Phó Thủ tướng chỉ đạo việc doanh nghiệp mua vắc xin COVID-19 theo diện đặc biệt
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan thẩm định khẩn trương cho ý kiến về đề xuất của Bộ Y tế với việc Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam mua vắc xin phòng COVID-19 trong trường hợp đặc biệt.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc "Mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam" trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu.
Điều 26 Luật Đấu thầu quy định việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, tức trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định đấu thầu công khai thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (chỉ định thầu).
Cụ thể, Thông báo số 151/TB-VPCP nêu thông tin, ngày 4/6/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp về việc Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) mua vắc xin phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất trong trường hợp đặc biệt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến chính thức về nội dung báo cáo và đề xuất của Bộ Y tế tại văn bản số 784/TTr-BYT ngày 30/5/2021 và gửi đến Bộ Y tế trong ngày 7/6/2021.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp và các thành viên Tổ công tác về mua vắc xin phòng COVID-19 để hoàn thiện hồ sơ trình (bổ sung đầy đủ các văn bản có liên quan, trong đó có các văn bản đã ký với AZ và VNVC).
Bộ Y tế phải hoàn thiện tờ trình, dự thảo văn bản kèm theo, trong đó lưu ý bổ sung thông tin, dự kiến các nguồn vắc xin, số lượng vắc xin có thể được tài trợ, viện trợ, mua được trong giai đoạn từ nay đến ngày 31/12/2021; căn cứ tình hình tổng thể đó, đề xuất số lượng cần mua cho hiệu quả; báo cáo Thủ tướng trước ngày 9/6/2021.
Bên cạnh đó, với những trường hợp thông thường, không bao gồm thuốc, vaccine và mua sắm từ nguồn vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm trong điều kiện có dịch COVID-19 đối với phương tiện, trang thiết bị hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo văn bản của Bộ Tài chính, về nguồn kinh phí phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ” là: Dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ, kinh phí tại chỗ, nhân lực tại chỗ, đề nghị các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế; đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.
Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong tổ chức thực hiện, trường hợp địa phương có khó khăn về cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính.
Về cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của pháp luật liên quan.
Về hình thức lựa chọn nhà thầu, các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Luật Đấu thầu (gồm: Đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt).
Trong thời gian có dịch được cấp có thẩm quyền công bố, các địa phương được quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
Theo quy định, khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:
Thứ nhất, giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá.
Thứ hai, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: Chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm).
Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.
Thứ tư, giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.
Thứ năm, giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.
Giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu.
Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Không chống dịch COVID-19 cực đoan!
05:30, 07/06/2021
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá thế nào về công tác điều trị COVID-19 tại Bắc Giang?
05:15, 07/06/2021
Các nước châu Á chạy đua hợp tác sản xuất vaccine COVID-19
04:20, 07/06/2021
Hải Phòng: Đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp "lao đao"
01:05, 07/06/2021
Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 chống nóng đã tới tâm dịch Bắc Giang
18:00, 06/06/2021