Nông nghiệp đối diện với “3 biến lớn”
Thương nhân, chuỗi cung ứng và phân phối mới đóng vai trò quyết định. Trước đây chúng ta có tư duy đầu vào quyết định thành công trong sản xuất, còn bây giờ đầu ra mới là định hướng cho đầu vào.
>>>Sẽ mở rộng đối tượng và nguồn để hỗ trợ đầu tư lĩnh vực nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại cuộc tọa đàm: “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Những vấn đề đặt ra”, do trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, ngày 16/11.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khi đặt ra vấn đề này cũng có ý kiến thắc mắc rằng, nếu như vậy thì nông dân sẽ phải làm gì? Bộ trưởng cho rằng, bộ không thể tư vấn cho người dân nên trồng cây gì, nuôi con gì, mà phải do thị trường điều chỉnh và quyết định.
Mục tiêu là giá trị gia tăng
Vậy thị trường ở đâu? thị trường là ở doanh nhân, doanh nghiệp vì họ nắm rõ thị trường cần sản phẩm gì và muốn sản phẩm nào. “Doanh nghiệp, doanh nhân nhạy bén với thị trường như con tôm, con cá nhạy cảm với độ mặn của nguồn nước. Chỉ cần tăng 1% độ mặn là tôm, cá sẽ phản ứng liền”, Bộ trưởng nói.
Còn bộ máy hành chính bao giờ phản ứng cũng chậm hơn. Và tất cả thế giới đều mặc định, chính sách không bao giờ phản ứng nhanh bằng tầng lớp thương nhân. Bởi họ biết rõ quy luật thị trường, yêu cầu thị trường từ chất lượng, số lượng đến thời điểm. “Đó mới là yêu cầu hàng đầu trước khi đưa ra chiến lược sản xuất”, Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đã có những thay đổi và nhìn nhận khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc bắt đầu tư duy kinh tế nông nghiệp cũng đơn thuần và chuyển động một cách bình thường, bởi vì chúng ta đang bị “giằng xé” giữa những con số chỉ để làm đẹp trong các bản báo cáo về sản lượng nhưng giá trị lại không được thể hiện.
Đơn cử, chúng ta vẫn đặt mục tiêu đưa sản lượng nông nghiệp đứng top đầu thế giới. Thoạt nghe thì rất “oai phong”, nhưng theo Bộ trưởng, khi chuyển sang tư duy kinh tế thì giá trị gia tăng mới là mục tiêu cuối cùng.
Và muốn chuyển đổi được tư duy này, bộ trưởng đã phải đề nghị một tổ chức quốc tế hỗ trợ xây dựng chương trình hành động tập thể. Vì việc thay đổi từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp và các các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương phải cùng nhau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến lớn”. Một là, biến đổi khí hậu. Hai là, biến động thị trường. Thị trường này mở ra thì thị trường kia khép lại, thậm chí “một cánh mở, một cánh khép”. Mở ra nhưng sẽ bị vướng bởi hàng rào kỹ thuật và những yêu cầu khác. Ba là, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Trước đây, khi đói thì cần ăn no, còn bây giờ yêu cầu phải ăn ngon, sạch, giàu chất dinh dưỡng.
Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn ví dụ về câu chuyện “giải cứu” vải thiều tại Bắc Giang. Bộ trưởng cho biết, ngay lúc “manh nha” nghe được thông tin về “giải cứu” vải thiều Bắc Giang bằng những tấm biển treo ngoài đường, Bộ trưởng đã yêu cầu phải bỏ ngay từ “giải cứu”. Vì nó đã làm mất đi công sức của người nông dân, quan trọng hơn là tự đánh mất đi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam.
Và Bộ trưởng đã đưa ra 3 đề xuất cho vấn đề này. Thứ nhất, phải nâng niu nông sản Việt, nâng niu giá trị Việt, nâng niu tâm hồn Việt. Thứ hai, kết nối nông sản Việt. Thứ ba, san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch.
“Chúng ta phải suy nghĩ, cách thức buôn bán đâu chỉ có nhìn nhận và đánh giá bằng việc bán rẻ. Thành công trong kinh doanh thời nay có thể đến từ cảm xúc, sự quý mến nhau”, Bộ trưởng bày tỏ.
Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, dưới tác động của đại dịch, nhiều chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy từ việc mua bán con giống đến chế biến.
