Xây dựng nông thôn mới: Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc
Sau 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả khả quan, bộ mặt nông thôn đã có rất nhiều đổi thay.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ngày 27/7.
Đánh giá về chương trình xây dựng nông thôn mới sau 10 năm thực hiện, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Từ chỗ hạ tầng cơ sở còn thấp kém, đến nay đã tương đối hoàn chỉnh ở một số mặt, như đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, đời sống nông thôn được nâng lên.
Thay đổi bộ mặt nông thôn
Cả nước huy động được 3 triệu tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp và người dân đóng góp hơn 2 triệu tỷ đồng, được 12,4% xã chuẩn nông thôn mới. Kết quả này rất đáng trân trọng. Chương trình đã được đông đảo người dân ủng hộ, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân là chủ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ những bất cập và hạn chế nhất định. Đơn cử, ngoài những tiêu chuẩn chung thì có một số địa phương lại có các tiêu chí, quy định riêng theo đặc thù địa phương mình tùy theo điều kiện ngân sách, nên vẫn còn chưa đạt chuẩn nông thôn mới.
Có xã đạt chuẩn nông mới nhưng lại chưa nhìn thấy rõ nét là xã nông thôn mới. Bên cạnh đó vẫn có hiện tượng chạy theo thành tích để đạt chỉ tiêu theo phân bổ, thậm chí có xã vì muốn đạt chỉ tiêu hộ nghèo thì đã cho nhập hai hộ nghèo thành một hộ.
Hay xảy ra tình trạng “cho nợ tiêu chí” để được công nhận, như tiêu chí về môi trường, nước sạch, giao thông, trường học. Có xã đạt chuẩn nhưng lại bị “mất đi” một số tiêu chí cần thiết, hạ tầng xã hội bị xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa.
“Hiện nay cả nước vẫn còn rất nhiều xã khó khăn, bộ mặt nông thôn chưa khởi sắc, đời sống một bộ phận không nhỏ người dân còn bất cập, hộ nghèo, cận nghèo còn ở mức cao, hạ tầng xã hội mặc dù có thay đổi nhưng vẫn còn ở mức thấp. Lao động thiếu việc làm hoặc không ổn định”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất vẫn cần tiếp tục thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, cần đầu tư hỗ trợ cho các xã chưa đạt chuẩn, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn để hoàn thành các cơ sở hạ tầng thiết yếu, cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất. Từng bước thu hẹp khoảng giữa các vùng miền trong cả nước.
Ngoài ra, các đơn vị cấp huyện, xã đã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu để hoàn thành xã, huyện nông thôn mới. Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị một số vấn đề với Chính phủ như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị và người dân, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, lâu dài, trách nhiệm đối với đồng bào cả nước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, hạ tầng xã hộ còn bất cập... nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Để cho mọi người dân đều bình đẳng, công bằng từ nguồn an sinh xã hội trong các chính sách của nhà nước.
Thứ hai, phát huy hiệu quả cuộc vận động nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân là chủ thể.
Thứ ba, khắc phục những bất cập mà thực tiễn đã xảy ra, như một số địa phương còn chạy theo thành tích, phong trào nên chất lượng xã nông thôn mới đạt chưa cao. Một bộ phận cán bộ và người dân còn thờ ơ trong tổ chức, vận động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp về tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Có nơi rất khó vận động, nhất là hiến đất làm đường, giữ vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm... để giảm bớt gánh nặng cho nhà nước. Cá biệt, có gia đình không muốn thoát nghèo để được nhận sự trợ cấp thường xuyên của nhà nước và nhà tài trợ.
Thứ tư, phát huy mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc xử lý nước thải sinh hoạt, thu gom rác thải, rác sinh hoạt trong nông nghiệp.
Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư khu xử lý nước thải có quy mô.
Thứ sáu, việc hỗ trợ các huyện, xã để đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu là cần thiết, nhưng cần rạch ròi trong hỗ trợ sao cho cụ thể để không xuất hiện cơ chế xin-cho.
Thứ bảy, trong ba chương trình mục tiêu quốc gia chỉ cần thành lập một ban chỉ đạo cấp trung ương, cấp tỉnh và huyện, không thành lập cấp xã mà cấp xã chỉ là cấp thực hiện để giảm bớt ban chỉ đạo.
Thứ tám, đối với những xã đã đạt chuẩn hoặc còn thiếu tiêu chí, đặc biệt là chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật bị xuống cấp do chưa được đầu tư, quan tâm của người dân cũng như chính quyền do không đủ nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng.
