Không xa đâu Trường Sa ơi...

Hoàng Oanh - Xuân Trường 13/02/2018 05:10

Trên hải trình đến với Trường Sa thân yêu vào những ngày tháng Tư lịch sử, mỗi người trong Đoàn công tác chúng tôi đều tự hào, xúc động, cảm phục sâu sắc khi được tận mắt chứng kiến những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của các chiến sỹ nơi đây trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia hành trình, đưa Đoàn công tác chúng tôi đến với Trường Sa.

Lễ chào cờ trên Đảo Trường Sa Lớn

Lễ chào cờ trên Đảo Trường Sa Lớn

Với hải trình trải dài 10 ngày trên tàu 561 - con tàu Quân y hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, chúng tôi đã đến các đảo và điểm đóng quân thuộc Quần đảo Trường Sa, từ Đá Lớn, qua Trường Sa… đến nhà giàn DK1. Nơi ghi dấu ấn nhất với chúng tôi chính là ở các đảo chìm: Len Đao, Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le, Đá Lát… Đây là những đảo có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng, nhưng đều nằm trên nền san hô ngập nước, điều kiện ăn ở, sinh hoạt chật chội, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhỏ bé giữa biển khơi nhưng hiên ngang bất khuất, như ý chí và nghị lực kiên cường của bộ đội Trường Sa.

Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A Nguyễn Thái Sơn chia sẻ, đóng quân xa ở đảo xa, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, song cán bộ chiến sỹ luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, từ công tác huấn luyện, công tác sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh.

Đại úy Phan Văn Cân, Chỉ huy trưởng Đảo đá Lớn cho biết, không chỉ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu theo phương châm: “độc lập tác chiến, còn người còn đảo”, các chiến sỹ còn tận tình giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản ở khu vực, cung cấp nước ngọt, khám và cấp thuốc miễn phí cho ngư dân; đẩy mạnh công tác trồng rau, nuôi lợn, đánh bắt hải sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Thú vị nhất ở những đảo nhỏ như Đá Đông A phải kể đến vườn rau. Rau quanh nhà theo những ống bơ, lọ, anh em bảo đấy là những vườn rau di động. Mỗi khi gió chuyển là lại “chạy”, vườn rau cứ chạy quanh nhà, trời yên đưa rau ra ngoài “nhởi”, biển động chút lại thu vào nhà. Khái niệm vườn ở đây đã thay đổi “vườn có thể chỉ là 1 vốc đất, đủ trồng 1 cây rau”. Chuyện chăm rau của anh em, nghe như những bà mẹ chăm trẻ. Những ngày tháng tư cũng là những ngày mà Trường Sa đang trong những ngày gần cuối của mùa khô. Nước hiếm hoi nhất. Không một giọt nước ngọt nào được lãng phí. Từ nước rửa mặt, rửa rau... đều được thu lại cho cây rau. Từng nghe chuyện người Israel trồng cây trên sa mạc, chắt chiu từng giọt nước, có lẽ cũng không hơn được những người lính ở Trường Sa. Chuyện tiết kiệm nước của các anh còn liên quan đến những ngư dân đang đánh bắt quanh vùng. Những chuyến biển dài ngày luôn thiếu nước ngọt, lúc ấy đảo chính là những kho nước ngọt “không bao giờ cạn” của họ. Anh Sơn cho biết: “Bộ đội phải chắt chiu từng giọt nước nhưng khi ngư dân cần thì vẫn vui vẻ hỗ trợ ngay, thậm chí chúng tôi coi đó là nhiệm vụ”.

Chuyện cây rau ở đảo chìm đã là khó thì cây rau ở nhà giàn DK1 đúng là “kim cương”. Những vườn rau lơ lửng giữa lưng trời. Rau trồng ở đây còn để cho... chó có đất. Những chú chó ở nhà giàn DK1 rất cần đất trong các vườn rau để... hít lấy “hơi đất” không có cái thứ hơi đất rất giản đơn ấy chúng sẽ ốm, rồi kiệt dần mà... đi.
Ra Trường Sa gắn bó nhất với các đoàn phải kể đến những chiến sĩ “nhà tàu”. Mỗi tàu phải lo cho hàng chục điểm đảo từ lương thực, thực phẩm đến thẻ hương, gói tăm, cho mỗi điểm đảo. Lo cả việc chăm sóc anh em thay quân, các đoàn, không quen mà say sóng. Đồng đội đi thay quân, khách, ai cũng là chân quí. Tôi cũng không nhớ nổi ai đã gọi con tàu đưa chúng tôi ra Trường Sa là con đò trên biển Trường Sa, nhưng thấy sự sự ví von ấy cũng rất đúng. Những con tàu ấy như những con đò nối đôi bờ: đất liền và Trường Sa.

