Biến Biển Đông thành “ao nhà”: Trung Quốc đang tự hủy lợi ích của đất nước mình!

LAM SONG 25/05/2021 05:00

Trung Quốc đang tự hủy hoại lợi ích cốt lõi của chính mình bằng những hành động biến biển Đông thành “ao nhà”.

Tàu của Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu.

Tàu của Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu.

Việc gần 300 tàu Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông đã và đang gây áp lực cho các nước láng giềng Đông Nam Á.

Theo mô tả của lực lượng NTF trên đài ABS-CBN News ngày 12/5, 287 tàu "dân quân biển" Trung Quốc đi thành các nhóm lớn ở những hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông trong khi một số xuất hiện gần những khu vực do Manila chiếm.

Số lượng này đã tăng lên đáng kể so với khoảng 200 tàu cách đây hai tháng.

Tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lực lượng tuần tra Philippines, bên cũng tuyên bố chủ quyền với thực thể này, phát hiện 34 tàu Trung Quốc hiện diện.

Trong những ngày qua Philippines liên tục phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút tàu. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố sẽ không rút các tàu hải quân và tuần duyên đang tuần tra trên Biển Đông và khẳng định không "mặc cả" với Trung Quốc về vấn đề mà ông gọi là “chủ quyền của Philippines”.

Theo Tổng thống Duterte, mặc dù Philippines còn "nợ ân tình" Trung Quốc nhiều thứ, trong đó có 1 triệu liều vaccine Covid-19 miễn phí, nhưng tuyên bố của Philippines đối với Biển Đông là "không thể mặc cả".

Tổng thống Philippines khẳng định sẽ không ra lệnh cho các tàu nước này rút khỏi vùng biển phía Tây. "Tôi sẽ nói với Trung Quốc, chúng tôi không muốn rắc rối, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu các ngài bảo chúng tôi rời đi thì câu trả lời là không". - Ông Duterte khẳng định.

Theo nhà lãnh đạo Philippines, có những điều "thực sự không thể thỏa hiệp, như việc chúng tôi rút tàu. Điều đó rất khó. Tôi mong họ sẽ hiểu, tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình".

Tàu dân binh Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu ngày 7/3. Ảnh: NTF-WPS

Tàu dân binh Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu ngày 7/3. Ảnh: NTF-WPS

Phân tích trên VnE, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nói rằng diễn biến này phù hợp với những gì chúng ta đã thấy về cách Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân trong vài năm qua.

"Luôn có khoảng 250 - 300 tàu dân quân hoạt động trong khu vực. Họ di chuyển xung quanh, ra vào các tiền đồn Trung Quốc xây dựng tại đá Vành Khăn và đá Subi, nhưng con số tổng thể vẫn tương tự kể từ cuối năm 2018", ông nói.

Trước đó hồi tháng 3, Philippines xác nhận hơn 200 tàu Trung Quốc đã bị phát hiện neo đậu tại khu vực Đá Ba Đầu. Đây là rạn san hô nằm tại cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là rạn san hô nằm tại cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Philippines khẳng định những tàu này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, nhưng Trung Quốc phủ nhận và bao biện rằng đây chỉ là "tàu cá" đang neo đậu để tránh thời tiết xấu. 

Theo giám CSIS, đây là một chiến dịch gây áp lực với giới chức Philippines và Việt Nam bằng lợi thế số lượng khổng lồ của Trung Quốc, họ muốn dần ép các tàu Đông Nam Á ra khỏi vùng biển này.

Liên quan đến diễn biến này, chiều 13/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về thông tin Trung Quốc tăng số tàu hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa lên gần 300 tàu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: 

"Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo người phát ngôn Ngoại giao Lê THị Thu Hằng, là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập với UNCLOS 1982", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Được biết, hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói việc Trung Quốc duy trì hiện diện của dân quân biển thể hiện mưu đồ "chiếm thêm" các khu vực ở Biển Đông.

Giáo sư Jay L. Batongbacal tại Trường Luật thuộc Đại học Philippines, đồng thời là Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của trường, đánh giá Bắc Kinh đã thể hiện rằng họ duy trì sự hiện diện của các tàu như một cách thay thế cho việc chiếm đóng thực tế các thực thể mà họ nêu yêu sách chủ quyền.

"Đây là cách để họ 'lách' cam kết trong Tuyên bố ứng xử năm 2002 về việc không chiếm thêm bất kỳ thực thể địa lý nào ở Biển Đông", Batongbacal nói thêm.

Các chuyên gia nhận định sự hiện diện của gần 300 tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông là lời nhắc nhở về yêu sách "đường lưỡi bò" nước này đơn phương đặt ra để đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Jose Antonio Custodio, nhà phân tích quốc phòng và an ninh, từng là cố vấn cho Văn phòng An ninh Quốc gia Philippines, đánh giá việc các tàu Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở Biển Đông có thể gây phức tạp cho các hoạt động đánh bắt và khai thác năng lượng xa bờ của các quốc gia khác.

Đá Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp. Nó nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam, nhưng Trung Quốc và Philippines cũng đưa ra yêu sách đối với thực thể này.

Th.S Võ Ngọc Diệp, nghiên cứu viên tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhận định, việc Trung Quốc tập trung đông tàu cá tại Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đã "ngó lơ" quyền qua lại không gây hại, làm xói mòn lòng tin của các nước.

Trong nhiều tuyên bố, công hàm của Trung Quốc gửi đến Liên hợp quốc có thể bắt gặp luận điệu Trung Quốc là quốc gia tôn trọng và ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông, cho thấy Trung Quốc tôn trọng luật pháp và vì lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.

Luận điệu này đã bị nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực lên tiếng bác bỏ, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 1/2021, Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi công hàm đến Liên hợp quốc đặc biệt phản bác luận điệu này của Trung Quốc. Công hàm của Nhật Bản đã dẫn chứng 2 sự vụ thực tế đã xảy ra trên Biển Hoa Đông để chứng minh Bắc Kinh cố tình vi phạm các quy định về hàng hải, gây mất tự do và an toàn hàng hải, hàng không.

Sự vụ tại Đá Ba Đầu lần này có thể xem là một ví dụ nữa cho thấy, Trung Quốc thiếu tôn trọng các quy định, quy tắc về hàng hải cũng như đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm phức tạp thêm tình hình.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm tiếng nói bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc

    05:00, 24/05/2021

  • Mỹ “đối phó” với Trung Quốc theo đúng luật quốc tế

    02:00, 20/05/2021

  • Nguy cơ “chiến tranh nóng” trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc

    05:30, 18/05/2021

  • Mỹ - Nhật - Pháp "răn đe" Trung Quốc

    05:00, 14/05/2021

  • Gần 300 tàu Trung Quốc ở Trường Sa: Việt Nam lên tiếng!

    16:25, 13/05/2021

  • Tiếp tục đưa tàu xâm nhập trái phép tại đá Ba Đầu, Trung Quốc đang toan tính gì?

    05:05, 13/05/2021

LAM SONG