Làm rõ tính khả thi của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán
Đề nghị rà soát lại quy định tại khoản 3 Điều 4 và phải có giải trình làm rõ sự phù hợp và tính khả thi của quy định này.
>>Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý vào khoản 3 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, ngày 13/2.
Tại khoản 3 Điều 4 quy định về cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang công an nhân dân…vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật này mà theo quy định pháp luật có liên quan.
"Nếu theo quy định của dự thảo Pháp lệnh thì Pháp lệnh chỉ còn điều chỉnh một nhóm nhỏ đối tượng là doanh nghiệp được kiểm toán, trong khi cán bộ, công chức, kiểm toán, các đơn vị cơ quan tổ chức lực lượng vũ trang đều không điều chỉnh thì tác động của Pháp lệnh có lớn không và liệu có đạt được mục tiêu ban hành của Pháp lệnh nữa không?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định khoản 3 Điều 4 và phải có giải trình làm rõ sự phù hợp và tính khả thi thì mới có thể an tâm xem xét thông qua Pháp lệnh này.
Giải trình về phạm vi đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đây là pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo quy định được giao tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và là Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước....
>>Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhiều nội dung quan trọng
>>[eMagazine] Mọi quyết sách của Quốc hội đều hướng tới người dân và doanh nghiệp
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đây là lĩnh vực cụ thể nên về nguyên tắc, các quy định của Pháp lệnh phải phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Kiểm toán nhà nước. Bên cạnh đó, đối tượng xử phạt đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính đã loại trừ những trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ có vi phạm hành chính thuộc các hành vi quy định trong dự thảo Pháp lệnh thì không bị xử phạt vi phạm hành chính mà sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về nguyên tắc, pháp lệnh này không thể quy định xử phạt hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vì Luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép và yêu cầu phải xử lý kỷ luật.
Thay mặt Ban soạn thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Giải trình về một số nội dung cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tại khoản 3 Điều 4 đã quy định rất rõ, cán bộ, công chức lực lượng vũ trang cơ yếu vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm toán nhưng chứng minh được do thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao thì không thuộc đối tượng của quy định tại Pháp lệnh này.
Về tính khả thi, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong quy trình hoạt động kiểm toán cũng thực hiện theo nguyên tắc rà soát lại những việc gì đã rõ, thường xuyên xảy ra, cần phải xử phạt mới đưa vào Pháp lệnh; rà soát quy định của Nghị định 118 của Chính phủ và rà soát hành vi tương đồng của Nghị định 41 năm 2018 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Trong quy trình vận hành của hoạt động kiểm toán đã quy định, hệ thống chuẩn mực đầy đủ, trên cơ sở ý kiến của Ủy viên Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo sẽ rà soát lại để củng cố thêm tính khả thi của Pháp lệnh. Đối với việc khắc phục hậu quả, trường hợp đối tượng kiểm toán không ký thì vẫn tiến hành xử phạt và Kiểm toán vẫn phát hành báo cáo theo quy định.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp của các cơ quan trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Theo quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh này là đúng thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, tiếp tục làm rõ các ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.
Có thể bạn quan tâm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhiều nội dung quan trọng
05:04, 13/02/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang
17:25, 30/01/2023
[eMagazine] Mọi quyết sách của Quốc hội đều hướng tới người dân và doanh nghiệp
09:40, 22/01/2023