Quốc hội khóa XV: Đổi mới đã tạo ra những bước tiến mới về chất
Việc đổi mới hoạt động của Quốc hội khoá XV thực sự là những bước tiến mới về chất, theo đúng tinh thần cải tiến, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Quốc hội.
>>Cử tri và nhân dân có quyền được biết tiến độ thực hiện các lời hứa trước Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ với DĐDN về những đổi mới của Quốc hội khóa XV.
- Theo đánh giá của cử tri và nhân dân cả nước, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã có bước tiến mới trong lấy phiếu tín nhiệm. Bà đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao việc các ĐBQH đã công tâm, khách quan trong việc nhìn nhận và đánh giá. Đơn cử, có người được lấy phiếu tín nhiệm với số phiếu không cao, nhưng có người lại rất cao. Có người có số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%.
Đây chính là sự đánh giá công tâm của các ĐBQH, không vì “nể nang”. Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được nhân dân đánh giá cao. Vì, nếu bỏ phiếu với đa số “tín nhiệm cao” thì người dân sẽ không tin tưởng vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Qua lấy phiếu tín nhiệm đã cho thấy có sự phân hoá rất rõ, người được lấy phiếu tín nhiệm có số phiếu rất cao, thậm chí gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng có người nhận về số phiếu tín nhiệm cao dưới 50%, số phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn.
Điều này cho thấy các ĐBQH rất quan tâm và có sự đánh giá khách quan, công bằng đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo quy định mới, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này không chỉ để biết mức độ tín nhiệm.
Quan trọng hơn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để xem xét, đánh giá cán bộ sau đó đưa đi đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển...
Do đó, mỗi ĐBQH biết được trọng trách của mình rất lớn trước cử tri, trước nhân dân và trước đất nước khi bỏ lá phiếu và lựa chọn như thế nào để đánh giá những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Qua kết quả bỏ phiếu, tôi có tiếp xúc và lắng nghe ý kiến cử tri và được biết cử tri hoàn toàn hài lòng và nhận thấy các ĐBQH đánh giá rất công tâm và sáng suốt, từ những mặt được và chưa được của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Để có sự đánh giá khách quan và thuyết phục như vậy, các ĐBQH không chỉ căn cứ vào kỳ họp, báo cáo của các bộ, ngành mà ĐBQH phải theo dõi, giám sát hoạt động của những người được lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu nhiệm kỳ cho đến thời điểm này để đánh giá công tâm và khách quan trên tất cả mọi lĩnh vực.
Việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ thể hiện năng lực của người được lấy phiếu trong một năm hay giai đoạn ngắn, mà để chúng ta thấy được năng lực thực tế của các “tư lệnh ngành”.
Đặc biệt, từ nay cho đến hết nhiệm kỳ nhiệm vụ sẽ rất nặng nề. Trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ, chúng ta đã vượt qua những năm tháng Covid-19 và hậu Covid-19, nhưng nền kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn.
Thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ phải hết sức nỗ lực và cố gắng thì mới hoàn thành được các chỉ tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Chúng ta cần dồn sức cho nửa cuối nhiệm kỳ này, đó là đưa nền kinh tế “bứt tốc” một cách quyết liệt.
Để làm được điều đó, công tác đánh giá từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay đối với từng lĩnh vực, ngành nghề là vô cùng quan trọng để phát hiện những điểm còn thiếu và yếu ở ngành nào.
Mấu chốt của việc đánh giá qua lấy phiếu tín nhiệm như việc sơ kết giữa nhiệm kỳ. Ý thức được vấn đề này, các ĐBQH đã rất nỗ lực và bỏ phiếu công tâm.
>>Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW
>>Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Thể chế tốt thì "khai thông" các nguồn lực và giúp “tiền đẻ ra tiền”
- Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cũng được đánh giá là một bước tiến mới, thưa bà?
Đổi mới thứ nhất, là về nội dung chất vấn. Như các kỳ họp thông thường, nội dung chất vấn được UBTVQH lựa chọn một số nội dung, sau đó xin ý kiến ĐBQH.
Những nội dung được chất vấn thuộc lĩnh vực của bộ, ngành nào mà được đa số các ĐBQH nhất trí thì sẽ đưa vào chất vấn. Đó là những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống mà được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6 hình thức chất vấn là việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và giám sát từ Quốc hội Khoá XIV đến kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội Khoá XV.
Chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá những vấn đề đã được đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát trong vòng 7 năm. Có những trưởng ngành được chất vấn mới nhận nhiệm vụ.
Việc này đòi hỏi người trả lời chất vấn phải nắm chắc các lĩnh vực của mình từ khi chưa làm bộ trưởng, chưa làm trưởng ngành, chưa nhận nhiệm vụ.
Như vậy, sẽ khắc phục được tư duy nhiệm kỳ. Người được chất vấn không chỉ biết việc mình khi lên làm bộ trưởng hay trưởng ngành, mà bắt buộc phải nắm vững công việc của ngành mình theo dõi từ khi bản thân chưa giữ vị trí bộ trưởng.
