THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Mở cửa an toàn, Việt Nam không để đại dịch “kìm chân”
Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Sản xuất an toàn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với cách tiếp cận mới của Thủ tướng Chính phủ, ông Công đề xuất trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp; bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện thích ứng với dịch.
“Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp”, ông Công đề xuất.
Ông Công cho biết, để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Thủ tướng. Đặc biệt là quan điểm của Thủ tướng về vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ các nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường”, ông Công nói.
Cho ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị, nhiều kiến nghị, vướng mắc cụ thể cũng được các đại biểu đề cập. Theo đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề nghị sửa đổi điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư; Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở để tháo gỡ ách tắc các dự án nhà ở có đất nông nghiệp hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở là những dự án quy mô lớn, nhưng 5 năm qua chưa được công nhận chủ đầu tư.
Ông cũng đề nghị quyết liệt thực hiện 2 chính sách nhà ở là Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ (đây là chính sách rất khả thi vừa được Chính phủ ban hành) và chính sách phát triển nhà ở xã hội; thí điểm ban hành chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp để góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước trong điều kiện bình thường mới.
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp trả lời nhiều đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Trước đề nghị của đại biểu Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh về đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp để chuẩn bị đón những dự án đầu tư mới, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương chủ động thực hiện và tăng cường giám sát, kiểm tra. “Cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, cái gì vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thủ tướng nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua trên địa bàn một số địa phương còn có hiện tượng ùn tắc lưu thông hàng hóa cục bộ do quy định chưa phù hợp của địa phương, dẫn đến tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận, người dân. Bộ đã có công điện chấn chỉnh và liên tục theo dõi tình hình. Ông đề nghị phải xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương nếu ban hành các quy định về lưu thông hàng hóa trái quy định chung.
Còn theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, một trong những nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là giảm lãi suất. NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các cam kết về lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, cũng là an toàn cho cả nền kinh tế. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề tiếp cận tín dụng là vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt nếu sử dụng hiệu quả cơ chế bảo lãnh thì sẽ hỗ trợ rất tốt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng.
Hướng tới nền kinh tế tự chủ, tự cường
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 tới nay, giữ vững và phát huy thành quả của 35 năm đổi mới.
Thủ tướng cũng đánh giá rất cao sự chia sẻ và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để công tác phòng chống dịch đạt kết quả trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu như tất cả các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, vaccine và thuốc điều trị… phục vụ chống dịch đều phải nhập khẩu.
"Thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược". - Thủ tướng nói.
Ông cũng ghi nhận các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện rất rõ khát vọng, mong muốn đất nước bình an, phát triển. "Đây là điểm tựa rất quan trọng để chiến thắng dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội". - Thủ tướng khẳng định.
Các đại biểu cũng đều thống nhất cao với chủ trương chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới. Chống dịch COVID-19 để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn. Muốn vậy, các giải pháp phải dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, kinh nghiệm thời gian qua và bài học của các nước.
Phân tích về các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Thủ tướng nêu rõ, nếu phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì việc điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở sẽ giúp chữa trị hiệu quả, giảm được tử vong. “Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh phải tránh hai khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan”, Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Trong gần 2 năm qua, chúng ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về virus, về dịch bệnh, song đây là việc chưa có tiền lệ, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.
"Một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước, song hướng dẫn phải phù hợp tình hình, tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên từng địa bàn (như thôn, ấp, khu dân cư, xã, huyện, tỉnh, trong nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp…)" - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, việc phòng chống dịch vẫn phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, ý thức của người dân. “Phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể nhưng phải quyết liệt, chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ huy, chính sách tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tổ chức thực hiện phải phân cấp, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, có kiểm soát, nếu thay đổi khác với nguyên lý cơ bản thì phải báo cáo cấp trên trực tiếp”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhắc lại những ví dụ gần đây trong việc giãn cách xã hội và xét nghiệm thần tốc tại Phủ Lý (Hà Nam), Phú Quốc (Kiên Giang)… Thủ tướng cho rằng đây là những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để giãn cách hợp lý, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chống dịch và phát triển kinh tế
09:02, 26/09/2021
Chính phủ đã, đang và sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp
13:20, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Chủ tịch VCCI đề xuất các chính sách hỗ trợ theo cấp độ và lộ trình
09:45, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Không duy trì được thị trường chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau
11:50, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Sẽ có nhiều chính sách mới về kinh tế số
11:45, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Đề xuất tạo điều kiện lưu thông hàng hóa
11:35, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng
11:30, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Doanh nghiệp đang rất cần "cứu trợ" từ Chính phủ
11:25, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Ưu tiên vaccine cho các tỉnh có nhiều khu công nghiệp
11:20, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Mong sớm triển khai "thẻ xanh" du lịch
11:15, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Kiến nghị giảm ½ thời gian thực hiện thủ tục hành chính
11:10, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Cần cụ thể chính sách cho từng nhóm đối tượng
11:00, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Để doanh nghiệp tự chủ phòng chống dịch
10:55, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: "Hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp"
10:45, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Dần mở cửa để doanh nghiệp có thể “tự cứu mình”
10:35, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Đề xuất gói hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực lưu trú, du lịch
10:30, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất bỏ giấy đi đường
10:15, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: “Không để một người nhiễm F0 mà phong toả cả làng”
10:00, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: “Các giải pháp tại Nghị quyết 105 sẽ tháo gỡ vướng mắc hiệu quả”
09:40, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: “91,5% Hiệp hội doanh nghiệp và Hợp tác xã biết đến Nghị quyết 105”
09:35, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: “93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19”
09:25, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Quan điểm “chống dịch” và “phát triển kinh tế” trong Nghị quyết 105 là phù hợp
09:10, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp
08:45, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Kịp thời giải quyết các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp
08:35, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19
08:30, 26/09/2021
THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: Điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay về 2%...
06:00, 25/09/2021
VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp
09:17, 18/09/2021