Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư APEC và quốc tế
Hiện có 33.500 dự án FDI hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn 395 tỷ USD đến từ 140 quốc gia, đối tác. Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư APEC và quốc tế.
>>>Chủ tịch nước: Các thành viên ABAC cần đồng hành cùng APEC phục hồi kinh tế
>>>Chủ tịch nước đề xuất 3 giải pháp với cộng đồng doanh nghiệp tại APEC 2021
Phát biểu trong phiên đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) sáng 11-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của quốc tế, của nhà nước và doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đối thoại thường niên giữa các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC và các thành viên ABAC lần này là dịp tốt để chúng ta thảo luận các giải pháp vượt qua khủng hoảng, phục hồi kinh tế và mở rộng liên kết với vai trò đi đầu của APEC.
"Tôi đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Tôi cũng hoan nghênh những khuyến nghị sâu sắc, thiết thực của ABAC gửi Lãnh đạo APEC và mong ABAC tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình". - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
The ông, trước những khó khăn và thách thức to lớn chưa từng có mà thế giới đang đối mặt, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể, đột phá, mạnh mẽ, mà trong đó nỗ lực tự cường ở mỗi nền kinh tế và hợp tác khu vực, toàn cầu cần phát huy tác động tương hỗ với nhau.
Cụ thể là: (i) Phát huy nội lực để giữ vững ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh của mỗi nền kinh tế tạo nên những viên gạch vững chắc cho xây dựng lại nền kinh tế khu vực và toàn cầu. (ii) Đồng thời, hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế lại bổ trợ cho các nỗ lực nội tại của mỗi nền kinh tế, thông qua việc tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, đi lại của người dân, và hỗ trợ hoạt động của các chuỗi cung ứng. Phải chăng đó là vòng xoay tích cực của hợp tác APEC.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại dịch covid-19 đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, làm cùng cực hóa một bộ phận dân cư, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Đại dịch cũng cản trở các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, trong khi hành động càng bị trì hoãn thì thảm họa càng đến nhanh hơn, khốc liệt hơn.
"Trong u tối của các khó khăn nặng nề, APEC phải là nơi thắp sáng những cơ hội mới khi chúng ta gắn kết phục hồi kinh tế với chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu và luôn bảo đảm lợi ích của người dân, phát huy tiềm năng của các nhóm yếu thế". - Ông Nguyễn Xuân Phúc nói và nhấn mạnh: "Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp mạnh, tiếp cận tổng thể, lồng ghép các kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” với chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đối khí hậu".
Chủ tịch nước cũng chia sẻ, tại Việt Nam, để phục hồi kinh tế, mọi chính sách đều nhằm hỗ trợ cả người lao động và người sử dụng lao động, như tiêm vắc-xin, các gói hỗ trợ tài chính, cắt giảm thuế, chi phí, duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, di chuyển, an sinh của người lao động. Đây là những giải pháp căn cơ cho phục hồi và phát triển bền vững; trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đồng thời, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các gói hỗ trợ an sinh xã hội và các nguồn lực xã hội cũng được huy động để cùng chung sức hỗ trợ nhóm yếu thế, người nghèo vươn lên.
Tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu đang được triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Chương trình trồng thêm 1 tỷ cây xanh đến 2025 dự kiến nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%, giảm 30% lượng phát thải metan vào 2030. Tại COP-26, Việt Nam đã cam kết đạt Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Phù hợp với điều kiện tại các địa phương, triển khai mô hình kinh tế “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng dựa trên hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA) và dựa vào tự nhiên (NbS). Cùng với đó là các ưu đãi, khuyến khích quá trình xanh hoá các ngành kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh.
"Việt Nam tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng; cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế khi thực hiện các cam kết tại nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA và từ đầu 2022 là Hiệp định RCEP. Hiện có 33.500 dự án FDI hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn 395 tỷ USD đến từ 140 quốc gia, đối tác. Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư APEC và quốc tế". - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn hiện nay dẫu nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội, thời cơ tốt cho các doanh nghiệp dám mạnh mẽ tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh doanh bền vững, bao trùm. Những mục tiêu tham vọng của các nền kinh tế APEC về phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu,... chỉ có thể trở thành hiện thực khi cộng đồng doanh nghiệp APEC chung tay thực hiện sáng tạo, hiệu quả lộ trình cắt giảm khí thải, tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ mới và hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng xanh.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch nước: Các thành viên ABAC cần đồng hành cùng APEC phục hồi kinh tế
03:43, 12/11/2021
Chủ tịch nước đề xuất 3 giải pháp với cộng đồng doanh nghiệp tại APEC 2021
15:00, 11/11/2021