Thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện tốt hơn “nhiệm vụ kép”

NGUYỄN VIỆT 21/10/2021 12:49

Việc thay đổi từ “zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 là bước ngoặt về nhận thức và sự đúc kết kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn "nhiệm vụ kép".

ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10.

Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Ông Nguyễn Xuân Thắng (giữa) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Thời gian qua Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần của Trung ương là rất nhanh, chuyển hướng rất kịp thời. Nếu vẫn theo tư duy trước đây thì chắc chắn khó khăn hơn nhiều”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Chuyển hướng kịp thời

Thẳng thắn trao đổi về các biện pháp, cách làm cụ thể, ông Nguyễn Xuân Thắng đặt vấn đề: “Muốn phục hồi sản xuất thì cần lao động, nhưng bây giờ đưa lao động trở lại bằng cách nào, sự phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp ra sao? Chúng ta vẫn nói vận tải phải thông suốt là rất đúng, nhưng đầu này mở mà đầu kia đóng thì làm sao thông?".

Bên cạnh đó giải quyết vấn đề tâm lý của người dân sau đợt dịch cũng không hề đơn giản. Do đó cần nhìn nhận toàn diện để có giải pháp đúng và thực hiện cụ thể để thực thi mang lại hiệu quả trong thực tế.

“Dịch còn phức tạp nhưng Trung ương cũng chỉ rõ là không vì thế mà mất bình tĩnh. Quan tâm vấn đề vaccine, 5K, sử dụng công nghệ tầm soát, truyền thông nâng cao ý thức người dân. Trung ương chỉ đạo và Chính phủ thực hiện vừa qua tôi cho là tốt. Biện pháp cho vấn đề COVID-19 không chỉ với dịch bệnh mà cho cả phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ.

Bên cạnh việc tổng kết những bài học vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị cần phân tích cụ thể dư địa chính sách cho phát triển thời gian tới, trong đó phải giữ được những “trận địa” đang có sự thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tốt, tạo điểm sáng môi trường đầu tư kinh doanh nhằm lan tỏa sang địa phương khác.

Khẳng định Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến người lao động và doanh nghiệp, huy động nhiều nguồn để hỗ trợ, nhưng ông Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ rõ phải tiết giảm nhiều hơn nữa thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ một cách nhanh nhất vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

“Chính sách có đến với người dân hay không, người dân có niềm tin với quyết sách hay không là ở tổ chức triển khai thực hiện. Đây vẫn là khâu yếu nên phải khắc phục bằng những giải pháp cụ thể”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái) đánh giá các báo cáo của Chính phủ và cơ quan của Quốc hội khách quan, đầy đủ, toàn diện, đúng bối cảnh tình hình đất nước và thẳng thắn.

Dịch bệnh tác động khốc liệt, đặc biệt làn sóng thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực mọi mặt, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khoẻ, vật chất, tinh thần và tâm lý của người dân, tác động nặng nề đến kinh tế -xã hội, để lại hệ lụy.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (giữa).

“Trong bối cảnh khó khăn như vậy đã thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ với những quyết định kịp thời, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, chuyển trạng thái rất nhanh. Những kết quả đã đạt được trong điều kiện muôn vàn khó khăn như vừa qua là không phải dễ”, bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc triển khai các giải pháp đặc biệt trong chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Vĩnh Long) cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, dịch cơ bản được kiểm soát tốt, kể cả ở những vùng tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Long An… với các chỉ số về ca nhiễm, ca tử vong giảm rõ rệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ, phạm vi và mức độ ảnh hướng lớn, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống KT-XH và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt, ảnh hưởng sinh mạng, sức khỏe người dân.

“Đảng, Nhà nước khẳng định phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân”, ông Long nhấn mạnh.

Phân tích về đợt dịch bùng phát lần thứ 4, người đứng đầu ngành y tế nêu nhiều yếu tố cho thấy tính phức tạp. Với biến thể Delta, thế giới coi đây như một đại dịch mới, gây ra tác động, đảo ngược lại tất cả thành tựu chống dịch của các nước, kể cả nước phát triển và có tỷ lệ tiêm chủng cao. Với Việt Nam cũng “rất căng thẳng” khi ứng phó với biến chủng này.

Cũng qua 2 năm chống dịch, có nhiều quyết định rất khó khăn, điển hình như việc giãn cách xã hội. Tháng 4/2020, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định giãn cách xã hội toàn quốc trong 2 tuần, tình hình khác với hiện nay về số ca nhiễm.

