Chuẩn bị chất vấn Bộ trưởng Y tế về phòng chống COVID-19, quản lý giá xét nghiệm COVID-19

NGUYỄN VIỆT 09/11/2021 05:00

Dự kiến ngày 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội và cử tri cả nước về lĩnh vực y tế.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nhóm các vấn đề được quan tâm là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược vaccine trong thời gian tới.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn đang được quan tâm.

Đặc biệt, việc triển khai mua vaccine và công tác mua sắm, đấu thầu trang thiết bị tại các bệnh viện... là những vấn đề đã được các ĐBQH nêu ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 2 này.

Mặc dù đánh giá cao vai trò của ngành y tế trong phòng, chống dịch, nhưng khi nhìn thẳng vào vai trò điều hành của tư lệnh y tế thì đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội vẫn còn “băn khoăn".

Đại biểu Trịnh Xuân An dẫn chứng vấn đề loạn giá kit xét nghiệm, bộ khẳng định không quy định giá, và địa phương tự thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra tình trạng giá kit xét nghiệm chênh lệch thì cần phải có vai trò điều hành, định hướng cho địa phương để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá. "Đây là vấn đề phải làm rõ trách nhiệm", đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Đại biểu An thông tin thêm, khi trực tiếp trao đổi với một giám đốc bệnh viện lớn tại Hà Nội về công tác mua sắm trang thiết bị cho phòng, chống dịch thì được biết, các bệnh viện lớn "sợ trách nhiệm không dám mua sắm, đấu thầu trang thiết bị vật tư để chống dịch mà phải đi xin tài trợ".

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, thực trạng này là không ổn bởi Quốc hội đã có Nghị quyết 30, Chính phủ có Nghị quyết 86 về trao cơ chế đặc thù cho phòng chống dịch, có cơ chế cho các cơ sở y tế có quyền chủ động mua sắm, đấu thầu nhưng thực tế các bệnh viện lại không triển khai.

Liên quan vấn đề vaccine, đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá cao việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An băn khoăn về chuyện doanh nghiệp, nhà tài trợ, đối tác nước ngoài muốn mua và đưa vaccine về Việt Nam nhưng còn gặp nhiều khó khăn.

đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội.

"Với vai trò điều hành, quản lý lĩnh vực này, nếu doanh nghiệp, cá nhân có tâm muốn đưa về thì phải hướng dẫn. Thực tế có đơn vị dù muốn đóng góp nhưng không có hướng dẫn, phải hỏi đi hỏi lại, do đó cần phải làm rõ công tác chỉ đạo điều hành", đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Cũng liên quan vấn đề phòng, chống dịch, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, trong công tác chống dịch cần có nguồn lực dự trữ quốc gia và mua sắm tập trung, có sự điều tiết của Chính phủ và Bộ Y tế.

Trong khi dịch bệnh diễn biến rất nhanh và khó lường, bất cứ lúc nào cũng có thể gây thảm họa nên việc dữ trữ mua sắm, đấu thầu không theo kịp diễn biến của dịch. Khi dịch bùng phát thì mình thiếu, dịch hết đi thì thừa.

Ngành Y tế Hà Nội hiện vẫn đang hết sức nỗ lực trong công tác chống dịch, tuy nhiên suốt một tháng vừa qua vừa ngày đêm chống dịch, vừa tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, ngành Y tế rất cần cơ chế, chính sách vì mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã có tháo gỡ nhưng việc tổ chức thực hiện vô cùng quan trọng.

"Ngành Y tế Hà Nội đã trả giá vụ án của CDC Hà Nội, chính vì vậy, anh em rất lo lắng. Tất nhiên chúng tôi hiểu mình không sai thì không sợ, tuy nhiên với việc giải trình hồ sơ liên tục như vậy sẽ gây tâm lý hoang mang", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay.

Có 4 Bộ trưởng được đại biểu Quốc hội lựa chọn để tiến hành chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội nói gì về quy hoạch sử dụng đất quốc gia?

    15:41, 30/10/2021

  • Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn trường hợp oan, sai

    18:55, 23/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội

    20:55, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vì mục tiêu chung

    12:38, 22/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Soạn Luật Sở hữu trí tuệ thì phải rất trí tuệ

    22:20, 21/10/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: "Nhân dân mong đợi những quyết sách tại Kỳ họp này"

    15:42, 21/10/2021

  • Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành kiến nghị tạm đình chỉ vụ án vì lý do dịch bệnh

    16:34, 20/10/2021

NGUYỄN VIỆT