Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vẫn câu hỏi "bao giờ vận hành"?

NGUYỄN VIỆT 19/10/2021 05:00

Trong dự thảo báo cáo gửi Quốc hội về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ đã đề cập thời gian dự kiến đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

Trong văn bản góp ý kiến về dự thảo báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị, vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đề nghị sửa một số nội dung trong dự thảo báo cáo cho phù hợp với tiến độ hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên thực tế.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Dự thảo báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Cụ thể, nội dung dự thảo báo cáo (do Bộ Giao thông Vận tải thay mặt Chính phủ soạn thảo) nêu: "Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành công tác nghiệm thu dự án…". Tuy nhiên, Bộ Xây dựng không đồng tình với nội dung này, và đề nghị sửa nội dung báo cáo thành "Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể công trình…". Bởi việc nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải được Hội đồng kiểm tra nhà nước kiểm tra, đánh giá và thông qua.

Về tiến độ nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự kiến Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng vào đầu tháng 10/2021.

Nhưng Bộ Xây dựng khẳng định hội đồng chỉ tổ chức họp, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình. Dự kiến thời gian nghiệm thu trong tháng 10/2021.

Về tình hình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, theo dự thảo báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM, đến nay trong 14 gói thầu của dự án, có 8 gói đã hoàn thành, 6 gói đang trong quá trình thực hiện.

Khó khăn lớn nhất hiện nay tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, theo nội dung dự thảo báo cáo là công tác thanh quyết toán và việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Tổng thầu EPC Trung Quốc được chỉ định trong hiệp định vay vốn làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện kết luận kiểm toán, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán.

Đồng thời, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm thực hiện tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng, dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn lớn nhất hiện của dự án này là công tác thanh quyết toán và việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Khó khăn lớn nhất hiện của dự án này là công tác thanh quyết toán và việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Đánh giá về quá trình thực hiện Dự án cho thấy, Dự án từ khi khởi công đến nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến khảo sát, thiết kế, thi công, tiến độ và chi phí dự án.

Quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC.

Dự án được sử dụng nguồn vốn ODA của nhà tài trợ nước ngoài, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên phía Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ. Thủ tục bổ sung Hiệp định và hiệu lực Hiệp định kéo dài; các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đơn giá, định mức có nhiều thay đổi và chưa ban hành kịp thời.

Dự án trải qua hai đợt nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát cao đã ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh; ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay.

Quá trình thực hiện Dự án của Tổng thầu còn bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của Chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án, Chính phủ kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, các vị Đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.

Đồng thời quan tâm bố trí nguồn lực để Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sớm hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác trên địa bàn nhằm phát huy tối đa hiệu quả, năng lực vận tải của hệ thống đường sắt đô thị nói chung và của Dự án Cát Linh - Hà Đông nói riêng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Căn bệnh” lãng phí: Bài học từ các dự án đường sắt đô thị

    04:00, 29/07/2021

  • Dự án đường sắt đô thị TP.HCM (metro số 1): Vì sao nhà thầu phụ "tập trung, khiếu nại"?

    16:07, 06/08/2020

  • Hà Nội thông qua chủ trương triển khai 2 dự án đường sắt đô thị

    14:40, 22/04/2020

  • Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các dự án đường sắt đô thị

    00:00, 14/12/2019

  • Vì sao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa thể khai thác?

    17:51, 27/09/2019

NGUYỄN VIỆT