Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

BÁ TÚ 03/01/2022 04:37

Tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền đã hình thành từ thời cổ đại và phát triển qua từng giai đoạn.

 “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh” chính là nhan đề của cuốn sách của nguyên Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành vừa xuất bản.

Tác giả Đoàn Duy Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã trình bày một số điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền.

Lý luận và thực hành

Hành trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh và xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đã được tác giả nêu lên một cách cô đọng và dễ hiểu. Theo tác giả, “từ khi Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đến nay, vừa tròn 111 năm (1911 – 2021). Nước ta đã cơ bản thành công trong công cuộc xây dựng và định hướng đất nước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”.

Nói về tư tưởng Hồ Chí Minh, tác giả nhắc lại việc “Người luôn nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân ta phải sáng tạo, không giáo điều, phải hành động cụ thể để rút ra kinh nghiệm từng việc làm. Người đã dùng 18 chữ trong phương châm hành động của mình để hướng dẫn mọi người: “Thực hành sinh ra hiểu biết - Hiểu biết tiến lên lý luận – Lý luận lãnh đạo thực hành”. Theo đó, việc làm trước rút kinh nghiệm để làm việc sau, việc làm sau tiếp tục đúc kết kinh ngiệp thành lý luận sắc bén hơn để làm tiếp, liên tục thực hành đến nơi đến chốn, thành công hay thất bại đều được rút kinh nghiệm và tổng kết. Tất cả đều nhằm vào mục đích, như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Sáng tạo và phát triển

Trải qua quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước, theo tác giả, tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn định hướng, soi đường cho Đảng và cả dân tộc vượt qua hết khó khăn, thách thức để đạt được những thành công. “Để xây dựng một chế độ mới, chế độ ưu việt, hơn hẳn các chế độ đã qua và chưa có tiền lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất thận trọng cân nhắc từng việc làm, từng nội dung từ những vấn đề nhỏ nhất. Người luôn cân nhắc thấu đáo rồi trao đổi với mọi người cùng làm.”

Thực tế, “Trong quá trình lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đời sau một “kho sách sống” rất sinh động trong quản lý đất nước, nhất là trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh với một đội ngũ cán bộ cốt cán để tiếp tục sự nghiệp của Người”.

Để khắc phục những khó khăn do tác hại vô cùng to lớn của đại dịch COVID-19, tác giả cho rằng, “Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình để vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu kinh tế. Việt Nam cần có những sáng tạo và nỗ lực phi thường của toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để vượt qua khó khăn, thách thức này”.

Nhấn mạnh về sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta, tác giả nhận định, “trải qua một thời kỳ lịch sử với những dấu mốc vinh quang, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước (1930 -2021) luôn gắn với tinh thần “đại đoàn kết” và “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là định hướng lớn

    16:57, 02/11/2021

  • Xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

    18:33, 19/10/2021

  • Kinh tế thị trường định hướng XHCN: Sự tiếp nối tư tưởng của Bác về kinh tế nhiều thành phần

    09:00, 06/08/2021

BÁ TÚ