Khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa

LAM SONG 15/07/2023 10:30

Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

>>Quyết liệt với các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam

Ngày 15/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra phán quyết cuối cùng.

“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông”. - Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh. 

Bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

12/7/2023 là dấu mốc 7 năm Tòa Trọng tài ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực The Haye (PCA) về một số khía cạnh liên quan đến tranh chấp giữa hai nước này ở Biển Đông theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Tòa Trọng tài được thành lập vào ngày 21/6/2013, phù hợp với quy định trong Phụ lục VII Công ước Luật Biển để đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. 

Các thẩm phán của Tòa Trọng tài tại La Hay, Hà Lan (Ảnh: SCMP)

Các thẩm phán của Tòa Trọng tài tại La Hay, Hà Lan (Ảnh: SCMP)

>>Nâng cao nhận thức chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo

>>Quy chế pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với biển, đảo

Toà gồm có 5 thẩm phán là: Thẩm phán Thomas A. Mensah (Ghana), Thẩm phán Jean-Pierre Cot (Pháp), Thẩm phán Stanislaw Pawlak (Phần Lan), Giáo sư Alfred H.A. Soons (Hà Lan) và Thẩm phán Rudiger Wolfrum (Đức). Thẩm phán Thomas A. Mensah là Chủ tịch Tòa Trọng tài. Toà Trọng tài thường trực là cơ quan đăng ký trong quá trình xét xử.

Điều 288 của Công ước quy định: Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về việc liệu một toà hay một cơ quan trọng tài có hay không có thẩm quyền, vấn đề này sẽ do chính toà hay cơ quan trọng tài đó quyết định.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận và không tham gia vào quá trình tố tụng. Tuy nhiên, Phụ lục VII Công ước quy định việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng.

Phụ lục VII cũng quy định trong trường hợp một bên không tham gia vào tiến trình tố tụng, Toà Trọng tài “phải chắc chắn rằng Toà có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp cũng như nội dung kiện phải được chứng minh đầy đủ cả về mặt pháp lý và thực tế”.

Theo đó, Toà Trọng tài đã thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm tra tính xác thực của các đệ trình do Philippines đưa ra, yêu cầu Philippines cung cấp các lập luận, đặt ra các câu hỏi cho Philippines trước và trong hai phiên tranh tụng, chỉ định các chuyên gia độc lập có nhiệm vụ báo cáo Toà về các vấn đề kỹ thuật và thu thập các bằng chứng về mặt lịch sử liên quan đến các cấu trúc tại Biển Đông. 

Bộ đội đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa tuần tra bảo vệ đảo. (Ảnh THANH GIANG)

Bộ đội đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa tuần tra bảo vệ đảo. Ảnh: Thanh Giang

Tòa đã xem xét đến giá trị của “đường chín đoạn” của Trung Quốc và liệu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các tài nguyên ở Biển Đông bên ngoài giới hạn của các vùng biển mà nước này được hưởng theo Công ước hay không.

Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước.

Mặc dù trong lịch sử, những ngư dân Trung Quốc và các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông, nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn”.

Trải qua quá trình tố tụng kéo dài hơn ba năm, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016. Phán quyết của Tòa là chung thẩm và có tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines.

Đây là một phán quyết hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, nó chứng tỏ công pháp quốc tế được tôn trọng, luật pháp quốc tế là tối thượng chứ không phải sức mạnh của nước lớn là tối thượng; công lý phải thuộc về lẽ phải chứ không phải thuộc về kẻ mạnh.

Nhân dịp 7 năm Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra phán quyết cuối cùng, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề nghị Google khắc phục hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tại Trường Sa

    15:21, 11/07/2023

  • Tự hào Trường Sa!

    10:00, 17/05/2023

  • Ký ức tháng tư Trường Sa

    05:30, 30/04/2023

  • Đoàn đại biểu VCCI thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-1

    03:56, 22/04/2023

  • Dùng bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một đơn vị bị phạt 25 triệu đồng

    01:00, 09/04/2023

LAM SONG