Du lịch Việt: Làm gì để "hút" 15 triệu lượt khách quốc tế 2018?
Trong khi nhiều doanh nghiệp du lịch lớn tỏ ra khá lạc quan trước mục tiêu thu hút 15 triệu lượt khách hàng quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 mà Chính phủ đề ra thì nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại...
Năng lực cạnh tranh của hầu hết các đơn vị trong ngành vẫn còn yếu, sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ du dịch chưa được nâng cao. Đồng thời, vai trò của doanh nghiệp du lịch lữ hành vẫn chưa được đề cao. Vì thế, mong muốn được tháo gỡ bởi những bất cập để ngành du lịch phát triển bền vững là vấn đề được các doanh nghiệp du lịch quan tâm.
Dư địa tăng trưởng lớn
Xu hướng tăng trưởng du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới được đánh giá có khả năng ổn định trong năm 2018 cũng như những năm tới. Thêm vào đó, giảm giá hàng không do sự xuất hiện của các hãng giá rẻ; khách du lịch Trung Quốc đi các nước tăng nhanh.
Để đạt được kết quả cao hơn nữa trong năm 2018, ngành du lịch đã đưa ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó phấn đấu đón từ 15 - 17 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Trao đổi với báo chí, một số doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch cũng tỏ ra lạc quan với điều này. Theo đại diện một doanh nghiệp, lượng khách hàng quốc tế đến Việt Nam năm 2018 có thể đạt mức 16,5 triệu người. Bởi Việt Nam đang có đà tăng trưởng từ hai thị trường khách hàng lớn nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc, thể hiện qua con số tăng trưởng năm 2017 ở hai thị trường này lần lượt là 48,6% và 56,4%. Các thị trường có mức tăng trưởng lớn khác là Hong Kong với mức tăng 37,9%, trong khi thị trường Nga sau thời gian chững lại đã tăng lên 32,3%. Và bởi Việt Nam có tiềm năng phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch, chính trị ổn định, an toàn; tăng trưởng khách du lịch quốc tế tăng nhanh trong khu vực; môi trường kinh doanh cạnh tranh, cho phép sử dụng hiệu quả các nguồn lực để cung cấp sản phẩm có chất lượng. Sự có mặt của các công ty đa quốc gia ở Việt Nam sẽ khuyến khích doanh nghiệp đến đầu tư và xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam, một điểm đến thân thiện cho cả các nhà đầu tư, khách du lịch. Đặc biệt, chi phí du lịch thấp; lao động có kỹ năng tương đối tốt, giá nhân công thấp.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các chuyên gia trong ngành, năng lực của các công ty du lịch Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn nhân lực ngành du lịch chưa được đào tạo một cách hệ thống, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình du lịch còn kém, ảnh hưởng môi trường, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, an ninh, an toàn giao thông cho khách du lịch chưa được như kỳ vọng.
Thực tế, có nhiều khách sạn chưa đáp ứng chất lượng, trong khi nguồn cung khách sạn chất lượng ổn định vẫn thiếu hụt làm cho giá cả khách sạn phục vụ khách du lịch quốc tế cao hơn các nước trong khu vực (như Thái Lan, Malaysia). Các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hết được chuỗi cung cấp du lịch và thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch. Công tác quản lý và việc tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ của các ngành công nghiệp phụ trợ chưa tối ưu cũng làm cho hoạt động kinh doanh du lịch chưa hiệu quả như các nước trong khu vực.
Cần chiến lược đầu tư bài bản
Để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động kinh doanh hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, cần nhiều cơ chế, chính sách và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; Đầu tư cho sản xuất đa dạng các sản phẩm du lịch, có giá thành hạ, khả năng cạnh tranh cao. Vì thế, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, các doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ những bất cập hiện nay. Như Vietravel đã đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về chính sách visa.
Một trong những điểm nghẽn trong phát triển du lịch là chính sách visa. Hiện tại, visa miễn với thời gian quá ngắn, chỉ 15 ngày, đi cùng việc mỗi năm phải gia hạn 1 lần. Ở khía cạnh khác, một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch lữ hành đưa ra đề xuất rằng, cần đặt vai trò của doanh nghiệp lữ hành vào trọng tâm phát triển du lịch. Theo doanh nghiệp này, các công ty lữ hành đang là những đơn vị đưa khách tới Việt Nam, mang lại nguồn thu cho nhiều ngành du lịch, trong đó có lưu trú, nhưng lại không nhận được bất kỳ ưu đãi nào.
Liên quan đến mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, xây dựng thương hiệu du lịch từng vùng, từng địa phương, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cho rằng, Nhà nước cần thực thi một số chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khi tham gia vào các chương trình kích cầu du lịch quốc gia, địa phương, nhằm khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp lữ hành đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn du lịch với các hoạt động sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, làng nghề…Đối với nhóm ngành khách sạn và lưu trú thì địa điểm và chất lượng dịch vụ được xem là quan trọng hàng đầu trong việc thu hút khách du lịch.
Do đó, cần chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực trong ngành du lịch với sự đầu tư bàn bản… Chẳng hạn như Tập đoàn TTC - đơn vị chủ quản Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công - TTC Hospitality (mã CK: VNG đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM – HOSE) vẫn luôn tập trung vào những khách sạn có vị trí đắc địa, gần các địa điểm tham quan du lịch. Đặc biệt du lịch TTC có những vị trí được xem là “có 1 không 2” như: TTC World – Tình yêu mộng mơ, TTC World - Tà Cú… Hiện tại VNG đã nắm giữ hơn 20 khách sạn và resort…nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà VNG vẫn đang tiếp tục đầu tư thêm hệ thống khách sạn tại các khu vực du lịch tiềm năng tại Huế, Hội An, Phú Quốc với 9 dự án lớn đã và đang triển khai từ nay đến 2020… Đây có thể là năm bản lề cho VNG chuẩn bị bức phá tăng tốc mạnh trên thị trường du lịch nổi bật là doanh nghiệp lớn trong bức tranh ngành du lich Việt Nam.
Chính thế mạnh VNG đã tạo nên sự khác biệt với các doanh nghiệp cùng ngành khác là đã tích lũy những chuỗi khách sạn, nhà hàng, khu du lịch trọng điểm và vẫn trong giai đoạn mở rộng đầu tư. Để từ đó, các doanh nghiệp nói chung và VNG nói riêng sẽ có những đóng góp tích cực cho du lịch Việt Nam. Ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những đợt tăng trưởng cùng với các dịp lễ hội trong nước. Đáng chú ý, hiện lượng khách du lịch quốc tế đang chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là mùa cao điểm của nhóm ngành này sẽ rơi vào quý IV và quý I hàng năm.