Doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của tổ chức bất động sản niêm yết

DIỄM NGỌC 17/06/2022 04:50

Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 với nhiều điểm mới như không được đầu tư bất động sản, tách bạch quỹ đầu tư ra nước ngoài, hay chứng chỉ đại lý bảo hiểm,...

>>Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Hiệu lực thi hành Luật là 1/1/2023

Không được đầu tư bất động sản

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,18%. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành

Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng sẽ được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.

Đồng thời, được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Thực tế, băn khoăn chung của nhiều người khi tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ là công ty dùng tiền đầu tư đi đâu, cách đầu tư có những rủi ro gì hay liệu tiền của khách hàng có bị mất trắng không?

Trước đó, tại Khoản 2 Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 có quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực như: Mua trái phiếu Chính phủ; Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản; Góp vốn vào các doanh nghiệp khác; Cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Do đó, để đảm bảo thống nhất giữa luật về bảo hiểm và kinh doanh bất động sản, dự thảo luật sửa đổi đã bỏ quy định về cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được dùng vốn nhàn rỗi để kinh doanh bất động sản.

Trước đó, một Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính cho rằng, với yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết dài hạn của các hợp đồng bảo hiểm (đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ), vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn phải ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài, như trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng.

>>Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Nhiều thay đổi tích cực

Tách bạch quỹ

Ngoài ra, Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm

Việc đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo đảm công bằng giữa chủ sở hữu và các khách hàng tham gia bảo hiểm

Điều khoản chuyển tiếp của Luật này quy định: Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.

Có thể thấy, Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 20 hiệp định thương mại khác. Tận dụng các cam kết quốc tế về hiện diện thương mại và cung cấp dịch vụ qua biên giới, cùng với việc mở rộng hàng hóa xuất nhập khẩu sang các quốc gia khác, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ có thêm khách hàng tại nước ngoài.

Tuy nhiên, việc đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm; tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối; được Bộ Tài chính chấp thuận và thực hiện dưới tên của doanh nghiệp đó; thực hiện quản lý và theo dõi tách biệt nguồn vốn đầu tư, tài sản đầu tư, doanh thu, chi phí của hoạt động đầu tư ra nước ngoài; không được sử dụng tiền, tài sản của người tham gia bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Quy định trên nhằm minh bạch hóa, bảo đảm công bằng giữa chủ sở hữu và các khách hàng tham gia bảo hiểm. Việc tách quỹ bảo đảm doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên sử dụng tiền phí thu được của khách hàng phục vụ cho chính hợp đồng của khách hàng. Việc theo dõi tách biệt các nguồn vốn, tài sản, doanh thu, chi phí góp phần theo dõi hiệu quả hoạt động bảo hiểm của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, nhà đầu tư, khách hàng tham gia bảo hiểm có thể thuận tiện đánh giá hiệu quả hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ nào lãi, lỗ, quy mô và mức độ tăng trưởng…, qua đó phản ánh chất lượng quản lý kinh doanh, xu thế phát triển và rủi ro tiềm tàng của doanh nghiệp. Việc tách quỹ còn nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm (Luật Bảo hiểm của Singapore và Malaysia có các quy định tương tự).

Một điểm mới nữa đó là chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2025. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này. Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng.

Kể từ ngày 1/1/2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Cùng với đó, việc xử lý số dư Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 97 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được thực hiện như sau: Toàn bộ số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản; Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cần cụ thể từng chính sách của nhà nước

    18:50, 27/05/2022

  • Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo ra gánh nặng quản lý

    04:00, 23/05/2022

  • Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế

    03:30, 17/05/2022

  • Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm: Còn nhiều quy định không chặt chẽ

    03:50, 08/04/2022

DIỄM NGỌC