Gạc Ma: “Những người nằm lại phía chân trời” để biển Tổ quốc thêm xanh
Tháng Ba này Trường Sa, nơi ấy có khúc tráng ca giữ biển vẫn oai hùng. Các anh những chiến sĩ Gạc Ma nằm lại giữa biển khơi, đã trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt Nam.
>>>Từ Gạc Ma tiếp thêm tình yêu Tổ Quốc
Các anh đã nằm lại phía chân trời cho bình yên Tổ quốc, cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tuổi hai mươi của những chiến sĩ Gạc Ma đã viết nên câu chuyện huyền thoại bất tử giữa biển trời mùa Xuân, về một Gạc Ma không thể nào quên.
Vòng tròn bất tử
Tôi may mắn từng được đặt chân đến Trường Sa. Đứng giữa biển trời Tổ quốc, giữa ngút ngàn sóng gió, cảm xúc như được đẩy lên đến tận cùng của sự rung động. Để rồi khi đặt chân đến Gạc Ma, một cảm giác trào dâng bóp nghẹt tim mình.
"Vòng tròn bất tử" là câu chuyện tuổi hai mươi của những người lính Gạc Ma giữa họng súng quân thù, đã nắm chặt tay nhau anh dũng hi sinh để tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Vòng tròn ấy đã trở thành biểu tượng bất diệt về ý chí quật cường, về tinh thần đoàn kết; một tượng đài bất tử của lòng yêu nước, của ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mãi mãi tuổi xanh các anh đã gửi lại biển trời quê hương.
Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988 là cuộc chiến không cân sức. Nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất, công sự che thân, nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng trên 3 con tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trước sự tấn công dùng sức mạnh quân sự áp đảo nhằm uy hiếp tinh thần, nhưng các cán bộ chiến sỹ của chúng ta rất gan dạ, kiên cường, dũng cảm, kiên quyết bám tàu, bám đảo để bảo vệ cờ, bảo vệ đảo. Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần cán bộ chiến sỹ của ta, các tàu chiến của đối phương đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của chúng ta, làm tàu HQ 604 bốc cháy và chìm rất nhanh.
Tại đảo Gạc Ma, các cán bộ chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo. “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” - câu nói của Anh hùng liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương - Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Các cán bộ chiến sỹ Hải quân đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vòng tròn bất khuất ấy, hàng chục năm sau vẫn làm nhức nhối trái tim người Việt.
Những người nằm lại phía chân trời
Khu tưởng niệm Gạc Ma tượng hình - nơi để các anh trở về trong lòng đất mẹ. Sừng sững hiên ngang, kiêu hùng giữa nắng gió Cam Ranh, kia tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma - những người nằm lại phía chân trời với hình tượng nghệ thuật Vòng cung mặt trời nhô lên khỏi mặt biển tận nơi chân trời xa xôi, nơi được đánh dấu phần lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam bằng những hòn đảo lớn nhỏ, có những đảo chìm và đảo nổi; bên cạnh hình ảnh người chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hi sinh.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đã đón hơn nửa triệu lượt khách đến thăm viếng. Ngoài đồng đội, thân nhân các liệt sĩ còn có đông đảo sinh viên, học sinh, người lao động, Việt kiều… Đông nhất là vào những ngày lễ lớn và dịp 14/3.
Từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày, Khu tưởng niệm này đón trên 10 đoàn khách là các đơn vị, trường học đến dâng hương. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Trường Sa nằm bên cạnh Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Ông Võ Duy Trúc, Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại đây sẽ hình thành một cụm công trình văn hóa đậm chất biển đảo, ghi nhớ công ơn những thế hệ người Việt đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Những đoàn khách, đoàn thanh niên, trường học, các thế hệ trẻ, các đoàn cá nhân khi biết địa điểm này họ đến viếng rất đông, việc dâng hương tưởng niệm được tổ chức rất trang trọng. Nơi đây thực sự trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ người Việt Nam, thông qua việc tưởng niệm, các bài học lịch sử tại Khu tưởng niệm, hun đúc tinh thần, ý chí bảo vệ về chủ quyền biển, đảo của đất nước”.
Ông Trúc cho biết thêm: Khu trưng bày ngầm; Mộ gió và Quảng trường hòa bình; Con đường hoài niệm... tất cả như tái hiện lên sự kiện lịch sử năm nào; tái hiện khúc bi tráng của Gạc Ma trên đất liền; tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến đấu.
35 năm đã trôi qua, Gạc Ma hôm nay mang tên “Hành trình khát vọng” nơi gặp gỡ của biển đảo và đất liền, có con đường dẫn các anh linh từ biển trở về và nơi ta nhìn về biển - nơi các anh còn ở lại, ngày đêm canh giữ chủ quyền của Tổ quốc.
Về với các anh trong tiếng lòng xao động, trong âm vang hồn núi hồn sông. Được ngắm các anh... những gương mặt sáng, những đôi mắt rạng ngời thắp sáng trùng khơi. Tuổi hai mươi căng tràn nhiệt huyết, tuổi hai mươi sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc... Những gương mặt chưa một lần được gặp nhưng đã trở thành miền nhớ khó phai. Như máu, nước mắt hòa vào lòng biển cả...
Những chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hi sinh tô thắm cho ngọn cờ Tổ quốc. Nơi các anh nằm lại là chủ quyền biển đảo thiêng liêng. 64 anh hùng trên tàu HQ 604 và 9 chiến sĩ đã phải trải qua hơn ngàn ngày trong nhà tù là nhân chứng sống, nhân chứng lịch sử hùng hồn cho tội ác của kẻ gây hấn. Hơn ba thập kỷ qua, không kẻ mạnh ngoại bang nào có thể thay đổi lịch sử ấy. Biển đảo của Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam do Việt Nam nắm giữ, làm chủ. Bài học về chủ quyền biển đảo chúng ta không được phép lơ là.
Đảo là nhà, biển cả là quê hương. 35 năm qua, ngày các anh - những chiến sĩ Gạc Ma hy sinh vì Tổ quốc, đồng đội luôn nhắc nhớ máu xương các anh đã đổ xuống vì đất mẹ.
Tuổi 20 chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi... Lời bài hát đâu đó vọng về thổn thức, thiết tha. 35 năm trôi qua, dường như trên những con tàu lướt sóng giữa trùng khơi mênh mông vẫn còn nghe thấy tiếng của các anh.
Mùa Xuân để ước vọng, cũng là để ta nhớ về những vất vả, hi sinh của lớp cha anh cho đất nước, cho nhân dân. Tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng hy để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau.
Có thể bạn quan tâm