Đổi mới thứ hai, tái giám sát của Quốc hội. Quốc hội đã có những cuộc giám sát và đã ra Nghị quyết giám sát, nhưng bây giờ sẽ giám sát lại các tư lệnh ngành tổ chức thực hiện kết luận Nghị quyết giám sát như thế nào.
Sau mỗi kỳ họp, Quốc hội đều có Nghị quyết về chất vấn. Với những vấn đề được nêu trong nghị quyết chất vấn thì các bộ, ngành tổ chức thực hiện ra sao?
Theo tôi, việc tái giám sát là rất quan trọng vì tránh được tình trạng sau giám sát và sau chất vấn, các vị trưởng ngành cứ đưa ra lời hứa cho “đẹp” lòng nhân dân, cử tri và các ĐBQH, còn sau đó thực hiện như thế nào thì không ai biết.
Còn hiện nay, với việc tái giám sát thì các thành viên của Chính phủ phải có trách nhiệm rất cao trong lĩnh hội nghị quyết của Quốc hội sau chất vấn và sau giám sát.
Việc đổi mới nội dung này đã thúc đẩy đổi mới chất vấn. Đó là, tại mỗi kỳ chất vấn Quốc hội sẽ lựa chọn một số vấn đề, thường là 4 vấn đề liên quan 4 ngành để chất vấn, với thời lượng của 4 đến 5 phiên chất vấn của một kỳ họp, chúng ta chỉ có thể chất vấn được 4 trưởng ngành và Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội không lựa chọn 4 hay 5 lĩnh vực mà tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có trách nhiệm trả lời chất vấn. Vì Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát từ Quốc hội Khoá XIV đến nay thì cũng bao gồm tất cả lĩnh vực, cho nên tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải sẵn sàng đăng đàn để trả lời chất vấn.
Sự đổi mới này vừa tăng cường tính giám sát, giám sát lại của Quốc hội, vừa tăng cường tính nghiêm minh trong thực hiện các kết luận, nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn. Tăng cường trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong quá trình thực thi pháp luật.
- Một bước tiến mới khác tại Quốc hội nhiệm này này, đó là nhiều tư lệnh ngành khi trả lời chất vấn đã hạn chế việc “xin tiếp thu”, “tiếp tục nghiên cứu” hay gửi văn bản trả lời đến từng đại biểu. Tuy nhiên, cử tri quan tâm việc trả lời của các bộ trưởng với ĐBQH có thành hiện thực hay không? Có làm đúng như lời hứa trước diễn đàn Quốc hội hay không, thưa bà?
Như tôi đã phân tích ở trên, Quốc hội chất vấn thực hiện Nghị quyết về chất vấn chính là việc giám sát lại. Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp này thì Chính phủ cùng các bộ, ngành phải triển khai thực hiện.
Tại kỳ họp sau, khi chất vấn các ĐBQH rà soát lại Nghị quyết về phiên chất vấn kỳ họp trước và “kiểm tra” các vị trưởng ngành đã thực hiện lời hứa đến đâu? Hình thức chất vấn này yêu cầu các ngành phải bám sát nghị quyết của Quốc hội và thực đúng lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri.
- Theo đánh giá của bà, có những bộ ngành đã hứa nhưng chưa thực hiện lời hứa?
Qua nghiên cứu, bên cạnh những mặt tích cực mà các bộ, ngành đạt được thì vẫn có những bộ ngành còn chưa làm tốt, hiệu quả chưa cao. Đơn cử, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội có yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển các mạng xã hội trong nước. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ tôi chưa thấy đề cập đến việc phát triển các mạng xã hội trong nước như thế nào.
Qua theo dõi, tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua các mạng xã hội trong nước của chúng ta chưa phát triển được như kỳ vọng. Tôi đề nghị thời gian tới bộ cần nghiên cứu để thúc đẩy mạng xã hội trong nước phát triển mạnh mẽ.
Hay vấn đề quản lý sim điện thoại để làm sao tránh tình trạng sim nhắn rác hoặc các cuộc gọi lừa đảo. Cho đến thời điểm này, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất nỗ lực phối hợp cùng với Bộ Công an để vào cuộc.
Nhưng đến nay, cử tri phản ánh vẫn bị làm phiền bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thậm chí các tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo lại đang có “chiều hướng” nở rộ hơn.
Thời gian tới, trách nhiệm của Bộ thông tin phối hợp cùng với Bộ Công an trong việc phòng, chống tin nhắn rác, ngăn ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo người dân sẽ rất nặng nề.
