Hôm nay, Quốc hội họp về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến kế hoạch dự kiến này.
Tại phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trao đổi về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến thời điểm này, chính sách tài khoá của năm đã hoàn thành, thu ngân sách vẫn đảm bảo tăng 1,7%, chi ngân sách không vượt dự toán…
Chính phủ đã thực hiện một loạt chính sách về hoãn, giảm thuế, đã giúp doanh nghiệp giảm được 15 nghìn tỷ đồng tiền thuế, giảm 30 loại phí, giảm thuế xăng dầu… Đồng thời, đã thực hiện chính sách tài khoá với chi giảm rất tốt và phát hành trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại nợ, vốn hoá trên thị trường chứng khoán cũng rất tốt thể hiện niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp.
“Phải tạo nên các gói kích thích kinh tế, tạo cầu tăng lên, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn mới để phục hồi tăng trưởng. Chúng tôi đã bàn rất kỹ các giải pháp, sắp tới Chính phủ sẽ quản lý từng gói kích thích, khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển, tập trung chuyển đổi số cho dài hạn. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần thị trường, nguồn nhân lực, cần tháo gỡ cơ chế, chính sách…”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chia sẻ về mục tiêu tập trung đột phá về thể chế để thúc đẩy tăng trưởng một cách nhanh nhất. Cải cách thể chế cần tập trung tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiến độ giải ngân, thi công các công trình trọng điểm.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) góp ý, kế hoạch cần rõ nét hơn về các trọng tâm, trọng điểm các ngành, lĩnh vực và vùng, lãnh thổ; Tập trung để hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Ngoài ra, phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với liều lượng hợp lý, và phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trên cơ sở bảo đảm an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô.
Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), nguyên tắc để cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế hậu COVID-19. Trong kế hoạch, Chính phủ đã rất trách nhiệm khi đưa ra các phương án, mục tiêu cụ thể. Cũng theo đại biểu An, doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế, nhưng theo đại biểu, chúng ta nên quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho biết ông cơ bản đồng tình và nhất trí với kế hoạch tái cơ cấu, đánh giá cao Chính phủ nỗ lực hoàn thành 17/22 mục tiêu, trong đó có nhiều mục tiêu phát triển rất xa so với kế hoạch. Trong đó, nhân tố về chuyển đổi số, khoa học-công nghệ đã mang lại sự phát triển rất tốt cho đất nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần phải đưa những giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn ngoài chuyển đổi số và cải cách thể chế.
Về các nhiệm vụ và giải pháp, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), xuất phát điểm của giai đoạn 2021 - 2025 là nền kinh tế đang chịu hậu quả rất nặng nề của đại dịch COVID-19, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Cùng với đó là sự chuyển dịch lao động lớn giữa các khu vực, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa…
Cho rằng, vẫn còn khoảng cách giữa giải pháp và thực tiễn trong Kế hoạch, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần có nhận thức đầy đủ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 để đặt ra các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021 -2025 có tính thực tế hơn.
Trước mắt, cần kích thích sự phát triển của nền kinh tế, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát, kiềm chế được lạm phát, vừa đẩy mạnh đầu tư công để tạo nền tảng thu hút đầu tư tư nhân, phát huy vai trò là động lực của sự phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030: Ổn định đất trồng lúa, quản chặt đất rừng
17:30, 29/10/2021
Cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 2021- 2025: Hướng tới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
15:00, 29/10/2021
Cần đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm
14:20, 29/10/2021
Bảo hiểm vi mô còn thiếu hành lang pháp lý
13:25, 29/10/2021