Cộng đồng doanh nghiệp là một phần quan trọng của tiến trình APEC
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tại phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững và bao trùm”, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023.
>>Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Việt Nam coi trọng lợi ích chính đáng của các nước
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023 là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực, được tổ chức hằng năm nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC. Đây cũng là dịp quan trọng để tất cả cùng chia sẻ tầm nhìn và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề lớn, cấp bách, chiến lược đối với tương lai.
Phát biểu tại phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững và bao trùm”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ ra 4 mâu thuẫn lớn của kinh tế thế giới hiện nay. Đó là: Kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng; Sau hơn 3 thập kỷ thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hoá và hình thành nên mạng lưới quan hệ kinh tế quốc tế đan xen lợi ích, phụ thuộc lẫn nhau thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ; Khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng vượt bậc, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia; khoa học - công nghệ đem đến cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn hiểm hoạ khôn lường; Các nền kinh tế theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, cần một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn.
Thứ nhất, phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia.
Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế-xã hội, văn hóa, chính trị từ quá trình này. Thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
APEC là vườn ươm các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thỏa thuận hợp tác toàn cầu.
Chủ tịch nước VÕ VĂN THƯỞNG
>>Đối ngoại giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
>>APEC 2023: Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế
Chủ tịch nước cho biết, hơn 3.000 rào cản thương mại được lập ra đang làm sụt giảm sản lượng kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, APEC cần tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế, ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững.
Để bảo đảm ích từ thương mại được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành để thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có dấu ấn của mình trong xã hội xây dựng niềm tin và giá trị của thương hiệu.
Chủ tịch nước cho rằng cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới.
Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong thực hiện cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội; tăng cường đầu tư vào khoa học-công nghệ, đầu tư vào con người, đầu tư xây dựng các cộng đồng bao trùm, tự cường.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: APEC chỉ có thể thành công trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa các thành viên, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, đó cũng là một trong những quan điểm được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đưa ra tại Hội nghị.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, APEC đã luôn là “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thoả thuận hợp tác toàn cầu.
“Ngày nay, khi kinh tế toàn cầu đối mặt với làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ, những thách thức từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội. xung đột địa chính trị, APEC chính là nơi để chúng ta cùng tìm kiếm và thử nghiệm những ý tưởng, giải pháp mới,” Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên chặng đường mới, đặc biệt trong việc khôi phục và củng cố niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư.
APEC cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế, đặc biệt là nâng cao sức chống chịu của các nền kinh tế thành viên và các doanh nghiệp trong khu vực trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các xu thế phát triển mới thông qua ứng dụng và quản lý các công nghệ đột phá.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thành công của APEC chỉ có thể đạt được trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa các thành viên, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân. "Việt Nam sẵn sàng chung sức cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng và quyết tâm của tất cả chúng ta, APEC sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện thành công trong giai đoạn phát triển mới," Chủ tịch nước khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
APEC 2023: Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế
11:22, 16/11/2023
APEC 2023: Tháo “ngòi nổ” căng thẳng Mỹ - Trung
04:30, 16/11/2023
Chiến lược của Việt Nam tại APEC giữa bối cảnh toàn cầu thay đổi
04:30, 16/11/2023
APEC 2023: Đàm phán IPEF về thương mại đổ vỡ
04:00, 15/11/2023