Quy định số 114-QĐ/TW siết chặt hơn công tác kiểm soát quyền lực
Quy định 114 ra đời thay thế Quy định 205 góp phần siết chặt hơn nữa kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
>>Để không dám tham nhũng mới là cái gốc trong phòng chống tham nhũng
Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền sau 3 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đã từng bước được khắc phục.
Còn hạn chế trong nhận diện hành vi chạy chức, chạy quyền
Tuy nhiên, việc nhận diện, phát hiện, xử lý vi phạm đối với hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền có mặt còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn.
Đáng nói, một số người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu, bổ nhiệm, giới thiệu người thân quen, người có quan hệ gia đình vào lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mình phụ trách, gây bức xúc dư luận.
Vì vậy, Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được ban hành trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định 205 trước đây và bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp yêu cầu, sát tình hình thực tiễn, nhằm tăng cường hơn nữa kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Điểm mới dễ nhận thấy đầu tiên ngay ở tên gọi của Quy định 114: “kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” thay vì trước đây Quy định 205 mới chỉ “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
Đánh giá về điểm mới này, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, nếu chỉ chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ thì chưa hết được tiêu cực, mà còn nhiều tiêu cực khác.
“Cho nên phải “kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, sẽ đầy đủ và rộng hơn, bao hàm, kín kẽ hơn tất cả các mặt”, PGS.TS Phạm Văn Linh nói.
Đáng chú ý, liên quan đến các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Quy định 114 không chỉ kế thừa một số nội dung của Quy định 205 mà còn bổ sung thêm nhiều nội dung mới.
Đối với nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ngoài 8 hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền tại Quy định 205, Quy định 114 đã chỉ ra những hành vi mới: “Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”.
“Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.
“Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thoả hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý”.
Đối với nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định 114 cũng cơ bản kế thừa 6 hành vi đã được chỉ ra trong Quy định 205, đồng thời bổ sung hành vi mới: “Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi”.
Quy định 114 còn bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực mới: “Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý”; “Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ”.
“Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực”; “Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ”.
So với Quy định 205, trong Quy định 114 đã chỉ rõ hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Có thể thấy, chưa khi nào quy định của Đảng có những điểm mới như quy định lần này.
PGS.TS Phạm Văn Linh cho rằng, tuy mới được đưa vào quy định lần này, nhưng nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực thậm chí rất nghiêm trọng đã có từ trước đây. Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ sai phạm.
Việc Trung ương đưa vào quy định thể hiện quyết tâm như Tổng Bí thư nói, phải kiểm soát quyền lực, phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế, để muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, muốn lợi dụng cũng không lợi dụng được.
>>Nhận diện tham nhũng chính sách từ vụ án “chuyến bay giải cứu”
>>Viện trưởng VKSND Tối cao: Đất đai là nguồn cơn khiếu kiện, tham nhũng
Vai trò cốt tử chính là nhân sự
Nhìn lại công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng vẫn chậm được hoàn thiện, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế nên phần nào làm giảm hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Điểm lại những vụ sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ và xử lý, cũng như các vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao, các tướng lĩnh, có thể thấy bên cạnh việc thiếu trách nhiệm buông lỏng lãnh đạo quản lý, nguyên nhân dẫn đến những vụ sai phạm tham nhũng lớn còn do các cá nhân đó đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được trao để trục lợi cá nhân. “Đó chính là sự tha hóa quyền lực, mầm mống nảy sinh suy thoái tham nhũng”, TS. Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn chưa kiểm soát được quyền lực nói chung và quyền lực liên quan đến phòng chống tiêu cực, tham nhũng nói riêng, các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai vẫn còn nhiều sơ hở.
Trong khi đó, chúng ta lại chưa có cơ chế và các giải pháp rõ ràng về kiểm soát, phòng ngừa lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong ban hành và thực thi các chính sách.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội bình luận, vấn đề kiểm soát quyền lực mà gốc rễ là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của ta làm chưa tốt nên chưa tạo ra đội ngũ cán bộ đủ tâm, tài, trí, một lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, gốc rễ của mọi vấn đề chính là công tác nhân sự. Nếu chọn được cán bộ xứng đáng và hiền tài thì đội ngũ đó sẽ ban hành chính sách phù hợp để thúc đẩy xã hội phát triển.
“Có đội ngũ hiền tài thực sự họ sẽ chủ trì để tổ chức thực thi chính sách pháp luật một cách nghiêm minh không có vi phạm. Và nếu có hiền tài, xử lý vi phạm sẽ công tâm, khách quan không còn oan sai. Bởi vậy, vai trò cốt tử chính là nhân sự”, ông Lê Thanh Vân khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Để không dám tham nhũng mới là cái gốc trong phòng chống tham nhũng
20:34, 07/08/2023
Khắc phục bất cập về pháp luật để chống thất thoát trong thu hồi tài sản tham nhũng
04:00, 10/05/2023
Nhận diện tham nhũng chính sách từ vụ án “chuyến bay giải cứu”
11:00, 06/04/2023