Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia
Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>Quy hoạch tổng thể quốc gia mở ra không gian phát triển mới
Đây là một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, khai mạc ngày 5/1/2023.
Trước đó, tại Phiên họp 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến thảo luận nhiều nội dung quan trọng về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một trong những thuận lợi của việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là có cơ sở chính trị khi được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra kết luận định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia. Về mặt pháp lý có Luật Quy hoạch và nghị quyết về giám sát của Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ về vấn đề này.
Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về phát triển hệ thống nông thôn, lưu ý nghiên cứu bổ sung nội dung chủ trương phát triển mỗi xã 1 sản phẩm OCOP trong phát triển nông nghiệp; tập trung xử lý môi trường nhất là rác thải, nước thải, mục tiêu đạt 90% đạt chuẩn nông thôn mới… khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu cho ý kiến về phát triển kết cấu hạ tầng, đề nghị nhấn mạnh phát triển đồng bộ hiện đại hạ tầng kỹ thuật, thông tin, năng lượng và hạ tầng số quốc gia; xác định cụ thể khung kết cấu hạ tầng quốc gia bên cạnh đường bộ chú trọng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và đa phương thức vận tải khác; phát triển hạ tầng cho kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường; bổ sung chỉ tiêu về xanh hóa, phát triển đô thị xanh và bền vững… bên cạnh đó các mục tiêu phát triển giáo dục cần có ưu tiên cao.
>>Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030: Cần tầm nhìn xa
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao
Đánh giá cao khi Quy hoạch lần này chú trọng hành lang kinh tế Đông – Tây, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lưu ý chú trọng hơn kết nối khu vực và quốc tế, có sự chọn lọc những tuyến quan trọng để ưu tiên đầu tư phát triển trước.
Về du lịch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhấn mạnh hơn đến tạo lập trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, chú trọng hạ tầng, môi trường, tài nguyên, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch.
Về định hướng phát triển công nghiệp, nghiên cứu bổ sung để nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; nên đặt vấn đề bố trí không gian có phương án xử lý giảm dần khu công nghiệp nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao, cần có lộ trình để thực hiện; bổ sung định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, phát triển vùng sản xuất lớn, chuyên canh hữu cơ, bố trí không gian nông nghệp gắn với hạ tầng giao thông, gắn với phát triển tiêu thụ, xuất khẩu...
Tham gia thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thống nhất cao với Tờ trình và hồ sơ của Chính phủ, đồng thời cho biết, đây là vấn đề mới, nội dung khó, phạm vi rộng chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện.
Về nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trong quy hoạch biển, những vấn đề liên quan dịch vụ hàng hải, vận tải đường biển còn chưa được đậm nét.
Đề nghị cần đầu tư nghiên cứu để làm sâu sắc nội dung này, tận dụng tốt những lợi thế của Việt Nam để xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đội tàu, đưa giao thông đường biển phát triển xứng tầm; ngoài ra, cần chú trọng đúng mức cho giao thông đường sắt.
Cho ý kiến về định hướng phát triển không gian kinh tế xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm đề nghị xem xét bổ sung với địa bàn phụ cận các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 18… các tỉnh như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; bổ sung vùng động lực phát triển Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An.
Đối với định hướng sử dụng đất quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị ưu tiên sử dụng quỹ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; bên cạnh đó cần bổ sung bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch tổng thể quốc gia mở ra không gian phát triển mới
12:59, 14/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao
00:00, 06/10/2020
Quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia
18:07, 05/12/2019