Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027
Sau 25 năm gia nhập APEC, với mong muốn tiếp tục đóng góp cho tiến trình APEC, Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027.
>>Cộng đồng doanh nghiệp là một phần quan trọng của tiến trình APEC
Đề xuất này được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đưa ra tại Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, diễn ra sáng 17/11, theo giờ địa phương tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ.
Với quyết tâm đẩy mạnh chương trình nghị sự về phát triển bền vững và bao trùm, Hội nghị nhất trí cắt giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu hoá thạch, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng sạch nhằm thực hiện mục tiêu toàn cầu về cắt giảm khí thải nhà kính về 0.
Hội nghị đã thông qua các nguyên tắc lớn về chuyển đổi năng lượng công bằng và an ninh lương thực trong hợp tác APEC, khuôn khổ và kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai; nhất trí đẩy nhanh thực hiện mô hình kinh tế sinh học - xanh tuần hoàn; lồng ghép các nội dung bền vững và bao trùm vào hoạt động của APEC.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, người thiểu số, các cộng đồng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
>>APEC 2023: Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: APEC là diễn đàn hợp tác và liên kết hàng đầu khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu bài học rút ra từ thành công của APEC, gồm sự cởi mở và thiện chí của tất cả các bên để thấu hiểu và vượt qua khác biệt, tìm tiếng nói chung và thúc đẩy các lợi ích chung.
Cùng với đó là tầm nhìn, tư duy chiến lược của các thế hệ lãnh đạo, cũng như sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân đã định vị đúng vai trò của châu Á – Thái Bình Dương.
Cho ý kiến về phương hướng hoạt động của APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Thứ nhất, duy trì và củng cố thành tựu quan trọng về tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.
Thứ hai, tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, APEC cần chú trọng nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, sáng tạo và ứng dụng khoa học-công nghệ, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, các mô hình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thứ ba, hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức.
"Hơn lúc nào hết, các thành viên APEC cần cởi mở, chân thành, đối thoại có tính xây dựng để gia tăng hiểu biết, thu hẹp khác biệt và tạo đồng thuận", Chủ tịch nước nêu và nhấn mạnh: Sau đúng 25 năm gia nhập APEC, với mong muốn tiếp tục đóng góp cho tiến trình APEC, Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này của Việt Nam, nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của hội nghị, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay.
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo thành viên APEC sẽ gặp lại nhau tại Hội nghị cấp cao 2024 tại Peru và Hàn Quốc vào 2025.
Có thể bạn quan tâm
Long An đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư trong Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại Hoa Kỳ
07:37, 17/11/2023
Quan hệ Mỹ - Trung: Tín hiệu mới từ APEC 2023
04:30, 17/11/2023
Cộng đồng doanh nghiệp là một phần quan trọng của tiến trình APEC
14:46, 16/11/2023
APEC 2023: Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế
11:22, 16/11/2023