Chiến tranh biên giới phía Bắc và bài học về tình hữu nghị

SÔNG HÀN 17/02/2022 17:15

Với những gì đất nước đã và đang trải qua, chúng ta vẫn cần thận trọng trong mối quan hệ hữu hảo với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979), rất nhiều xương máu của quân và dân đã đổ xuống để gìn giữ, bảo vệ vùng đất địa đầu… Và chúng ta vô cùng thấm thía về cái gọi là tình hữu nghị, hữu hảo.

Nhìn lại, sau Thế chiến II, một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ra đời, hình thành phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Liên Xô, Trung Quốc dẫn đầu để đối lập với phe tư bản chủ nghĩa (TBCN) do Mỹ cầm đầu. Các nước trong phe XHCN đã từng có thời gian đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau rất có hiệu quả.

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vựcp/Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, từ thập niên 60 thế kỷ XX, mối quan hệ giữa các nước XHCN bị rạn nứt nghiêm trọng. Giữa Liên Xô và Trung Quốc cũng nảy sinh mâu thuẫn trầm trọng và nước nào cũng muốn kéo Việt Nam phải ngả theo mình với những động cơ rất khác nhau.

Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã hết sức khôn khéo thực hiện chiến lược ngoại giao cân bằng giữa hai cường quốc nhằm thực hiện được mục tiêu thống nhất đất nước mình.

Khi không lôi kéo và cũng không chỉ đạo được Việt Nam, phía Trung Quốc đã trở mặt. Trung Quốc xúi dục chế độ Ponpot gây chiến với Việt Nam nhưng  thất bại. Lợi dụng sự kiện này Trung Quốc đã tuyên bố “Dạy cho Việt Nam một bài học” ngông cuồng rằng: “Sáng ăn phở Hà Nội, tối cơm tấm Sài Gòn” bằng việc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 17/2/1979, với nhiều mục đích khác nhau.

Mục đích đó là gì? Đó là thanh trừng nội bộ (ông Đặng Tiểu Bình muốn chiếm lấy sự lãnh đạo quân đội từ tay ông Hoa Quốc Phong); Muốn cứu nguy chế độ Ponpot gây sức ép bằng quân sự với Việt Nam; Chứng minh với Phương Tây là Trung Quốc đã không còn “bản chất Cộng sản” như thời ông Mao Trạch Đông, để tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của Tư bản, cho phát triển kinh tế sau cuộc thanh trừng Cách mạng văn hóa, đã khiến họ kiệt quệ.

Rất tiếc, Trung Quốc đã thất bại với mục đích, âm mưu của mình. Khi nhận thấy không thể “đánh nhanh thắng nhanh” trong cuộc chiến xâm lược này, Trung Quốc đã tiến hành rút quân rất nhanh. Bởi vì, hơn ai hết người Trung Quốc hiểu rõ không thể sa lầy ở Việt Nam như Mỹ. Họ cũng không thể ở lại lâu vì như thế để chiến đấu với Việt Nam là không thể thắng.

Dĩ nhiên, trong số các cuộc chiến bảo vệ biên giới, thì chiến công đẩy lùi giặc ngoại xâm năm 1979 của nhân dân ta tuy oai hùng nhất, nhưng tổn thất về người nặng nề đau thương nhất. Và đây cũng cuộc chiến để lại cho dân tộc ta nhiều bài học xương máu.

Bài học đắt giá nhất chính là sự trưởng thành về nhận thức của người Việt Nam: Không thể ảo tưởng rằng có những giá trị cao hơn tinh thần và lợi ích dân tộc! Và điều khiến người Việt Nam khắc cốt ghi tâm, ám ảnh nhất, chính vì sự mất cảnh giác, quá tin vào tình bạn, tình hữu nghị viển vông, mà dân tộc Việt Nam đã bị tàn sát thương tâm, hàng nghìn người vô tội Việt Nam đã bị sát hại.

Chính vì đã từng quá tin vào “tình bạn trong sáng” của Trung Quốc, mất cảnh giác mà dân tộc ta đã trả một cái giá quá đắt. Để rồi khi chiến tranh đau thương xảy ra, ta mới tỉnh thức nhận ra, tình bạn ấy là như thế nào.

Nói cách khác, chúng ta không được mơ hồ về những cuộc chiến tranh mà Trung Quốc đem đến cho dân tộc Việt Nam, càng không được ảo tưởng về tình bạn, tình hữu nghị mà ta đã từng mắc phải trong cuộc chiến biên giới phía Bắc.

Chúng ta cần giáo dục tinh thần cảnh giác, âm mưu xâm lược của giặc ngoại xâm cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh về những cuộc chiến tranh phi nghĩa, cuộc chiến xâm lược mà Trung Quốc đem đến cho dân tộc Việt Nam. Thậm chí cần phải được đưa vào giảng dạy, trưng bày và để cho các thế hệ trẻ biết tới.

Có thể thấy, cuộc chiến biên giới phía Bắc đã đi vào lịch sử 43 năm, ngần ấy thời gian, Việt Nam cũng gác lại quá khứ, nhưng không bao giờ quên. Biên giới Việt Nam - Trung Quốc sau sự kiện tháng 2/1979 vẫn luôn căng thẳng, kể cả trên đất liền lẫn dưới biển đảo.

Đá Subi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự kiên cố

Đá Subi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự kiên cố

Thậm chí, đến tận ngày hôm nay, sau khi đã xâm lược Hoàng Sa, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn không từ bỏ tham vọng chiếm Trường Sa của Việt Nam. Với dã tâm xâm lược vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của họ ngày càng được dung dưỡng, nuôi lớn lên thêm.

Chính vì thế, dù “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”, đồng thời xây dựng lòng tin chiến lược để cùng chung tay giữ hòa bình. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Từ thực tế Việt Nam sau chiến tranh, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, chung tay gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân trên Trái Đất, chung tay xây dựng, bảo vệ hòa bình, an ninh và hợp tác, phát triển, vì một thế giới xanh, sạch, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn hơn”.

Thế nhưng, với những gì đất nước đã và đang trải qua, chúng ta vẫn cần  cảnh giác với cái gọi là tình bạn hữu nghĩ, mối quan hệ hữu hảo với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Việc này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, cùng toàn thể quân và nhân dân ta phải luôn luôn đoàn kết, cảnh giác, sẵn sàng đánh trả tất cả các cuộc tấn công lấn chiếm biên giới, những hành động gây hấn, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Vận dụng bài học từ chiến tranh biên giới trong xây dựng đất nước

    08:00, 17/02/2022

SÔNG HÀN