Còn “nể nang” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Công tác phát hiện tham nhũng tiêu cực trong nội bộ còn ít là do nể nang, tinh thần đấu tranh kém vì các mối quan hệ họ hàng, anh em, làng xóm.
>>Để không dám tham nhũng mới là cái gốc trong phòng chống tham nhũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 16/8.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa qua chúng ta đã làm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực càng ngày càng có kinh nghiệm, ngày càng có hiệu quả, được dư luận hoan nghênh ủng hộ đồng tình đánh giá cao.
Dư luận ủng hộ, đánh giá cao
Chúng ta đã làm đồng bộ, kiên quyết có sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả cao, các vụ việc đều phát hiện sớm chỉ đạo xử lý kịp thời nghiêm minh, kiên quyết nhưng có lý có tình. Kiên quyết đến mức trốn chạy cũng không được, trốn ra nước ngoài thì chúng ta xử vắng mặt.
“Đúng như tinh thần rõ đến đâu làm đến đấy, thực tiễn sẽ cho ta thêm kinh nghiệm bổ sung, sau đó thành lý luận về đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Được biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Nổi bật là, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trên diện rộng, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, như các vụ án tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Các vụ án liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản nhà nước xảy ra tại Bình Thuận; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm...
Đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 2 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 4 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 5 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng, 7 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 2 Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và 9 sỹ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang.
Điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong các vụ án xảy ra tại Công ty AIC và một số địa phương, tạo bước đột phá trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, giám định, định giá tài sản, phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và những khâu yếu trước đây được tập trung chỉ đạo, tạo bước chuyển biến tích cực.
>>Nhận diện tham nhũng chính sách từ vụ án “chuyến bay giải cứu”
>>Viện trưởng VKSND Tối cao: Đất đai là nguồn cơn khiếu kiện, tham nhũng
“Phải giữ nước từ khi nước chưa nguy”
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế trong thời gian qua. Đó là, công tác phát hiện tham nhũng tiêu cực trong nội bộ còn ít chính là do nể nang, do tinh thần đấu tranh kém vì các mối quan hệ họ hàng anh em làng xóm.
Một số vụ việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, vẫn có hiện tượng “quyền anh quyền tôi”, “cua cậy càng cá cậy vây”. Đây là những vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm và yêu cầu thời gian tới còn phải tiếp tục làm, trong đó bản thân mỗi ngành phải tự phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngay trong ngành mình.
Chính vì vậy, những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo và các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để PCTNTC.
Trọng tâm là sớm hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực.
Khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất.
Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản và các dự án luật khác liên quan đến PCTNTC; khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thời gian tới dự báo còn khó khăn vì tính chất công việc này rất phức tạp, nhạy cảm. Do đó, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải luôn luôn tổng kết rút kinh nghiệm “thành bài”, với tinh thần phải làm kịp thời hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nhịp nhàng hơn nữa, kiên quyết, kiên trì không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào, phải xây dựng cho được những chính sách, thể chế, cơ chế một cách chặt chẽ và thiết thực hơn.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực. “Vừa qua chúng ta đã tốt, thời gian tới phải tốt hơn nữa, phải xây dựng cho được một thể chế, cơ chế, chính sách, quy định để ngăn chặn từ sớm từ xa. Chúng ta phải giữ nước từ khi nước chưa nguy", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Có thể bạn quan tâm
Để không dám tham nhũng mới là cái gốc trong phòng chống tham nhũng
20:34, 07/08/2023
Khắc phục bất cập về pháp luật để chống thất thoát trong thu hồi tài sản tham nhũng
04:00, 10/05/2023