Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng chiến lược vaccine của Chính phủ
Mong muốn để người lao động sớm được tiêm chủng vaccine là nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, tuy nhiên thứ tự ưu tiên cần căn cứ vào mức độ rủi ro cũng như yêu cầu duy trì sản xuất.
Tại cuộc họp với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ cho Quỹ Vaccine phòng COVID-19 ngày 4/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nguyên tắc của Chính phủ là huy động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch.
Nguyện vọng chính đáng trên nguyên tắc công bằng
“Vaccine là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch. Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vaccine sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân nhất một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp với những kế hoạch, biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng thời tìm mọi cách duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh lo sinh kế cho người dân.
“Một trong những biện pháp căn cơ nhất chính là phải tiếp cận và có nguồn cung ứng vaccine để thực hiện miễn dịch cộng đồng”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Tuy nhiên, các hãng sản xuất vaccine trên thế giới đều đàm phán trực tiếp với các chính phủ hoặc tổ chức, cá nhân được một chính phủ uỷ quyền, khả năng các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vaccine là không thể.
“Nhưng vai trò của các doanh nghiệp tác động thông qua các mối quan hệ của mình để hỗ trợ quá trình này là việc có thể thực hiện. Hành động quan trọng nhất của doanh nghiệp lúc này là thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ để bảo về hoạt động sản xuất kinh doanh”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng cho biết hiện nhiều doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn người lao động của mình tiếp cận sớm việc tiêm chủng vaccine: “Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên thứ tự ưu tiên này cần đảm bảo trên nguyên tắc công bằng của Tổ chức Y tế thế giới, căn cứ vào mức độ rủi ro với dịch bệnh cũng như căn cứ vào yêu cầu duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong hiện thực “mục tiêu kép””.
Được biết, VCCI và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có thư kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đóng góp tự nguyện cho Quỹ vaccine chống Covid-19 của Chính phủ. Đồng thời hi vọng người lao động sớm tiếp cận được nguồn vaccine này.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam nhấn mạnh tinh thần không phải các doanh nghiệp trả tiền để được ưu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 hay muốn tự nhập khẩu vaccine. Các doanh nghiệp vẫn tuân thủ theo các chính sách về tiêm phòng vaccine của Chính phủ.
Trên cơ sở chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp thành viên Eurocham chấp nhận tự trả chi phí để tiêm cho người lao động và thành viên gia đình người lao động và cần sự minh bạch và cơ chế chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vaccine.
Ngoài ra một số thành viên của Eurocham cũng có sự chuẩn bị và sẵn sàng đóng góp vào quá trình vận chuyển, bảo quản vaccine, tham gia vào quá trình tiêm chủng.
Nhu cầu chuyên gia của các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, nếu ngừng trệ thì gây gián đoạn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, nên Eurocham mong muốn Bộ Y tế sẽ sớm ban hành quy định cách ly phù hợp với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Không yêu cầu doanh nghiệp trả kinh phí
Giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp để đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết đã chủ động tìm kiếm nguồn vaccine, cơ chế ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp… Tất cả các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu.
Đối với những vaccine Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày. Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong lúc vaccine là giải pháp chống dịch hữu hiệu nhưng đang khan hiếm, tâm lý chung của từng người, từng DN, ngành nghề… đều muốn được tiêm trước. Nhưng không thể vì doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vaccine mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn, cần được ưu tiên tiêm trước theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết 21/NQ-CP đã quy định một số đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như vận tải, hàng không, điện lực, du lịch.
Bộ Y tế cần sớm cập nhật thêm nhóm đối tượng rủi ro cao là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín… vào diện khai báo y tế bắt buộc (qua máy tính, điện thoại, khai hộ, bằng giấy, sử dụng tổng đài gọi điện tự động…), cập nhật tình trạng sức khoẻ để đánh giá sàng lọc ban đầu, chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine.
Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vaccine không chỉ việc đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng COVID-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch.
“Nhưng Chính phủ không yêu cầu doanh nghiệp phải trả kinh phí tiêm vaccine cho người lao động”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Dự kiến, Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150 triệu đến 170 triệu liều vaccine, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý điều quan trọng là tiến độ giao vaccine cũng như khả năng điều phối để các nguồn vaccine khác nhau không về cấp tập, dồn dập trong cùng một thời điểm. Đặc biệt làm sao chúng ta phải có vaccine càng sớm, càng nhiều càng tốt, nhất là trước thời điểm tháng 10/2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi, không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được. Nếu vướng mắc Bộ Y tế không tháo gỡ được thì cần trình ngay lên Chính phủ giải quyết. Những nguồn vaccine thông qua các tổ chức môi giới thì phải kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.
Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn) để đánh giá được sự sẵn sàng và đánh giá được nguy cơ dịch bệnh
Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất
19:19, 03/06/2021
Cơ chế cho doanh nghiệp tham gia nhập khẩu vaccine
19:00, 03/06/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất vaccine
19:44, 03/06/2021
"Việt Nam tiếp cận mua vaccine sớm nhưng không được ưu tiên"
22:45, 03/06/2021
Việt Nam sắp đón lô vaccine trong gói cứu trợ của Mỹ
11:15, 04/06/2021