viện K trong thời gian này sẽ là thực hiện mục tiêu kép, cùng lúc đảm bảo an toàn phòng dịch cũng như hiệu quả điều trị", tiến sĩ Phạm Văn Bình khẳng định.
Theo đó, sáng 11/05, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Chỉ chị về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19. Trong đó, Chỉ thị nêu rõ: Khu vực xung quanh Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và các bệnh viện khi xuất hiện ổ dịch: Tạm dừng hoạt động các dịch vụ kinh doanh ăn uống, cửa hàng tạp hóa; đóng cửa các khu nhà trọ (phạm vi khu vực, thời gian dừng các hoạt động do Ban chỉ đạo các quận, huyện chủ động quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa bàn).
Thành phố yêu cầu siết chặt toàn bộ quy trình phòng chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh và các hoạt động tại khu vực xung quanh nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về Bệnh viện an toàn và Phòng khám an toàn theo quy đúng định của Bộ Y tế. Một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 01 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn. Tăng cường công tác khám chữa bệnh từ xa và tăng cường khám điều trị ngoại trú, hạn chế tiếp nhận điều trị nội trú nếu ko cần thiết.
Sáng 11/5, Bộ Y tế cho biết có thêm 28 ca mắc COVID-19 trong nước tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2. Việt Nam hiện có 3.489 bệnh nhân. Đến sáng nay, thế giới ghi nhận trên 159,5 triệu ca.
Tính từ 18h ngày 10/5 đến 6h ngày 11/5 có 28 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại BV Bệnh nhiệt đới TW (1), Bắc Ninh (13), Vĩnh Phúc (7), Bắc Giang (5), Lạng Sơn (1), Hải Dương (1).Tính đến 6h ngày 11/5, Việt Nam có tổng cộng 2.056 ca ghi nhận trong nước và 1.433 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 486 ca.
Có thể bạn quan tâm
Số ca COVID-19 sẽ đạt đỉnh trong vòng hai tuần tới?
10:25, 11/05/2021
Quảng Trị cách ly những đâu, hoạt động gì bị cấm để chống dịch COVID-19?
08:28, 11/05/2021
Ứng phó đại dịch COVID-19: Mỗi nước một cách!
06:30, 11/05/2021
Chống dịch COVID-19: Kinh tế hay sinh mạng?
05:38, 11/05/2021
Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải ra sao về việc số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục?
05:00, 11/05/2021
Đừng gây ra “lỗ hổng” trên thành trì chống dịch COVID-19
05:00, 11/05/2021