Hôm nay, Quốc hội họp về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Ngày 23/10, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Trong phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chia sẻ về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật, nhiều ý kiến mong muốn các chính sách của Nhà nước cần cụ thể và khả thi hơn, tránh chung chung Luật khung, luật ống.
Làm sao tạo điều kiện, cơ chế, khuyến khích tổ chức cá nhân có điều kiện tốt nhất tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, có tác phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng hội nhập quốc tế.
Có thể bạn quan tâm |
Theo ông Phan Viết Lượng, bên cạnh các ý kiến mong muốn làm thế nào hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật để Luật khả thi, cụ thể và đóng góp sự phát triển của điện ảnh thời gian tới, có 3 vấn đề Thường trực và toàn thể Ủy ban lưu ý đề xuất với Quốc hội, đây cũng là 3 vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, được xã hội quan tâm và tham gia góp ý trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Thứ nhất, sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chính phủ đưa ra 2 phương án: Phương án 1 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Lý do Chính phủ cũng đã đưa ra trong tờ trình.
Về phía Ủy ban và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hình thức đấu thầu là một trong những hình thức chủ yếu đã được Luật hóa, cụ thể Luật Đầu tư đã quy định. Không phải đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới quá trình sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim trong thời gian qua.
Ngay trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thể hiện điều đó, cho rằng khâu tổ chức thực hiện là điểm yếu dẫn tới thời gian dài không thể đặt hàng sản xuất phim bằng hình thức đấu thầu. Mặt khác, quy định này cũng có ưu điểm, tạo sự bình đẳng, cạnh tranh để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ sản xuất tác phẩm điện ảnh.
Chính vì vậy, Ủy ban có đề nghị nghiên cứu tiếp để hoàn thiện quy định này. Đồng thời để không còn vướng mắc trong thực hiện, cần phải có quy định cụ thể, phù hợp để triển khai hình thức đấu thầu trong thực tế; có cơ chế khuyến khích thực hiện tốt hơn các quy định đặt hàng, như cơ chế hợp tác công tư, cơ chế mua bản quyền phim để phục vụ nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, phổ biến phim trên mạng sẽ áp dụng hậu kiểm hay tiền kiểm. Chính phủ có xu hướng trình ra là hậu kiểm, các thành viên Ủy ban cũng thảo luận và cơ bản đồng tình, cho rằng hậu kiểm là xu hướng tất yếu hiện nay, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý. Tuy nhiên, cũng cân nhắc là cần phải tính toán để làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái của hậu kiểm, không bỏ lọt những bộ phim nhạy cảm xấu độc, ảnh hưởng tới chính trị, văn hóa, con người.
Phương án của Thường trực đề ra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, được ban soạn thảo cơ bản đồng ý tiếp thu là cần có sự kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm: hậu kiểm là chủ yếu, gắn với tiêu chí phân loại rõ ràng, lượng hóa, cụ thể hóa, dễ hiểu, để cơ sở sản xuất phát hành căn cứ vào đó thực hiện tự phân loại; tiền kiểm để có cơ chế điều chỉnh cơ sở điện ảnh phát hành có tác động lớn tới chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đồng thời quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất phát hành phim; công cụ, cơ chế tự kiểm tra, phát hiện, gỡ bỏ và xử lý cơ sở sản xuất, phát hành phim vi phạm ảnh hưởng tới chính trị, xúc phạm uy tín, quyền con người...
Thứ ba, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Thường trực Ủy ban cho rằng, quỹ cần thiết nhưng xây dựng Quỹ trong Luật bảo đảm khả thi và hợp lý, xác định rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế quản lý, sử dụng quỹ. Hiện trong dự thảo, nguồn của quỹ chưa rõ, chưa bảo đảm độc lập và ổn định.
Trong khi đó, Luật hiện hành đã quy định nhưng bao nhiêu năm chưa có ngân sách để đáp ứng, lần này cần tính toán ngay từ đầu liệu khả năng ngân sách có đáp ứng được không, nguồn có độc lập được không, cơ chế quản lý sử dụng làm sao không để trùng chi, trùng thu về ngân sách nhà nước; làm thế nào tạo sự công bằng, cạnh tranh, khuyến khích cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng tác phẩm đưa tới công chúng...
Sau giờ giải lao, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Trong phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Sau giải lao, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Băn khoăn quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
04:20, 21/10/2021
Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Tạo cơ chế đặc thù để có thêm nguồn lực
18:45, 22/10/2021
Cơ chế đặc thù cho các địa phương: “Bước chạy đà” tạo động lực phát triển
14:14, 22/10/2021
Cơ chế, chính sách đặc thù để địa phương bứt phá đi lên
13:07, 22/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung
12:38, 22/10/2021
Nghệ An sẽ làm gì khi được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù?
16:48, 12/10/2021
Đề xuất cơ chế đặc thù, thu hút nhà đầu tư rót vốn vào cảng biển
18:00, 07/10/2021
Tạo cơ chế huy động nguồn lực cho các địa phương
11:01, 22/10/2021