Chính phủ sớm trình Nghị quyết giảm thuế môi trường xăng dầu
Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9.
>>Chủ tịch Quốc hội: Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/3.
Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ tạo sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, ngoài kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành từng nội dung chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan lưu ý quan tâm tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau.
Xem xét giảm thuế môi trường ngay trong tháng 4
Đối với lĩnh vực công thương. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; cần có những giải pháp tổng thể, kịp thời, căn cơ để giải quyết những vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện đầy đủ cam kết trong các hợp đồng về đầu tư, kinh doanh; nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, nhất là dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp.
Tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cước mở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9 trong tháng 3 này, để chúng ta tiến hành thực hiện ngay từ tháng 4.
Nếu giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp thì bên cạnh kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và điều hành bằng thuế, chúng ta cần tiếp tục áp dụng các công cụ khác để kịp thời hỗ trợ người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu.
Tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng, hải quan và thanh tra chuyên ngành.
Ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ, nhất là đối với mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi, đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
Gắn trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu; tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với các lực lượng chức năng và chính quyền ở địa phương.
Bám sát và bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy, địa phương đối với công tác quan trọng này. Đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; về nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính.
Về ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử.
Thứ ba, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhất là mặt hàng nông sản. Có chính sách thúc đẩy nhanh và mạnh và có cam kết, lộ trình rất cụ thể nhằm chuyển từ xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch.
Tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng vận chuyển lên các cửa khẩu.
Phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng trong công tác thông tin thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu; vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng; chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
>>Chất vấn tại phiên họp thứ 9: Niềm tin vào sự đổi mới
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đất đai
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thứ nhất, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm căn cứ chính trị và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mắt bằng; cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, công khai minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất.
Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.
Thứ hai, rà soát, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn luật và các văn bản có liên quan, trong đó, chú trọng đến các qui định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi.
Đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá; việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp với pháp luật về đất đai để bảo đảm tính thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng, đặt cọc khi mua bán chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính.
Thứ ba, thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải công nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sớm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm; thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt; ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường; công nghệ xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng.
Chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm phát sinh do công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; quan tâm đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp để thu hút đầu tư cho cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt như sông Nhuệ, sông Đáy, khu thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội: Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh
18:38, 16/03/2022
Bổ sung tiền viện trợ của nước ngoài vào dự toán ngân sách phải trình Quốc hội quyết
13:17, 15/03/2022
Chủ tịch Quốc hội: Không phải sắp xếp chỉ để “sắp xếp”
11:00, 14/03/2022
Nữ đại biểu Quốc hội: Thể hiện trí tuệ, bản lĩnh với các vấn đề quan trọng của đất nước
19:28, 08/03/2022
Chủ tịch Quốc hội: Khâm phục kỳ tích của các “cô gái vàng” bóng đá Việt Nam
15:37, 08/03/2022
Đảng đoàn Quốc hội triển khai kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
16:54, 04/03/2022
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát tình hình xăng dầu
17:26, 28/02/2022