Chủ tịch Quốc hội: Trọng trách của Quốc hội là tiếp tục đổi mới
Quốc hội cố gắng rút ngắn thời gian làm việc nhưng mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng và hiệu quả.
>>Chủ tịch Quốc hội: Càng khó khăn, càng phải quyết tâm!
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hải An, thành phố Hải Phòng, ngày 17/11.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn cử tri đã theo dõi sát sao hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Đổi mới luôn là nhiệm vụ trọng tâm
“Đây vừa là phần thưởng nhưng đồng thời cũng là sự nhắc nhở, gửi gắm kỳ vọng của cử tri để Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp tục đổi mới, hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của mình”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cảm ơn cử tri quận Hải An đã có nhiều ý kiến rất sâu, rộng, phong phú đóng góp và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố Hải Phòng.
Nhiều cử tri đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cho rằng, những đổi mới đó đã đem lại nhiều hy vọng cho cử tri và nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Nhấn mạnh lại tinh thần trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Quốc hội xác định và tập trung triển khai trên cả 4 lĩnh vực hoạt động: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại.
Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 161/2021/QH14 và đang triển khai quyết liệt với hơn 120 Đề án cụ thể.
Trong đó, có những Đề án chưa được chính thức thông qua nhưng quá trình nghiên cứu cho thấy vấn đề nào có thể áp dụng được thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã áp dụng hoặc xin ý kiến Quốc hội thực hiện ngay.
Ví dụ, Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội hiện chưa trình Quốc hội thông qua nhưng đối với công tác dân nguyện, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào xem xét định kỳ tại phiên họp hàng tháng.
Gắn với đó, Quốc hội đang tiến hành giám sát tối cao về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm đếm lại các vụ việc tồn đọng, có bao nhiêu vụ việc phức tạp, đông người, tác động đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và đặt mục tiêu rõ ràng trong nhiệm kỳ này có xử lý được hết hay không.
Một mặt, phải làm thật tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân để không làm phát sinh các vụ việc phức tạp mới, nhưng một mặt cũng phải tiếp tục rà soát, xử lý cho dứt điểm những vụ việc tồn đọng.
Hay Đề án về đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng Kỳ họp của Quốc hội cũng chưa được thông qua nhưng có những đổi mới đã áp dụng ngay tại Kỳ họp thứ Hai, như việc chia tổ thảo luận ở cả Trung ương và địa phương với 72 điểm cầu trong cả nước.
Trong đó, các điểm cầu địa phương có sự tham dự của lãnh đạo các sở ngành để cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến cho Quốc hội. Với cải tiến này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cử tri đánh giá Quốc hội gần dân hơn. Chưa bao giờ ý kiến thảo luận tổ lại nhiều như tại Kỳ họp vừa qua.
Cùng với đó, ý kiến thảo luận tổ được tổng hợp ngay, sáng thảo luận thì chiều có báo cáo tổng hợp, chiều thảo luận thì sáng sớm ngày hôm sau có báo cáo tổng hợp, nhờ đó ra Quốc hội chỉ tập trung thảo luận các vấn đề lớn, trọng tâm, còn ý kiến khác nhau qua thảo luận tổ.
Từ Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội cũng đã thí điểm biểu quyết điện tử qua hệ thống được cài đặt trên ipad. Đây là những việc mà từ trước đến nay chưa có và đã đem lại hiệu quả ngay.
Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ đánh giá rất cao công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là cách làm hiệu quả và là kinh nghiệm rất tốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Bởi thực tế cho thấy, khi chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, Quốc hội có thời gian và điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng, yêu cầu Chính phủ, cơ quan trình báo cáo làm rõ thêm các vấn đề, thậm chí có những nội dung như dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê qua quá trình chuẩn bị đã thay đổi cả về tư duy xây dựng luật.
“Quốc hội cố gắng rút ngắn thời gian làm việc nhưng mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng và hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhất trí với kiến nghị của cử tri về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công… Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đều nhấn rất mạnh các vấn đề này.
Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ tổng kết kinh nghiệm, bài học trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch.
Trong chiến lược tổng thể có kế hoạch phân bổ, sử dụng vaccine nói chung và cho trẻ em nói riêng để sớm đưa trẻ em trở lại trường học. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…
Đối với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần thiết phải điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt theo yêu cầu của Trung ương là “liều lượng phải hợp lý, thời điểm phù hợp trên nguyên tắc phải bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát”.
Để tính toán được vấn đề này là rất khó. Do đó, từ khi khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã làm việc với Chính phủ về vấn đề này.
