Liều “dopping” cho Đồng bằng Sông Cửu Long
Cơ chế đặc thù cho Cần Thơ trong bối cảnh hiện nay, không chỉ là liều “dopping” cho riêng thành phố này, mà cho cả vùng ĐBSCL trong nỗ lực đi lên cùng đất nước.
>>Cần Thơ sẽ có 6 cơ chế đặc thù để phát triển
Sáng 4/1, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ trong 5 năm.
Theo đó, nội dung dự thảo Nghị quyết tập trung vào các chính sách liên quan tới lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức...
Được coi là khu vực có nhiều thuận lợi về địa hình, điều kiện tự nhiên, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa thể phát huy được tiềm năng, lợi thế này để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Vì thế, với một số nội dung về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ – nơi được xác định là trung tâm của vùng, cũng được xem là cách “tháo điểm nghẽn” cho sự phát triển của cả vùng.
Không cần phải có con mắt của một nhà kinh tế cũng có thể hiểu được phần nào lý do vì sao ĐBSCL vẫn phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp cũng như có mức tăng trưởng kinh tế ì ạch như vậy.
Bất cứ một cá nhân nào đi từ TP.HCM về các tỉnh ĐBSCL cũng hiểu được nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó: Chúng ta đang thiếu đi sự kết nối giữa các tỉnh khu vực ĐBSCL với các trung tâm kinh tế và công nghiệp như TP.HCM và các tỉnh miền Đông, và do đó không thể lan tỏa sự phát triển từ các trung tâm này về các tỉnh ĐBSCL được.
Để kết nối TP.HCM và miền Đông với khu vực ĐBSCL rộng lớn, chúng ta hiện mới chỉ có rất ít các công trình hạ tầng cần thiết, bao gồm cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Cần phải thông các tuyến đường cao tốc quan trọng khác như Trung Lương - Mỹ Thuận hay Mỹ Thuận - Cần Thơ… Các tuyến giao thông hiện tại kết nối với TP. HCM và Đông Nam bộ thường xuyên quá tải, tắc nghẽn và xuống cấp.
Tức là, một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do kết nối hạ tầng giao thông yếu kém, chưa được khơi thông, kết nối. Bởi vì, với cơ sở hạ tầng yếu kém và ít ỏi như vậy, không có gì khó hiểu khi các tỉnh khu vực ĐBSCL không thể thu hút vốn đầu tư, công nghệ từ TP.HCM và miền Đông, và chỉ giữ vai trò cung cấp nguồn nhân lực cho các trung tâm kinh tế lân cận này.
>>Kỳ vọng từ kỳ họp bất thường của Quốc hội
Điều đáng nói là đây không phải là sự thiếu sót trong chính sách đầu tư phát triển ở tầm quốc gia, mà nó là hệ quả của một tư duy sai lầm trong rất nhiều năm rằng, ĐBSCL chỉ có tiềm năng về nông nghiệp, cứ để tự nó phát triển bằng các gói đầu tư vào nông nghiệp và không cần thiết phải kết nối nó với TP.HCM cũng như các tỉnh miền Đông làm gì.
Ngoài ra, một số nguyên nhân của hạn chế hiện nay về liên kết kinh tế vùng ĐBSCL nằm chủ yếu vẫn còn tồn tại “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích cục bộ địa phương” và tầm nhìn ngắn hạn trong bộ máy thực thi ở địa phương khiến cho chính quyền địa phương chưa thực sự thấy được lợi ích lâu dài từ liên kết vùng.
Thực tế trên cho thấy, để ĐBSCL không bị tụt hậu so với các vùng khác, cần tăng cường kết nối hệ thống GTVT các tỉnh trong vùng, liên vùng và quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế về đường thuỷ nội địa, đường biển sẵn có, làm sao đường thuỷ và đường bộ có thể thay thế vai trò cho nhau, tập trung đưa hàng xuống đường thuỷ, đường bộ chủ yếu là vận tải hành khách.
Trước đó, chúng ta đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất phương án xử lý kiến nghị của địa phương để tháo gỡ “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH.
Có thể nói, mục tiêu phát triển ĐBSCL, trong đó có mục tiêu giữa nội vùng ĐBSCL nói chung và liên vùng giữa ĐBSCL với TP. HCM và Đông Nam bộ nói riêng, trước hết cần phải đề cập giải pháp huy động và phân bổ vốn đầu tư. Trong đó vẫn xác định đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt. Đồng thời, tăng cường huy động đầu tư tư nhân vào ĐBSCL.
Và cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết vì sẽ kích hoạt sự phát triển, không chỉ là liều “dopping” cho riêng thành phố này, mà cho cả vùng ĐBSCL trong nỗ lực đi lên cùng đất nước.
Chính vì vậy, Kỳ họp bất thường đầu năm 2022 của Quốc hội, là lúc cơ quan quyền lực tối cao cân nhắc, quyết định những chính sách, những chương trình dài hơi hơn, có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, không chỉ riêng cho sự phát triển KT-XH của mảnh đất Chín Rồng.
Mà những quyết sách tại thời điểm này còn góp phần đưa đất nước vượt khó, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, tạo đà phát triển nhanh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Cần Thơ sẽ có 6 cơ chế đặc thù để phát triển
11:00, 04/01/2022
Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách
10:20, 04/01/2022
Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
10:00, 04/01/2022
Kỳ vọng từ kỳ họp bất thường của Quốc hội
05:00, 04/01/2022
Quốc hội khóa XV: Dấu ấn từ các quyết sách
01:10, 02/01/2022
10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021
22:22, 31/12/2021