Nâng tầm đối tác chiến lược Việt-Pháp
Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam và Pháp đã không ngừng phát triển trong thời gian qua và còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.
>> Khai trương cổng thông tin thư viện số Pháp - Việt
Nhân dịp tết Nhâm Dần, DĐDN đã có cuộc trao đổi với Ngài Nicolas Warnery, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ngài Nicolas Warnery cho biết việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Pháp- Việt vào năm 2013 là một bước tiến quan trọng dựa trên cơ sở tham vấn thường xuyên và các dự án cụ thể mà Pháp muốn phát triển hơn nữa trong những năm tới.
- Quan hệ hợp tác Việt Nam và Pháp đã vươn lên thành Đối tác Chiến lược với nền tảng hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả. Ngài đánh giá như thế nào về mối quan hệ này?
Quan hệ đối tác song phương Pháp-Việt đã kiến tạo những hợp tác chặt chẽ vì lợi ích của hai nước trong nhiều lĩnh vực, từ y tế đến môi trường, cả trong các lĩnh vực văn hóa, năng lượng, giao thông, vũ trụ, Pháp ngữ hay an ninh… Quan hệ này phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Pháp và bốn trụ cột: an ninh và quốc phòng; kinh tế, kết nối, nghiên cứu và đổi mới; chủ nghĩa đa phương và nhà nước pháp quyền; chống biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý bền vững các đại dương. Chiến lược này cũng minh chứng cho tầm nhìn của Pháp về một trật tự đa cực, ổn định và bao trùm, đặc biệt dựa trên chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và cũng là dịp minh chứng cho mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước. Năm 2020, Pháp đã nhận được sự giúp đỡ khẩu trang từ các cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam, trong khi Pháp đã tặng Việt Nam gần hai triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong khuôn khổ cơ chế COVAX và trong khuôn khổ song phương. Ngoài ra, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp vào tháng 11/2021 và các trao đổi cấp cao với các nhà lãnh đạo của Pháp cho thấy Pháp rất coi trọng Việt Nam, một đối tác chiến lược và quốc gia hữu nghị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
- Để phát triển hợp tác trong lĩnh vực dược, Việt Nam và Pháp đã khuyến khích các tổ chức nhà nước và tư nhân Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới và tăng cường trao đổi. Theo Ngài, các doanh nghiệp hai nước cần tận dụng cơ hội này như thế nào để đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong năm 2022?
Hợp tác trong lĩnh vực y tế là một trong những nền tảng lịch sử trong quan hệ đối tác Pháp - Việt. Lĩnh vực này cũng là trọng tâm trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tại Pháp, trong đó đáng chú ý là Thủ tướng đã tới thăm Viện Pasteur và trụ sở của công ty Sanofi. Lĩnh vực này cũng được đề cập trong Tuyên bố chung song phương được thông qua nhân dịp này, khuyến khích các cơ quan nhà nước và tư nhân của Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới và tăng cường trao đổi.
Sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm là rất quan trọng. Ngoài xuất khẩu trực tiếp của chúng tôi, một số công ty đã chọn đặt trụ sở chính tại Việt Nam, như Pierre Fabre thành lập tại Việt Nam từ năm 1992; Servier có mặt tại Việt Nam từ hơn 25 năm; Sanofi đã hiện hiện hơn 50 năm tại Việt Nam; ngoài ra còn có Ipsen, Biomérieux, Urgo,…
Sự hiện diện này cần được phát triển hơn nữa, vì Pháp ủng hộ việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm. Tuy nhiên, sự ổn định của khung pháp lý và khả năng tiếp cận hiệu quả vào thị trường Việt Nam đối với các sản phẩm dược phẩm của Pháp cần được đảm bảo để các công ty dược phẩm của Pháp đẩy mạnh các khoản đầu tư lớn hơn nữa trong tương lai.
- Pháp luôn hoan nghênh sự ủng hộ của Việt Nam đối với Liên minh nông nghiệp sinh thái, được khởi xướng theo sáng kiến của Pháp tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hệ thống Lương thực ngày 23/9/2021. Điều này cho thấy hai bên đang phối hợp nhịp nhàng để chuyển đổi bền vững các hệ thống nông nghiệp. Theo Ngài, cần có giải pháp gì để thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này? Cơ hội nào cho doanh nghiệp 2 nước?
Nông nghiệp sinh thái là một ưu tiên chung giữa hai nước chúng ta và là một lĩnh vực hợp tác chặt chẽ mới, ở ba cấp độ. Trước tiện từ quan điểm chính trị, việc Việt Nam ký kết liên minh do Pháp khởi xướng sẽ cho phép Việt Nam tham gia các cuộc thảo luận cấp cao nhằm thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái của các hệ thống nông nghiệp.
