Thủ tướng gửi thông điệp tới hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam
Với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên Việt Nam.
>>VBF 2023: Thủ tướng yêu cầu giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023, với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”, ngày 22/3.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, chúng ta đang thực hiện 3 trụ cột lớn. Đó là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để phát huy tối đa đại đoàn kết, năng lực của mỗi người dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thực hiện 3 khát vọng lớn
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân tham gia thực hiện các chính sách, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật khách quan, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết.
Thủ tướng nhắc tới những diễn biến mới trên thị trường thế giới như tình hình hệ thống ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ… cho thấy có nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo với hậu quả có thể kéo dài, Chính phủ các nước phải can thiệp ngay.
“Quan điểm xuyên suốt là coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội”, Thủ tướng nói.
Vẫn theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đất nước ta có truyền thống lịch sử ngàn năm, và trong thế kỷ trước chúng ta phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sau đó, phải trải qua nhiều năm năm cấm vận kéo dài.
Nhưng nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã vượt qua các khó khăn để phát triển và đến nay chúng ta phải tiếp tục phải vượt qua các khó khăn, thách thức.
“Cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng tay khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Chia sẻ về giáo dục đại học, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng, Nhà nước xác định giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều chính sách ưu tiên.
Đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều việc phải làm, trong khi nguồn lực có hạn, đây là đặc điểm mà chúng ta cần chia sẻ. Khi bắt đầu đổi mới, ước tính GDP cả nước khoảng 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD, nhưng đến năm 2022, quy mô GDP hơn 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 4.110 USD.
>>Thủ tướng đề nghị Hải Dương cần đi lên từ nội lực
>>Hải Dương: Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Giáo dục phải bám sát tình hình thực tế
Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trong năm 2023. Điều này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân chúng ta.
Thủ tướng cho rằng, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh như vậy của đất nước, bám sát tình hình thực tế để thấy, trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu mới của thế giới vừa phù hợp hoàn cảnh đất nước.
Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, sự đùm bọc của nhân dân, nỗ lực của mỗi người là điều quan trọng nhất.
"Các cụ nói khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tức là với nguồn lực có hạn, chúng ta phải sử dụng làm sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường từ khó khăn để vươn lên, làm thế nào để phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của mỗi người.
“Điều chúng ta còn thiếu nhiều là kỹ năng sống và kỹ năng nghề, kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau nhưng phải làm sao để chúng ta có kỹ năng sống thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh và khi làm việc thì có kỹ năng nghề cao, có khả năng cạnh tranh", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ, đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Trung ương Đoàn, cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, của quốc gia, các phong trào sẽ "sống" được khi hài hòa được giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia.
Thủ tướng nêu ví dụ như phong trào học ngoại ngữ, phong trào học công nghệ thông tin để có một thế hệ lao động có thể đạt đẳng cấp quốc tế. Hoặc phong trào bảo vệ môi trường từ mỗi xã phường để cả nước xanh, sạch, đẹp.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách
20:00, 21/03/2023
VBF 2023: Thủ tướng yêu cầu giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
13:53, 19/03/2023
Vì sao các doanh nghiệp năng lượng tái tạo kêu cứu Thủ tướng?
04:20, 19/03/2023
Thủ tướng đề nghị Hải Dương cần đi lên từ nội lực
19:53, 16/03/2023