Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 4): Phải tạo ra được “động lực” cho các tỉnh
dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố cần tính đến những đặc điểm riêng của từng địa phương.
ĐBQH Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhán mạnh khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
LTS: Ngày 27/10/2021, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại tổ để làm rõ tính chất và mục tiêu của cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương.
- Hiện có những băn khoăn trong việc trao quyền quá lớn cho địa phương, thưa ông?
Chúng ta cần sự mạnh dạn vì đây là bước đầu trong việc ủy quyền, phân cấp cho địa phương để đơn giản thủ tục hành chính.
Đơn cử, việc một số đại biểu quan ngại về vấn đề môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúc là hoàn toàn chính đáng. Thực tế, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở địa phương hiện rườm rà, phức tạp, làm chậm quá trình triển khai. Tuy nhiên chúng ta sẽ có sự an tâm nhất định vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải muốn chuyển đến đâu thì chuyển, mà phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm, 10 năm. Vấn đề đất đai luôn cần sự tính toán, quy hoạch một cách rõ ràng. Ví dụ diện tích chuyển đổi này phải nằm trong kế hoạch và làm rõ năm nào, diện tích được chuyển là bao nhiêu, phân bổ cho các địa phương trong kế hoạch chung quốc gia. Nghĩa là chỉ thực hiện được trong khuôn khổ mà quy hoạch, kế hoạch xác định.
- Một số địa phương khác cũng có những lợi thế đặc biệt nhưng không được chọn làm thí điểm cơ chế đặc thù, vì sao như vậy, thưa ông?
Như Chủ tịch Quốc hội đã giải thích, dù thể chế nước ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm, chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn quốc. Việc thí điểm là vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.
Chủ trương của Đảng ta nhất quán, nếu địa phương nào có điều kiện phát triển, là động lực cho vùng kinh tế hay khu vực thì cần có những cơ chế chính sách đột phá mạnh hơn để tạo điều kiện cho phát triển. Việc này sẽ tạo sự lan toả cho những địa phương khác, cho cả vùng, thậm chí cho cả nước.
Còn với những địa phương, địa bàn khó khăn, chúng ta sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác. Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế là những địa phương đều đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển.
- Ở chiều ngược lại, các cử tri cũng cho rằng chính quyền địa phương cần có những cam kết phát triển khi nhận được cơ chế đặc thù, thưa ông?
Tôi đồng ý! Chính sách đưa ra tạo động lực cho địa phương phát triển, nhưng địa phương cũng phải có trách nhiệm trở lại. Tôi thấy đánh giá tác động chưa rõ, cho cơ chế này thì sau 5 năm đạt được cái gì. Có mục tiêu để đánh giá chính sách tác động đến địa phương, đến cơ sở thế nào. Anh phải có trách nhiệm với ngân sách Nhà nước.
Cần phân biệt cơ chế chính sách đặc thù tạo động lực và cơ chế chính sách đặc thù khác nhau giữa các địa phương. Chúng ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế vùng thì phải có động lực phát triển và việc tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là bước để cụ thể hoá, tạo động lực phát triển nhưng cũng cần trọng điểm.
- Như vậy, theo ông việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù vào thời điểm này là phù hợp?
Theo tôi, đây là cơ hội để các tỉnh, thành phố có sự bứt phá lớn với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có như diện tích rộng lớn, có rừng, có biển, có đồng bằng, trung du, đáp ứng được quy hoạch với tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường của từng địa phương cụ thể.
Đồng thời, cơ chế đặc thù phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Phát biểu tại phiên họp tổ, về cơ chế chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 3): Thừa Thiên Huế hướng đến “đô thị di sản”
12:45, 27/10/2021
Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 2): “Đòn bẩy” để Nghệ An bứt phá
09:00, 26/10/2021
Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 1): “Phòng thí nghiệm” chính sách
03:00, 26/10/2021