54 người bị xử lý do không trung thực kê khai tài sản
Trong năm 2023 có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
>>Còn “nể nang” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa thay mặt Chính phủ gửi tới Quốc hội báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2023.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, việc kê khai tài sản, thu nhập cuối năm 2022 đã được triển khai nghiêm túc.
Năm 2023, đã có 60.458 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.
Về kết quả xác minh tài sản, thu nhập (thời kỳ xác minh từ tháng 2.2022 - 4.2023), trong tổng số 13.093 người đã tiến hành xác minh, có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định.
Có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Các hình thức xử lý gồm: xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…
Về phát hiện và xử lý, các cơ quan công an đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng với tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 2.280 tỉ đồng và 101.871,8 m2 đất; thu hồi trên 1.349 tỉ đồng và 29.276 m2 đất, tạm giữ 1 sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu đồng, hơn 8 tỉ đồng, 3 bất động sản.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 50 bị cáo; phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 170 bị cáo; phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 308 bị cáo; phạt tù từ 3 năm trở xuống 365 bị cáo… về các tội tham nhũng.
Về thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết tổng số phải thi hành hơn 97.261 tỉ đồng, tăng hơn 7.651 tỉ đồng (tăng 8,54% so với năm 2022). Trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 49.631 tỉ đồng, đã thi hành xong hơn 20.405 tỉ đồng, tăng hơn 4.415 tỉ (tăng 27,62% so với năm 2022), đạt tỷ lệ 41,11%.
Đánh giá chung về công tác này, Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm.
>>Để không dám tham nhũng mới là cái gốc trong phòng chống tham nhũng
>>Luật hoá trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng
Các cơ quan đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có tổ chức như y tế, giáo dục, ngoại giao, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm định phương tiện giao thông, buôn lậu...
"Việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước", Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng thời gian tới, theo Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về giải pháp cho năm tới, ngoài các giải pháp như báo cáo các năm trước, Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị.
Cùng đó, rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
"Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp…", Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.
Có thể bạn quan tâm
Còn “nể nang” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
18:02, 16/08/2023
Để không dám tham nhũng mới là cái gốc trong phòng chống tham nhũng
20:34, 07/08/2023
Quảng Ninh phòng chống tham nhũng: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
15:30, 22/06/2022
Hải Dương: Kỳ vọng "đột phá" trong phòng chống tham nhũng
13:10, 18/06/2022
Phòng chống tham nhũng trong khối doanh nghiệp tư nhân
15:56, 06/04/2022