Thủ tục triển khai Nghị quyết 68: Cái gì luật không bắt buộc thì không cần

ANH DUY 01/07/2021 20:05

Nghị quyết 68 với 12 nhóm chính sách được triển khai sẽ đơn giản thủ tục theo tinh thần cái gì luật không bắt buộc thì không cần.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều 1/7, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trao đổi thông tin nội dung nổi bật của Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký chiều cùng ngày.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trao đổi thông tin nội dung nổi bật của Nghị quyết 68 với báo chí chiều ngày 1/7.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trao đổi thông tin nội dung nổi bật của Nghị quyết 68 với báo chí chiều ngày 1/7.

12 chính sách hỗ trợ lao động

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 68 tập trung vào hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn gồm Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Cùng với đó là chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em. 

Nghị quyết cũng đưa ra chính sách hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn 

Với hộ kinh doanh, Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.

Đồng thời, Nghị định quy định về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Chính sách đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Các cấp, các ngành, địa phương phát huy tính chủ động, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước được thực hiện như sau: Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.

Chính phủ sẽ không triển khai hai gói hỗ trợ cùng lúc.

Chính phủ sẽ không triển khai hai gói hỗ trợ cùng lúc.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.

Tinh giản thủ tục

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ngày mai, Bộ Tư pháp sẽ thẩm định Quyết định của Thủ tướng để triển khai Nghị quyết 68 nói trên.

Về thủ tục, Bộ trưởng cho biết tinh thần, nếu như trước đây cho tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH thẳng thắn thừa nhận, gói 42 xây dựng một chính sách rất đặc thù, một quyết định chưa có tiền lệ, khi đó chưa hình dung hết được. “Sau đấy chúng ta mới rút ra kinh nghiệm. Với tinh thần đó, tinh giản tối đa các thủ tục, các điều kiện, làm sao đơn giản, thông thoáng nhất. Chẳng hạn như miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động bây giờ chỉ cần 1 quyết định thôi, là doanh nghiệp đến bảo hiểm, đưa toàn bộ danh sách mình đã đóng hằng tháng, sau đó, bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Đồng thời cho biết cũng đã có quy định rất rõ thời gian, như khi nhận hồ sơ trong 2 hoặc 3 ngày là phải xử lý ngay, nếu không xử lý hoặc không đồng ý thì trả lời bằng văn bản ngay cho người sử dụng lao động, người lao động.

“Cụ thể tinh giản như thế nào, trong quyết định hướng dẫn 12 nhóm chính sách này, có khoảng 50 trang. Sau khi có quyết định sẽ gửi đến các nhà báo để nghiên cứu, tham khảo thêm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trả lời câu hỏi về gói hỗ trợ lần 1 vẫn chưa giải ngân hết vậy có triển khai song song hay không? Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, từ khi có đại dịch COVID-19 đến nay, theo tập hợp ban đầu của Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội, tổng số ước tính khoảng 160 nghìn tỷ chi cho các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động… Trong đó, riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số từ ngân sách nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39 nghìn tỷ, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 13 nghìn tỷ.

“Gói này có song song với gói 42 không? Tôi nói là không. Gói 42 chỉ là gói ngắn hạn và đến 31/12/2020 tất cả các chính sách của gói 42 đã hết hiệu lực. Tiền còn lại đã theo chu kỳ ngân sách và Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chuyển sang sử dụng cho những công việc khác”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Gói hỗ trợ mới giải ngân theo cách nào?

    11:00, 01/07/2021

  • Triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sao cho hiệu quả?

    05:55, 01/07/2021

  • Các gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia trong đợt COVID-19 mới

    17:10, 30/06/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Sẽ triển khai sớm gói hỗ trợ COVID-19 mới

    14:54, 30/06/2021

ANH DUY