TP HCM đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để giải quyết 11 dự án chống ngập
Sở Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP HCM kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách TP cho 11 dự án chống ngập.
Đầu tư dự án mới…
Theo đó, nội dung chính mà Sở Xây dựng gửi cho UBND TP HCM đã đề cập đến kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025, trong đó có là 11 dự án chống ngập với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Các dự án này sẽ do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư, kinh phí từ ngân sách thành phố.
Đặc biệt, trong 11 dự án này thì dự án lớn nhất là công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức), vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Dự án thực hiện trên đoạn dài gần 7 km, từ đường 990 đến cầu Võ Khế. Dự án sẽ lắp đặt hệ thống cống tròn, rộng gần một mét và tái lập, trải nhựa mặt đường phía trên. Kế đến là dự án xây dựng cống thoát nước dài 1,3 km trên đường Lý Chiêu Hoàng (quận 6), vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Hai công trình này dự kiến hoàn thành năm 2022, giúp tăng khả năng thoát nước trên tuyến và nhà dân xung quanh.
Tiếp đến tại quận 11, dự án cải tạo rạch Đầm Sen dài hơn 600 m sẽ thi công lắp đặt hệ thống cống hộp, vốn đầu tư 84 tỷ đồng, thay thế đường thoát nước cũ đã xuống cấp. Ở các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, ba dự án cũng sắp được khởi công gồm: xây dựng hệ thống thoát nước đường Nhơn Đức - Phước Lộc (dài 2 km, vốn gần 84 tỷ đồng); Hương Lộ 2, đoạn từ quốc lộ 22 đến đường Hồ Văn Tắng (dài một km, vốn hơn 64 tỷ đồng); đường Dương Công Khi (vốn 79 tỷ đồng).
Ngoài ra quý 2 và 3 năm nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị sẽ khởi công dự án chống ngập đường Tô Ký (quận 12), vốn 77 tỷ đồng; đường số 8 và Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức), vốn đầu tư 131 tỷ đồng; đường Triệu Quang Phục (quận 5), vốn 61 tỷ đồng; đường Hàn Hải Nguyên (quận 11), vốn 28 tỷ đồng. Những công trình này dự kiến hoàn thành trong các năm 2022, 2023.
Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện 11 dự án mới, từ nay đến cuối năm 2021, các đơn vị thuộc Sở Xây dựng sẽ đẩy nhanh làm 5 công trình xây dựng, cải tạo thoát nước trên các tuyến Nguyễn Chí Thanh, Trương Công Định, Bàu Cát, Tân Quý và Lê Lai. Đồng thời hoàn thành hai dự án để giải quyết dứt điểm ngập ở đường Tân Quý (quận Tân Phú), Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình). Đây là 3 trong tổng 18 tuyến trục chính hiện bị ngập theo thống kê của thành phố.
Theo Sở Xây dựng, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn một), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Công trình giúp kiểm soát ngập do triều cường sẽ được chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án khi hoàn thành giúp giải quyết 3 điểm ngập do triều, gồm: đường Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7) và quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè).
Cũng theo Sở Xây dựng, ở giai đoạn 2016 - 2020, các dự án thuộc chương trình giảm ngập tại TP HCM được giao hơn 28.400 tỷ đồng, đạt gần 30% nhu cầu. Từ nay đến năm 2025, nhu cầu vốn cho các công trình chống ngập ước tính cần hơn 101.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm 31.400 tỷ đồng, còn lại từ vốn Trung ương, PPP, ODA...
… và giải cứu dự án cũ
Trước đó, liên quan đến các dự án chống ngập trên địa bàn TP HCM, trong đó phải kể đến Dự án do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng chuyển giao), khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Công trình gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.
Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng phải dừng thi công tháng 4/2018. Giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục ngưng do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020).
Và trước những diễn biến trên, Thủ tướng Chính phủ đã phải ký Nghị quyết gỡ vướng dự án 10.000 tỷ đồng. Trong đó, UBND TP HCM chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý để hoàn thành dự án chống ngập, ngăn triều 10.000 tỷ đồng.
Nội dung đề cập trong Nghị quyết 40 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 1/4 về việc gỡ vướng, để TP HCM tiếp tục triển khai dự án ngăn triều cho khu vực TP HCM có xét yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Theo Thủ tướng, đây là công trình trọng yếu của TP HCM. Dự án được 90% tiến độ và cần sớm hoàn thành để giải quyết ngập cho thành phố. Vì vậy, Chính phủ chấp thuận cho thành phố tiếp tục thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
UBND TP HCM được giao chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.
Về vốn đầu tư, UBND TP HCM thống nhất với Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng BIDV về việc tái cấp vốn vay thực hiện dự án. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP HCM chịu trách nhiệm khắc phục tối đa tồn tại pháp lý đang vướng mắc; hiệu quả chống ngập của dự án; không để tiêu cực, thất thoát...
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ chiều qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết vướng mắc chính của dự án là phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Việc UBND TP HCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% chi phí dự án BT là chưa phù hợp.
Ngoài ra, theo ông Dũng, Nghị định 15 của Chính phủ quy định phải báo cáo cơ quan thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt đề xuất dự án PPP. Thời điểm đó, UBND thành phố có báo cáo và được HĐND TP HCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.
Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc dự án, sau khi làm việc với các bộ ngành liên quan, ông Dũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép tiếp tục triển khai dự án theo kiến nghị UBND TP HCM.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bao giờ “về đích”?
05:00, 18/08/2020
TP HCM sẽ vận hành dự án chống ngập 10.000 tỷ vào năm 2020
13:25, 20/07/2019
Dự án chống ngập TP HCM bị yêu cầu phải nộp ngân sách 282 tỷ đồng do sai phạm?
06:49, 01/06/2019
TP. HCM: Nhiều dự án chống ngập đình trệ do vướng mặt bằng
00:30, 29/05/2019
Cận cảnh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng thi công trở lại
11:04, 04/03/2019
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có hoàn thành được như dự kiến?
11:00, 28/02/2019
Gây nguy hiểm, TP HCM ra “tối hậu thư” cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng!
07:30, 22/12/2018
Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm các vướng mắc để triển khai Dự án chống ngập 10.000 tỉ
07:39, 05/12/2018