Vì người dân cho rằng, đã hiến đất làm đường, đóng góp ngày công hoặc tiền cho các công trình hạ tầng xã hội là xong, phần việc sau này thuộc chính quyền. Chưa hiểu rõ xây dựng nông thôn mới mà người dân là chủ thể, là trung tâm nên đã dẫn đến việc các xã đã đạt chuẩn đến nay lại không đạt, giống như “tái nghèo”.
Thứ chín, trong phân bổ ngân sách cũng cần quan tâm đến những xã quá khó khăn, không thể vận động người dân đóng góp.
Đổi thay với xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình với sự cần thiết phải tiếp tục xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bởi một trong những lý do sau.
Thứ nhất, nhằm cụ thể hóa đường lối chủ trương của đảng được nêu lên trong các nghị quyết, kết luật của Ban chấp hành Trung ương và chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 về tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, nâng cao và bền vững với phương châm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
Thứ hai, nhằm triển khai thực hiện các văn bản của Quốc hội, Chính phủ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba, qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tuy đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn hạn chế, yếu kém và chưa bền vững như trong báo cáo đã nêu. Việc khắc phục hạn chế yếu kém trong xây dựng nông thôn mới nhằm bảo đảm cho xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả hơn, thiết thực hơn để từng bước nâng cao đời sống cho người dân.
Thứ tư, nhằm bảo đảm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên.
Đánh giá về căn cứ xây dựng chương trình, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, báo cáo đã đưa ra các căn cứ đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gồm các căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn từ kết quả tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, và báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, nên đại biểu Trần Văn Tiến tán thành với căn cứ xây dựng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bình luận về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, với mục tiêu thứ tư trong tờ trình cho cấp thôn, đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị Chính phủ xem xét lại cùm từ “cho cấp thôn”.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cấp thôn được hiểu như thế nào, khi tại điều 2 Luật Tổ chức Chính phủ địa phương quy định về đơn vị hành chính chỉ bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, không có cấp thôn.
Về phạm vi chương trình, theo tờ trình Chính phủ, phạm vi chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới bao gồm trên địa bàn nông thôn cả nước. Tức là đã bao gồm địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, đồng bào các vùng ven bãi và hải đảo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và gồm các xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi biên giới, xã an toàn khu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, theo phân tích tại mục 7 đánh giá sự trùng lặp của chương trình với các chương trình khác tại báo cáo số 248 về đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thì chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa bàn nông thôn không thuộc các địa bàn thuộc các chương trình khác.
“Tôi đồng tình nếu đã bao phủ địa bàn nông thôn trên cả nước để đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới, thì cần rà soát lại các dự án thuộc các chương trình khác để tránh chồng chéo giữa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các dự án thuộc các chương trình khác”, đại biểu Trần Văn Tiến nói.
Vẫn theo đại biểu Trần Văn Tiến, nếu chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không bao phủ hết các địa bàn nông thôn trên cả nước, thì việc thực hiện các mục tiêu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ khó hoàn thành.
Bởi theo đại biểu Trần Văn Tiến, mỗi mục tiêu quốc gia đều có mục tiêu riêng khác nhau, nên cần rà soát các dự án để tránh chồng chéo, hoặc không bao phủ hết các địa bàn có nhiều chương trình mục tiêu cùng thực hiện.
Đối với địa bàn có nhiều mục tiêu quốc gia khác nhau cùng thực hiện, cần xác định rõ nhiệm vụ của từng chương trình, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót để đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Với đối tượng thụ hưởng các chính sách của chương trình, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đối tượng thụ hưởng là nông dân, người dân sinh sống tại địa bàn khu vực nông thôn, đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì đối tượng thụ hưởng là người nghèo có thu nhập thấp, người yếu thế, dễ bị tổn thương...
“Như vậy, người dân sinh sống tại khu vực có chương trình mục tiêu quốc gia thì cần cân nhắc để hưởng một trong những chính sách cao nhất nhằm tránh trùng lặp của nhiều chính sách”, đại biểu Trần Văn Tiến nói.
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng nông thôn mới: Thay một chữ, đổi một đời
00:19, 24/07/2021
Xây dựng nông thôn mới tạo ra “bộ mặt mới” nông thôn
20:37, 23/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: TP. Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
19:40, 21/07/2021
Hải Phòng: Đề xuất xây dựng 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021
01:30, 12/03/2021
Hải Phòng: Xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn mới kiểu mẫu
00:41, 09/12/2020
Tiền Giang: "Sắc vóc" từ chương trình Nông thôn mới
08:51, 23/11/2020