Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 5) “Khoán 10” mới của Hải Phòng

LAN VŨ 27/10/2021 13:14

Khu thương mại tự do là đề xuất đột phá, chưa từng có tiền lệ kỳ vọng sẽ đưa Hải Phòng phát triển thần tốc.

Trong số các thảo luận toàn thể trực tuyến về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế tại chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 27/10, nội dung thành lập Khu thương mại tự do của Hải Phòng được nhiều đại biểu quan tâm nhất.

Đề xuất đột phá

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) cho biết, thành phố Hải Phòng có đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển Khu thương mại tự do. Đây là đề xuất đột phá, thể hiện tinh thần quyết tâm của Chính phủ và thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, hiện nay khái niệm “Khu thương mại tự do” chưa được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để thực hiện chủ trương này theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, trước hết cần xác định khái niệm về Khu thương mại tự do, cơ quan có thẩm quyền thành lập (phạm vi, ranh giới) và ban hành cơ chế, chính sách, nguyên tắc xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do để làm cơ sở, căn cứ cho thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất cụ thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xem xét quyết định.

Vì vậy, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, thành phố Hải Phòng sẽ tích cực nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Hải Phòng là địa điểm thích hợp nhất để thí điểm xây dựng khu thương mại tự do

Hải Phòng là địa điểm thích hợp nhất để thí điểm xây dựng khu thương mại tự do

Đối với vấn đề thành lập Khu thương mại tự do, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, đây là mô hình mới hoàn toàn của Việt Nam trong khi Luật về đơn vị hành chính kinh tế hành chính đặc biệt vẫn chưa được ban hành. Với quy mô tính chất hoạt động của khu thương mại tự do không chỉ là chính sách kinh tế đặc thù riêng mà dự kiến thiết kế chính sách pháp luật mới liên quan đến mọi mặt từ tổ chức chính quyền, dân sinh, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng;... Vì vậy, cần chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để Bộ Chính trị xem xét chấp thuận về chủ trương làm cơ sở đề xuất thí điểm.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nhấn mạnh, đây là mô hình mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, cần có sự nghiên cứu hết sức tổng thể về mô hình quản lý cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do không chỉ riêng cho thành phố Hải Phòng mà còn có thể nghiên cứu áp dụng ở các địa phương khác trên cơ sở báo cáo Bộ Chính trị xem xét theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một vấn đề mới, mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ phối hợp với thành phố Hải Phòng để nghiên cứu Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương rồi sau đó sẽ trình cho Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Cần một “khoán 10”

Năm 1980, Hải Phòng có Nghị quyết 24 của Ban thường vụ Thành ủy về khoán sản phẩm nông nghiệp. Đây là chủ trương “xé rào” khi ấy. Và, Hải Phòng đã thực hiện thành công mô hình này để rồi không lâu sau, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100, công nhận khoán sản phẩm và áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước. Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

40 năm sau, Hải Phòng có một đề xuất được xem là đột phá, táo bạo với Khu thương mại tự do. Đây được xem là đề xuất có tính đột phá và kỳ vọng sẽ đưa Hải Phòng phát triển “thần tốc” để cán đích mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhờ khoán 10

Khu thương mại tự do là một trong những mô hình kinh tế được áp dụng phố biến và thành công ở nhiều nước trên thế giới. Hiện thế giới đang có hơn 5.000 khu thương mại tự do và dự báo có thể có thêm 1.000 khu thương mại tự do trong vòng 5 năm tới. Ở châu Á, nước đang triển khai xây dựng các khu thương mại tự do mạnh mẽ nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nước chưa có mô hình này. Hải Phòng được xem là địa phương phù hợp để thực hiện mô hình thí điểm này khi hội tụ cả 2 yếu tố tiên quyết là kết nối giao thông và “hậu phương công nghiệp” có tiềm năng to lớn hậu thuẫn.

Việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Đồng thời, cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới, có thể vượt lên trên các luật hiện hành như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, các quy định của pháp luật về thuế...

Đối với Hải Phòng, các điều kiện để áp dụng “các cơ chế chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới” đã hội đủ. Tinh thần đám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo của con người Hải Phòng vì lợi ích chung của quốc gia và vùng, với kinh nghiệm sáng tạo của cơ chế Khoán 10 trong nông nghiệp là yếu tố tỉnh thần có sức cỗ vũ mạnh mẽ.

Khu thương mại tự do một khi được thiết lập sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu hút nhiều nhà đầu tư, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, phát triển và sử dụng hiệu quả hơn dịch vụ cảng biển, tạo cơ hội thúc đây hình thành mạng lưới khu công nghiệp có mối liên kết chặt chẽ và rộng rãi hơn với khu vực sản xuất trong nước... sẽ góp phần đáng kế vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu to lớn và đầy thách thức mà Nghị quyết 45-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã phó thác cho thành phố cảng biển Hải Phòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 4): Phải tạo ra được “động lực” cho các tỉnh

    12:42, 27/10/2021

  • Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 3): Thừa Thiên Huế hướng đến “đô thị di sản”

    12:45, 27/10/2021

  • Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 2): “Đòn bẩy” để Nghệ An bứt phá

    09:00, 26/10/2021

  • Cơ chế, chính sách đặc thù (Bài 1): “Phòng thí nghiệm” chính sách

    03:00, 26/10/2021

LAN VŨ