Cử tri kiến nghị tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá
Cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex đã dừng bán bảo hiểm tàu cá cho các chủ tàu.
>>Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ vì sao ước thu khác xa thực tế
Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo để ngư dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá theo chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.
Trưởng ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo một trường hợp cụ thể từ kiến nghị của cử tri tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 23/5.
Theo Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đại biểu quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như y tế, lao động, thương binh và xã hội, nông nghiệp, nông thôn, nội vụ, giao thông, vận tải, tài nguyên và môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 110/110 kiến nghị.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 3.217/3.217 kiến nghị. Nhìn chung, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước.
Nhiều kiến nghị cử tri được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 41/41 kiến nghị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, quá trình thực hiện còn một số hạn chế như một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng.
Thứ nhất, như việc cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex đã dừng bán bảo hiểm tàu cá cho các chủ tàu. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo để ngư dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá theo chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.
Qua giám sát cho thấy, chỉ có 4 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67, gồm Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty bảo hiểm PVI.
Từ tháng 3/2020, 4 doanh nghiệp trên đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo Nghị định số 67 và đến tháng 4/2020, các doanh nghiệp này đã thông báo sẽ tạm dừng nhận bảo hiểm cho đến khi nhận được chấp thuận của Bộ Tài chính về các đề xuất nêu trên. Mặc dù Bộ Tài chính nêu đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay người dân vẫn chưa được mua bảo hiểm tàu cá.
Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi cho người dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi về bảo hiểm tàu cá theo quy định tại Nghị định số 67.
Thứ hai, một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do một số Bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, không thống nhất về quan điểm khi nghiên cứu giải quyết.
Cụ thể, trường hợp của các cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Khi nghiên cứu để giải quyết kiến nghị cử tri, quan điểm của Bộ Công thương chưa thống nhất, trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công thương thừa nhận “việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 28 là cần thiết… xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ thực hiện thủ tục công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 28, đồng thời nghiên cứu xây dựng văn bản mới quy định về kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
>>Khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV: Nhiều dự án quan trọng sẽ được quyết định
Tuy nhiên, khi giải trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương lại cho rằng hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu khu vực biên giới hiện nay đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, do đó, Bộ Công thương không đề xuất xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 28.
Như vậy, nội dung trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn và nội dung báo cáo Ủy ban thường vụ quốc hội là không thống nhất. Kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương thực hiện thủ tục công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành đối với Thông tư số 28 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề cử tri kiến nghị trước khi ban hành văn bản trả lời cử tri, tránh việc không thống nhất khi giải quyết, trả lời.
Thứ ba, kiến nghị cử tri mặc dù đã được Bộ, ngành chỉ đạo giải quyết nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Dương Thanh Bình chỉ rõ như trường hợp của cử tri tỉnh Đắk Nông tiếp tục kiến nghị di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương. Đây là kiến nghị từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV nhưng chưa được giải quyết dứt điểm nên tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tiếp tục kiến nghị.
“Qua giám sát cho thấy, từ năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông để triển khai thực hiện việc di dời và Bộ Công thương đã có văn bản giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện nhưng chưa kiểm tra, đôn đốc sát sao việc thực hiện nên sau hơn 6 năm, kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa”, ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Thứ tư, một số văn bản Bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết. “Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đợt xả lũ trên lưu vực sông Ba Hạ vào cuối tháng 11/2021 gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trả lời cử tri, Bộ Công thương chỉ nêu các quy định của pháp luật về quy trình vận hành trong mùa lũ đối với sông Ba Hạ nhưng vấn đề cử tri quan tâm là làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đợt xả lũ trên lưu vực sông Ba Hạ vào cuối tháng 11/2021 lại không được đề cập đến. Kiến nghị Bộ Công thương trả lời rõ vấn đề cử tri kiến nghị”, ông Dương Thanh Bình nêu rõ.
Bên cạnh đó, Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình cũng nêu ra trường hợp cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo .
Trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT cho rằng tại Nghị định số 81 đã quy định cụ thể, chi tiết để có thể thực hiện ngay sau khi Nghị định được ban hành nên không cần ban hành thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, tại Nghị định số 81, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT theo thẩm quyền phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81.
"Trả lời của Bộ GD-ĐT là chưa phù hợp với quy định nêu trên. Kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 81", ông Dương Thanh Bình nêu rõ.
Trưởng ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Các Đoàn đại biểu quốc hội cần nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên các cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế đã nêu trên, rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ vì sao ước thu khác xa thực tế
11:00, 23/05/2022
Khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV: Nhiều dự án quan trọng sẽ được quyết định
05:00, 23/05/2022
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương
17:32, 22/05/2022
KỲ HỌP THỨ 3 QUỐC HỘI KHOÁ XV: “Chốt” chất vấn thành viên Chính phủ vào ngày 23/5
18:03, 20/05/2022
Việt Nam đề nghị Quốc hội Singapore ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông
20:53, 18/05/2022