Từ quan điểm thể chế và về mặt nghiên cứu, Pháp mang đến sự hợp tác tích cực, đặc biệt thông qua chương trình quan trọng ASSET (Chuyển đổi Hệ thống Nông nghiệp sinh thái và Thực phẩm An toàn) do Cơ quan Phát triển Pháp và Ủy ban Châu Âu tài trợ, trong đó Trung tâm Quốc tế Hợp tác Nghiên cứu Nông nghiệp vì Phát triển (CIRAD) đảm trách việc điều phối khoa học. CIRAD, cũng như Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, với một cố vấn nông nghiệp, tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch hành động của Việt Nam tiếp theo Hội nghị thượng đỉnh về các Hệ thống lương thực. Tuy nhiên có rất nhiều thách thức, như xác định và đo lường các chỉ số định lượng về tác động môi trường, đào tạo người sản xuất, kiểm soát và chứng nhận tốt hơn...
Từ quan điểm kinh tế, chuyển đổi nông nghiệp sinh thái đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của các chủ thể kinh tế và phải đi đôi với sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Có rất nhiều cơ hội cho các công ty ở cả hai quốc gia, như đầu vào thân thiện với môi trường, hiện đại hóa chuỗi cung ứng nông sản, trao đổi các thực hành tốt giữa các công ty...
- Dù quan hệ đầu tư, thương mại Việt-Pháp đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Ngài, cần thúc đẩy hoạt động này thế nào?
Như đã nhắc lại trong Tuyên bố chung được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tại Pháp vào tháng 11/2021, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trao đổi thương mại của chúng tôi là rất lớn (6,4 tỷ EUR vào năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch) nhưng rất mất cân bằng có lợi cho Việt Nam, với thâm hụt thương mại đáng kể từ phía Pháp. Chúng tôi đang nỗ lực củng cố vị thế của Pháp với tư cách là đối tác thương mại của Việt Nam. Điều này cũng tương tự đối với các khoản đầu tư trực tiếp: với 3,6 tỷ USD vốn đầu tư, Pháp đứng thứ ba trong số các quốc gia châu Âu có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2020. Trong khi đã có khoảng 20 công ty Việt Nam đã đầu tư vào Pháp để tiếp cận thị trường châu Âu dễ dàng hơn.
Chúng ta phải tiếp tục xúc tiến hoạt động của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam và của doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp, đồng thời tiếp tục tăng cường hiểu biết cho các công ty ở cả hai nước. Tôi đã nỗ lực làm việc này kể từ khi đến đất nước các bạn và tôi biết rằng người đồng cấp Việt Nam của tôi ở Pháp cũng đang thực hiện những hành động tương tự. Tôi tin tưởng rằng việc nối lại các chuyến thăm cấp Bộ trưởng và của các doanh nhân Việt Nam tới Pháp và các doanh nhân Pháp sang Việt Nam sẽ tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế và thương mại của chúng ta.
>> Nước Pháp và sứ mệnh quốc gia khởi nghiệp
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam cũng là một yếu tố sẽ từng bước thúc đẩy và tái cân bằng thương mại và đầu tư của chúng ta. Cuối cùng, tôi xin khẳng định với các bạn rằng các cơ quan của Pháp đang sẵn sàng phát triển sự hợp tác tài chính và công nghệ vốn đã dày đặc giữa hai nước chúng ta. Pháp hiện là nhà tài trợ song phương thứ 3 cho Việt Nam, đặc biệt thông qua hoạt động của Cơ quan Phát triển Pháp, và tham gia với các công ty của Pháp trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn như dự án xây dựng tàu điện ngầm Hà Nội…
- Theo Ngài, các doanh nghiệp Pháp đang gặp phải rào cản nào khi hoạt động tại Việt Nam? Phía Việt Nam cần có giải pháp gì để thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam?
Tuyên bố chung song phương Việt-Pháp được thông qua trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Pháp cuối năm 2021 đã vạch ra lộ trình của chúng tôi trong những năm tới và nêu lên các lĩnh vực mà chuyên môn kinh nghiệm của Pháp sẽ hữu ích ở Việt Nam: giao thông bền vững, chuyển đổi năng lượng, hàng không, vũ trụ, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và đặc biệt là thành phố bền vững.
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong tiếp cận thị trường. Theo tôi, tiến trình này phải được làm sâu sắc hơn, nhằm hướng tới việc thực hiện EVFTA. Những điểm chính mà Việt Nam cần cải thiện để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và của Pháp nói riêng là Việt Nam cần tăng cường cải cách, đơn giản hóa các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật. Các công ty của Pháp mong muốn được bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ và thiết lập môi trường pháp lý đảm bảo khả năng dự đoán tốt và sự an toàn về mặt pháp lý, đồng thời Việt Nam cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng qui trình nhập cảnh và cư trú ở Việt Nam, hiện vẫn còn đặc biệt phức tạp, nên cần được đơn giản hóa hơn nữa.
- Xin trân trọng cảm ơn Ngài!
Có thể bạn quan tâm