Chủ tịch Quốc hội: Không “đẩy” cái khó cho người dân, doanh nghiệp
Không được để quy phạm pháp luật có sơ hở, kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý, còn đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp.
>>Gỡ vướng thể chế cho đầu tư PPP
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV, ngày 28/8.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là hội nghị cho ý kiến vào số lượng luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. 8 dự án luật đều rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và đại biểu Quốc hội, có nhiều nội dung mới, phạm vi ảnh hưởng rộng cũng như còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, nên cần tiếp tục cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung rà soát để làm rõ việc các dự án luật đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng hay chưa? Có bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng dự án luật không? Những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa?
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một vấn đề quan trọng khác là xem xét tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là những dự án luật liên quan chặt chẽ với nhau. Như các dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…
Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến khác nhau trong từng cơ quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tốt nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý quan tâm điều khoản áp dụng, điều khoản chuyển tiếp vì "nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện".
>>Cần có cơ chế đầu tư hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa
>>Tăng trách nhiệm kiểm soát nội bộ, chặn sở hữu chéo trong ngân hàng
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt quan điểm chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
"Không được để quy phạm pháp luật có sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý, tạo cơ chế xin - cho, cài cắm lợi ích, còn đẩy cái khó cho người dân, doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và yêu cầu cần rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo luật.
Nhấn mạnh quy trình xây dựng pháp luật phải hết sức kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định kiên trì thực hiện để "không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình thỏa đáng".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 khai mạc sáng nay 28/8 tại Nhà Quốc hội (Hà Nội) và dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày. 8 dự án luật sẽ được thảo luận tại hội nghị, gồm Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Năng lượng tái tạo than khó với Uỷ ban thường vụ Quốc hội
14:33, 24/07/2023
Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương
01:00, 03/07/2023
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn giám sát về thị trường bất động sản
03:00, 01/07/2023