- Về nội dung lời hứa, có một vấn đề được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cung cấp tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 khoá XV vừa qua, đó là một văn bản chúng ta còn nợ nhân dân khoảng 60 tỷ đồng về một khoản cung cấp hỗ trợ cho trồng rừng. Quốc hội đã ra Nghị quyết vấn đề đó và giao cho Chính phủ chủ trì giải quyết khẩn trương. Chính phủ đã cho ý kiến, Bộ Tài chính ký từ tháng 2/2023, nhưng đến 2 tháng sau tháng 4/20233 mới gửi công văn sang Bộ NNPTNT cho ý kiến về vấn đề này. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Bà bình luận về vấn đề này như thế nào?
Cũng đã có ĐBQH chất vấn về vấn đề hỗ trợ tiền chi trả trồng rừng cho người dân. Mặc dù chế độ chính sách đã có nhưng triển khai lại rất chậm. Thực tế, qua báo cáo của Chính phủ về nhiều mặt đời sống, xã hội và các ngành, tôi nhận thấy việc chậm ban hành chính sách không phải là “hãn hữu”.
Còn có nhiều chế độ, chính sách đã được ban hành nhưng chưa triển khai. Ngay trong báo cáo giải quyết đơn thư kiến nghị công dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến kỳ họp thứ 6, tôi nhận thấy có những bộ, ngành vì chậm triển khai chính sách cho nên quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do chưa triển khai kịp thời các chế độ chính sách.
Chậm và muộn không hiếm hoi, chúng ta cũng thường xuyên chậm và muộn trong nhiều việc. Ví dụ, chậm sửa đổi luật, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật khi luật đã có hiệu lực. Với các chương trình, kế hoạch, đề án thì chậm triển khai, chậm giải ngân, chậm tiến độ…
Việc chậm và muộn này cần phải sớm khắc phục, nếu để tình trạng này kéo dài bên cạnh việc quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, thì quan trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phát triển kinh tế-xã hội.
Chỉ vì chậm hay muộn sẽ dẫn đến sự lãng phí rất lớn. Đơn cử, có những dự án đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do triển khai chậm. việc triển khai chậm, kéo dài thời gian thực hiện cho nên giá cả vật tư tăng lên, từ đây dẫn đến bị đội vốn. Đặc biệt, việc chậm và muộn triển khai các dự án sẽ bỏ lỡ những cơ hội phát triển.
Việc chậm và muộn là vấn đề đã được các ĐBQH đặt ra và tôi nhận thấy, trong những phiên chất vấn cũng có nhiều ĐBQH nhắc đến việc chậm và muộn trong xây dựng pháp luật cũng như triển khai luật, các chế độ chính sách, đề án…
- Theo bà, những bước tiến mới của Quốc hội Khoá XV có phải là bước tiến mới về chất, theo đúng tinh thần cải tiến, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Quốc hội hay không?
Qua tiếp xúc cử tri tôi được biết, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao việc đổi mới hoạt động của Quốc hội khoá XV. Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, từ cách thức tổ chức kỳ họp đến hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn… Quốc hội rất linh hoạt và sáng tạo.
Quốc hội Khoá XV được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao không chỉ về hoạt động của Quốc hội nói chung, mà còn cá nhân các ĐBQH nói riêng.
Tham gia Quốc hội từ Khoá XIV tôi nhận thấy rất rõ, với sự đổi mới như vậy thì các ĐBQH ở Khoá XV cũng hết sức năng động, sáng tạo, nhiệt tình.
Điều này thể hiện ngay trong việc đăng ký phát biểu thảo luận hay chất vấn, số lượng các ĐBQH đăng ký phát biểu đông, có những phiên thảo luận có tới gần 200 đại biểu đăng ký thảo luận.
Qua con số đăng ký phát biểu cho thấy, các đại biểu đã có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thậm chí có những dự án luật vì lý do chủ quan hay khách quan, Chính phủ gửi đến Quốc hội và các ĐBQH muộn, có trường hợp đại biểu tiếp nhận tài liệu tối hôm trước thì sáng hôm sau đã thảo luận, nhưng vẫn có gần 200 đại biểu đăng ký tham gia thảo luận.
Các đại biểu sẵn sàng thức “xuyên đêm” để đọc tài liệu. Đây là sự tích cực của các ĐBQH cũng như sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này.
Tôi hy vọng, trong thời gian tới Quốc hội có nhiều đổi mới một cách thiết thực và hiệu quả hơn, các vị ĐBQH nỗ lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng hoạt động nghị trường. Đặc biệt, đáp ứng được niềm tin yêu và kỳ vọng của nhân dân vào cơ quan dân cử.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5%
15:31, 09/11/2023
Cử tri và nhân dân có quyền được biết tiến độ thực hiện các lời hứa trước Quốc hội
11:04, 06/11/2023
Đại biểu Quốc hội đề xuất Nhà nước thu hồi đất cho phát triển du lịch
01:00, 04/11/2023
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW
13:09, 01/11/2023
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Thể chế tốt thì "khai thông" các nguồn lực và giúp “tiền đẻ ra tiền”
11:40, 01/11/2023
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội
15:28, 25/10/2023
Quốc hội thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm
18:22, 24/10/2023