Tình hình tiêu thụ nội địa vẫn suy giảm do vẫn bị cạnh tranh bởi một số hàng nhập khẩu. Tình hình xuất khẩu có phần khả quan hơn, nhiều đơn hàng từ thị trường mới được khơi thông. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu lại bị rào cản về chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao bất thường so với trước đại dịch nên gây cản trở rất lớn.
>>>Nông nghiệp cần phát triển thành vùng sản xuất lớn
>>>Cần cơ chế thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào phát triển nông nghiệp miền núi
Năng suất, chất lượng, năng lực còn thấp
Từ thực trạng này, việc xanh hóa chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu sẽ giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa do dễ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch động thực vật của nước nhập khẩu; giúp kiểm soát tốt hơn mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp; bảo vệ môi trường…
Lấy ví dụ về chuỗi cung ứng “tổ đánh bắt” ở Phú Yên, theo PGS.TS. Tạ Văn Lợi, địa phương này đã tạo thành mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ; từ đó tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cá ngừ.
Nhưng để làm được vấn đề này hiệu quả hơn, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế cho rằng, các doanh nghiệp cần đổi mới tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng lực triển khai. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong nước trong việc sử dụng các sản phẩm nông sản xanh.
Xây dựng, công bố các tiêu chuẩn xanh và công nhận các nguyên liệu xanh cho các tổ chức sản xuất và kinh doanh; xây dựng các mô hình liên kết để phát triển và hình thành các sáng kiến xanh hóa chuỗi cung ứng nhằm cắt giảm chi phí xanh hóa.
Còn GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (ĐHKTQD) nêu ra một số thách thức đối với ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, tình trạng cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng.
Với tình trạng sản xuất nông nghiệp như hiện nay, năng suất, chất lượng, năng lực, khả năng cạnh tranh còn thấp kém. Năng lực thị trường của người nông dân, của những người sản xuất hàng hóa ở nông thôn còn yếu. Sản xuất theo khả năng mà không xuất phát từ nhu cầu, thấy “thiên hạ ăn khoai thì cũng vác mai đi đào”.
Thứ hai, yêu cầu đầu tư ngày càng lớn, trong khi khả năng tích lũy từ nội bộ nông nghiệp, từ nội bộ kinh tế nông thôn còn có hạn. Nguồn lực tài chính của Nhà nước đầu từ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng bị hạn chế. Nông nghiệp là địa bàn kém sự hấp dẫn, đầu tư.
Thứ ba, yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng với bảo đảm công bằng xã hội từng bước với thực trạng chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa thành thị và nông thôn ngày càng có xu hướng tăng lên.
Thứ tư, yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng. Nhưng với thực trạng năng lực của người sản xuất hàng hóa ở nông thôn còn thấp. Sản xuất manh mún, phân tán. Hiện nay đang có 8 triệu hộ canh tác trên 70 triệu mảnh ruộng khác nhau. Như vậy, không có khoa học công nghệ nào có thể vào được khi phân tán và manh mún.
Thứ năm, động lực “cởi trói” và giải phóng đã đến mức giới hạn nhưng chúng ta chưa tìm ra được động lực mới để thực hiện sự thúc đẩy chuyển sang giai đoạn mới.
Có thể bạn quan tâm
Khát vọng làm nông nghiệp hữu cơ của cô gái 9X
05:23, 16/11/2021
Khởi nghiệp nông nghiệp liêm chính: Đường dẫn đến sản phẩm minh bạch trong thông tin
14:25, 14/11/2021
Khởi nghiệp nông nghiệp liêm chính: Con đường phát triển bền vững
12:11, 14/11/2021
Để điện mặt trời phát triển trong nông nghiệp
11:00, 11/11/2021
Sẽ mở rộng đối tượng và nguồn để hỗ trợ đầu tư lĩnh vực nông nghiệp
09:15, 11/11/2021
Long An: Tạo sức bật cho ngành nông nghiệp
14:13, 10/11/2021
Đầu tư nông nghiệp – mắt xích thúc đẩy phục hồi kinh tế
11:30, 10/11/2021
Nông nghiệp cần phát triển thành vùng sản xuất lớn
13:02, 08/11/2021
Cần thúc đẩy phát triển điện mặt trời trong nông nghiệp
04:00, 02/11/2021
Cần cơ chế thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào phát triển nông nghiệp miền núi
11:27, 01/11/2021
Nông nghiệp “thăng hoa” từ mô hình AGINE?
11:34, 29/10/2021