Còn với giai đoạn vừa qua, việc giãn cách xã hội rất khó khăn, nhất là với 19 tỉnh, thành phía Nam. Chỉ thị tăng cường giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng ở một số nơi với tinh thần “ai ở đâu ở đó”, người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Thống nhất giải pháp để mở cửa nền kinh tế

Lần này, từ Nghị quyết 30 của Quốc hội đã "mở đường" cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp, nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Dẫn chứng điển hình ở TP.HCM, Bộ trưởng Y tế cho biết khi đưa ra quyết định giãn cách, tăng cường giãn cách đã phải rất cân nhắc, tính toán vì lo cho cuộc sống 4 triệu người dân khó khăn với TP là một thách thức rất lớn.

Một quyết định lịch sử khác được ông Long nhắc đến là việc điều động số lượng lớn chưa từng có, lên tới khoảng 300.000 lượt người, gồm cả y tế, công an và quân đội. “Đây là lần điều động lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử”, ông Long chia sẻ.

Quyết định tiếp theo là việc thiết lập các phòng cấp cứu và trung tâm hồi sức tích cực ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. “Khi ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian rất ngắn, hệ thống y tế không thể đáp ứng nổi. TP.HCM so với các nơi khác có nền tảng y tế tốt nhất, nhưng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu nên chúng ta đã quyết định thành lập trung tâm hồi sức tích cực và phải điều những lực lượng thậm chí chưa bao giờ làm việc đó cùng vào cuộc”, người đứng đầu ngành y tế nhắc lại.

Bên cạnh đó là việc thiết lập 536 trạm y tế lưu động ở xã, phường để giúp người dân tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Từ "cuộc chiến chưa có tiền lệ", Bộ trưởng Y tế cho biết đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Trong chiến lược vaccine, ông Long nói đã phải vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu vaccine, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đúng thời hạn, giá mua không được tính lại… Nhưng với Nghị quyết 21 của Chính phủ đã "mở đường" cho tiếp cận vaccine và từ tháng 5, việc này được triển khai nhanh chóng hơn.

Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vaccine với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Long chia sẻ về sự thành công trong ngoại giao vaccine nhờ sự tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Gần 70 triệu liều vaccine đã được tiêm, có ngày kỷ lục tiêm được 2 triệu mũi, ông Long nêu kinh nghiệm chia nhỏ các khu vực, bố trí điểm tiêm cố định và lưu động với mục tiêu quyết tâm phủ vaccine mũi 1 cho ít nhất 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm cho trẻ em.

Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để từng bước mở động đối tượng tiêm cho đối tượng 12-17 tuổi, sau đó sang năm có thể mở rộng thêm tiêm cho trẻ trên 3 tuổi.

Bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tự tin trong việc chủ động vaccine vào 2022. Song song với đó là chủ động về thuốc điều trị khi các văn bản của Quốc hội, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung.

Nhắc đến chuyển trạng thái chống dịch, ông Long cho rằng phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu mầm bệnh. “Chúng ta cũng không thể đưa số nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong”, ông Long nói.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vaccine. “Khi mở cửa theo Nghị quyết 128, nếu không kiểm soát được thì phải nâng cấp độ kiểm soát dịch cao hơn”, ông Long nêu quan điểm và cho rằng điều quan trọng là giải pháp thống nhất trên toàn quốc, chấm dứt chuyện ngăn sông cấm chợ và “mỗi nơi một kiểu”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị quyết 128/NQ-CP: Tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương

    Nghị quyết 128/NQ-CP: Tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương

    04:00, 21/10/2021

  • Nghị quyết 128/NQ-CP: Không để tình trạng “cát cứ” khi thực hiện

    Nghị quyết 128/NQ-CP: Không để tình trạng “cát cứ” khi thực hiện

    04:00, 20/10/2021

  • Nghị quyết 128/NQ-CP: Khắc phục bất cập, vướng mắc trong lưu thông

    Nghị quyết 128/NQ-CP: Khắc phục bất cập, vướng mắc trong lưu thông

    10:45, 19/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam dần thích ứng linh hoạt với dịch để phát triển kinh tế

    Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam dần thích ứng linh hoạt với dịch để phát triển kinh tế

    09:58, 20/10/2021

  • HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4: Thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới

    HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4: Thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới

    11:00, 07/10/2021

NGUYỄN VIỆT