Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là mục tiêu phải hướng tới
Chất lượng hoạt động của Chủ tịch nước, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hướng tới mục tiêu chung là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
>>Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của Công an nhân dân
Chiều 30/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đồng chủ trì Hội nghị về công tác phối hợp giữa Chủ tịch Nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có mối quan hệ phối hợp công tác giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị.
Tiếp tục đổi mới cơ chế phối hợp
Dự kiến tại Phiên họp tháng 4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang nghiên cứu việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội; Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quy chế làm việc của các cơ quan của Quốc hội…
Trong đó, sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế phối hợp công tác giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chủ tịch Nước là thiết chế hiến định hết sức quan trọng trong bộ máy Nhà nước, là người đứng đầu Nhà nước thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại; đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh.
Hiện nay, Chủ tịch Nước cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Hàng năm, Chủ tịch Nước đều có báo cáo công tác trước Quốc hội.
Nhiều công việc cụ thể của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều gắn với thiết chế Chủ tịch Nước như phê chuẩn các hiệp định, điều ước quốc tế, phê chuẩn bổ nhiệm đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Trong công tác đối nội, đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan mật thiết đến Chủ tịch Nước. Phó Chủ tịch Nước cũng tham gia thường xuyên các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, hội nghị lần này là dịp để hai cơ quan đánh giá công tác thời gian qua, kiến nghị đề xuất để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng TP.HCM 5 chữ "T"
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, trong đó có Chủ tịch Nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải luôn rà soát, đánh giá mình đã làm tốt những nhiệm vụ được Hiến pháp, pháp luật quy định hay chưa.
Công tác phối hợp giữa hai cơ quan để thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho đã chặt chẽ chưa, thiết thực và hiệu quả hay chưa kể cả về xây dựng pháp luật, đối ngoại, quốc phòng, an ninh….
Nêu rõ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”, Chủ tịch Nước đề nghị các đại biểu đánh giá những mặt phối hợp công tác nào còn hạn chế, những mặt nào cần tiếp tục củng cố để tăng cường sức mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan, từng lĩnh vực đều phải có sự phân công, phối hợp chặt chẽ.
Hội nghị đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số nội dung về công tác phối hợp giữa Chủ tịch Nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua thảo luận, Hội nghị thống nhất đánh giá trong thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, quan hệ phối hợp công tác giữa Chủ tịch Nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn được tăng cường, ngày càng đi vào thực chất và đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, được thể hiện rõ nét qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Nước, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, cụ thể là trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước, đối ngoại…
Chủ động và có chiều sâu
Đặc biệt, những đổi mới trong phương thức phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Nước ngày càng được chú trọng đã góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, bảo đảm tính chủ động và có chiều sâu trong việc thực hiện nhiệm vụ mỗi bên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội.
Các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng và chất lượng hoạt động của Chủ tịch nước, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung, hướng tới mục tiêu chung là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, hệ thống pháp luật, đóng góp một phần quan trọng vào những thành tựu chung của Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Chủ tịch Nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới, Hội nghị nhất trí Chủ tịch Nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trên các lĩnh vực công tác.
Tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quan tâm, chú trọng việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của mỗi bên.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; phối hợp cử đại diện mỗi bên tham gia vào các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chỉ đạo công tác đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp, Luật Điều ước quốc tế, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch Nước tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác nắm bắt tình hình, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; kịp thời tham mưu, tổ chức triển khai chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Chủ tịch Nước.
Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch Nước tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin để kịp thời tham mưu, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nước theo đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của Công an nhân dân
21:28, 24/03/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng TP.HCM 5 chữ "T"
20:06, 20/03/2022
Bổ sung tiền viện trợ của nước ngoài vào dự toán ngân sách phải trình Quốc hội quyết
13:17, 15/03/2022
Chủ tịch Quốc hội: Không phải sắp xếp chỉ để “sắp xếp”
11:00, 14/03/2022
Quốc hội nhận được nhiều kiến nghị về “thổi” giá đất
11:19, 10/03/2022