“Giám sát lại” năm 2023 trên tinh thần “từ sớm, từ xa”
Hoạt động “giám sát lại” trong năm 2023 triển khai với tinh thần "từ sớm, từ xa". Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ.
>>Ngày 27/5, Quốc hội họp về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh trong Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, ngày 27/5.
Trình bày dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với nhiều đổi mới, cải tiến.
Sẽ xem xét báo cáo một cách thực chất, trách nhiệm
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường điểm lại 12 kết quả nổi bật. Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường với việc xây dựng và ban hành hơn 23 văn bản quan trọng trong hoạt động giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới.
Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt, chú trọng hoạt động giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành và của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Hoạt động “giám sát lại” trong năm 2023 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ.
>>Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương
>>Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến thực chất và tích cực trong hoạt động này.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và cử tri với Đảng và Nhà nước. Lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định định kỳ hằng tháng xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân tại phiên họp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện.
Giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và đạt được nhiều kết quả bước đầu tích cực. Công tác điều hòa phối hợp hoạt động giám sát được quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, cả về nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm giám sát.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã chủ động cải tiến, đổi mới, triển khai hoạt động giám sát của mình. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát. Công tác phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, chuyên nghiệp, tích cực triển khai.
Lựa chọn 4 chuyên đề
Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2024 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao, 02 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan, như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 – 2025.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Giám sát để tìm ra giải pháp
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng tình với Tờ trình về chương trình giám sát trình tại Kỳ họp, trong đó đã nêu lên được những lợi ích mang lại trong quá trình giám sát, đặc biệt đây cũng là nguyện vọng chung của cử tri.
“Qua thực tế giám sát đã cho thấy sự khác biệt giữa số liệu giám sát và các số liệu báo cáo của địa phương và Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá, Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 đã nêu rõ, qua hoạt động giám sát, vấn đề quan trọng nhất là tìm ra giải pháp chứ không phải tìm ra các sai sót, qua đó cùng tháo gỡ và hướng tới sự phát triển bền vững.
“Nếu tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động giám sát như hiện nay sẽ tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của cử tri”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Về chuyên đề giám sát, đại biểu Nguyễn Quang Huân lựa chọn giám sát chuyên đề 1 và chuyên đề 4 như trong Tờ trình. Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, đối với chuyên đề 1 ngoài sự cấp thiết và những vấn đề hiện nay chưa làm được, quan trọng hơn là để rút kinh nghiệm từ đó sẽ có những bài học kinh nghiệm ứng phó với những tình huống khẩn cấp, dịch bệnh thiên tai…
Đại biểu Nguyễn Quang Huân chỉ ra rằng, chúng ta thường xuyên bàn về vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện tượng lũ lụt, sạt lở ở đồng bằng song Cửu Long, khô hạn ở các thủy điện vẫn xảy ra. Biến đổi khí hậu đã hiện hữu cả từ Nam ra Bắc, nhưng hành động cụ thể để thích ứng, chống biến đổi khí hậu sẽ như thế nào?
“Qua đợt giám sát này sẽ có thể đưa ra các bài học thực tiễn. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, nếu không làm sẽ muộn và không đáp ứng được tình hình hiện nay”, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ.
Đối với chuyên đề 4, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng tình hình bất động sản “chìm lắng “hiện nay đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong năm 2022, nền kinh tế đã có tốc độ phát triển ngoạn mục nhưng quý I năm nay đã chững lại.
“Việc bất động sản ngừng lại cho thấy mạch máu chính của nền kinh tế đang nghẽn lại. Do đó, cần tìm ra các biện pháp để khai thông tình hình này. Nếu không làm gấp, làm nhanh, có thể dẫn đến hệ lụy như khủng hoảng tài chính năm 1997 cũng bắt đầu từ bất động sản ở Thái Lan”, đại biểu Nguyễn Quang Huân kiến nghị.
Từ các nhận định trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân khẳng định chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2024 là rất kịp thời và nên đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/5, Quốc hội họp về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi
21:30, 26/05/2023
Ngày 26/5, Quốc hội họp về chính sách đặc thù phát triển TP. HCM
00:26, 26/05/2023
Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương
11:56, 25/05/2023