Hiện nay, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cũng đang tập trung chuẩn bị cho việc tổ chức thêm một Kỳ họp nữa vào cuối năm nay để xem xét, quyết định ngay giải pháp tổng thể về tài chính và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời xem xét, quyết định một số vấn đề đang rất cấp bách hiện nay như: dự án Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh…
>>Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch
Gắn công nghiệp hóa với đô thị hóa
Về cơ chế đặc thù của thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hải Phòng được Bộ Chính trị ra hai Nghị quyết chuyên đề, gồm Nghị quyết 32 năm 2015 và Nghị quyết 45 năm 2019. Tuy nhiên, từ Nghị quyết 32 đến Nghị quyết 45 là sự thay đổi rất lớn về tư duy, mục tiêu phát triển, đặt Hải Phòng trong vị thế và tầm vóc khác.
Không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho cả khu vực và cả nước, sớm hiện đại hóa, công nghiệp hóa thành phố Hải Phòng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Do đó, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Hải Phòng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (cùng với 3 địa phương khác là Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế - PV) để Hải Phòng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, đồng thời, cũng tạo tiền đề để tổng kết, nghiên cứu, áp dụng cho các địa phương khác.
Riêng đối với đề xuất thành lập khu thương mại tự do, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua và đã đề nghị Chính phủ, Thành phố Hải Phòng nghiên cứu, hoàn thiện, làm rõ hơn các nội dung về cơ chế, chính sách cụ thể để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội trong thời gian tới.
Đồng tình với các kiến nghị của cử tri liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần đầu tiên tại Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế - 2 trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta.
Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Hai cũng đã đề cập rất kỹ, rất sâu về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, ghi nhận kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ đôn đốc việc ban hành Nghị định hướng dẫn hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Người có công có hiệu lực từ tháng 7.2021.
Đối với hộ nghèo, Quốc hội đã thống nhất: những hộ có hoàn cảnh rất đặc biệt như người khuyết tật, người già neo đơn… không thể hỗ trợ thoát nghèo được thì chuyển toàn bộ sang bảo trợ xã hội và nghiên cứu điều chỉnh mức hỗ trợ lên cao hơn so với hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí kiến nghị của cử tri về tăng cường các thiết chế cho công nhân và người lao động bởi đây là vấn đề quan trọng nổi lên qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng triệu người lao động đã rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam để về quê.
Trong gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tính đến chính sách hỗ trợ chương trình cải tạo chung cư cũ và xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế cho người lao động, có thể có chương trình hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cho vay tái cấp vốn để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà cho người thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những bài học phải “nằm lòng” là gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bởi nếu công nghiệp hóa đi nhanh hơn đô thị hóa thì sẽ có tình trạng không có thiết chế văn hóa, không có thiết chế nhà ở xã hội cho người lao động.
Nhưng nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa thì sẽ xuất hiện tình trạng biệt thự, nhà ở, khu chung cư bỏ không… Hải An là quận mới được thành lập, do đó, ngay từ đầu phải chú trọng gắn kết phát triển đô thị với kinh tế đô thị, gắn kết phát triển đô thị với công nghiệp hóa, phải quan tâm đầu tư các thiết chế nhà ở, thiết chế văn hóa, trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo…
Hải Phòng còn là trung tâm lao động, công nghiệp của khu vực. Do đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Hải Phòng có thể có đề án riêng về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để đề xuất với Trung ương, Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của cử tri về sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt vận tải hàng hóa và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện giai đoạn 2 (đường sắt và cầu dân sinh Tân Vũ- Lạch Huyện 2).
Tạo điều kiện để 2 bến cảng số 1+2 hiện có cũng như các bến cảng số 3+4 và 5+6 được hoàn thiện các thủ tục và doanh nghiệp có thể triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động sớm nhất, đáp ứng nhu cầu ngày một gia tang. Huy động các nguồn lực sớm xây dựng cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển vận tải thủy nội địa, tận dụng tốt điểu kiện sông ngòi tự nhiên.
Tiết giảm chi phí logistics cũng như giảm tải cho vân tải đường bộ, tránh ùn tắc, giảm tai nạn giao thông cũng như tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như chi phí xây dựng, tu bảo dưỡng cầu đường…
Đồng thời đề nghị HĐND, UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tiếp thu những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ kiến nghị để Chính phủ giải quyết.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội: Rà soát lại mức chi cho y tế cơ sở
17:32, 16/11/2021
Chủ tịch Quốc hội: Càng khó khăn, càng phải quyết tâm!
16:02, 16/11/2021
Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”
12:22, 13/11/2021
Chủ tịch Quốc hội: Gói kích thích kinh tế phải chú trọng cả tổng cung, tổng cầu
15:10, 12/11/2021
Chủ tịch Quốc hội: Ban hành Nghị quyết phiên chất vấn để làm cơ sở giám sát
13:06, 12/11/2021
Chủ tịch Quốc hội: COVID-19 làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
16:48, 11/11/2021
Chủ tịch Quốc hội: Chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống
12:03, 11/11/2021