Bộ đội trên đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) hỗ trợ nước ngọt cho ngư dân Phú Yên

Bộ đội trên đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) hỗ trợ nước ngọt cho ngư dân Phú Yên

Rời con “đò mẹ” vào đảo trên “đò con” bao giờ cũng là chặng đường ớn nhất, đảo san hô, bờ đảo dựng đứng, sóng dội ngược ra như muốn hất tung chiếc xuồng. Lái xuồng trên tàu chuyến chúng tôi đi là thiếu úy Phạm Văn Thanh. Thanh cao to, trông thô thô, hay nhất là khuôn mặt lúc nào cũng như sắp cười. Cậu có kiểu điều khiển xuồng rất vững, đặc biệt là cái cách vui vẻ, bình thản đến lạ trước sóng gió, ngồi xuồng của cậu yên tâm lắm. Mọi người kể, dịp gian khó nhất phải kể đến chuyến đi giáp Tết, không hoãn được mà dịp ấy sóng gió ghê lắm. Mỗi lần “đò con” vào đảo là mỗi lần sinh tử. Ngày biển động từ xuồng kéo đến xuồng chở cách nhau sợi dây chừng chục mét mà nhiều khi như cách cả núi sông.

Tiếp tục hải trình trong những ngày tháng Tư lịch sử, chuyến tàu đã đưa chúng tôi cập cảng Trường Sa. Kỷ niệm 42 năm xây dựng và trưởng thành, huyện đảo Trường Sa đẹp hơn bao giờ hết. Chúng tôi đều cảm nhận rõ lòng yêu nước nồng nàn đang trào dâng trong máu, trong tim... Chúng tôi đã tới đây, cột mốc Trường Sa của Tổ quốc thân yêu. Lá Cờ đỏ Sao vàng hiên ngang trước gió. Chúng tôi đã thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và chùa Trường Sa. Mỗi nén hương là lòng biết ơn kính dâng tổ tiên bao đời đã dựng xây giang sơn gấm vóc này.

Dự Lễ chào cờ trang trọng tại đảo Trường Sa, hát vang bài Quốc ca bằng niềm tự hào và xúc động dâng trào. Cờ Tổ quốc hiên ngang trong nắng gió Trường Sa. 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên, nói hộ cả chúng tôi quyết tâm của một thế hệ những người con đất Việt.

Cuộc gặp gỡ ấm áp nghĩa tình quân, dân giữa các Đoàn công tác với quân và dân trên đảo Trường Sa đã được tổ chức. Nhiều phần quà đã được trao gửi, không nhiều như gian khổ bộ đội vượt qua hàng ngày, nhưng ấm nghĩa tình của hậu phương gửi nơi tiền tuyến. Chúng tôi đã cùng chiến sỹ hát vang những bài hát ấm tình người, tình đời, tình người lính đảo, cùng nhau hát những ca khúc về Trường Sa thân yêu.

Chúng tôi đã có những giờ phút trải nghiệm cuộc sống của người dân trên đảo, vui với niềm vui con trẻ trong những lời hát, phần quà. Cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm dưới những tán lá xanh, cùng nâng niu những quả bàng vuông, chúng tôi ước ao được mang vị mặn mòi của biển về đất liền.

Tạm biệt Trường Sa! Mai về đất liền, chúng tôi sẽ nhớ các anh, những người lính tuổi đôi mươi xa gia đình, lấy đảo là nhà, lấy biển khơi làm bạn, kiên cường như phong ba trước gió, đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền là lẽ sống. Chúng tôi càng thêm quyết tâm, làm thêm nhiều điều ý nghĩa, để xứng đáng với sự hi sinh cao cả của các anh - những người lính Trường Sa.

Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…

Câu hát ngân nga trong suốt hải trình thăm Trường Sa của đoàn chúng tôi. Đó cũng chính là tình cảm của mỗi người chúng tôi với Trường Sa thân yêu.

Một kỉ niệm không thể quên với tôi là miếng bánh chưng gói bằng lá bàng vuông. Bóc chiếc bánh màu xanh hơi ánh vàng của lá non, không xanh thẫm như bánh gói bằng lá dong nhưng cũng thật đẹp. Háo hức cầm miếng bánh đưa lên miệng, vị của gạo, của đậu, thịt, thiếu vị mát lành của lá dong, thêm vị ngang ngang chát, ngăm ngăm đắng. Một cảm giác nghèn nghẹn đưa lên cổ. Miếng bánh chưng quê nhà là vị của núi rừng và đồng bằng. Miếng bánh này có thêm cái vị đắng, chát của sóng gió đại dương hay vị mặn chát của mồ hôi và cả máu của những người lính đảo. Đích thực miếng bánh trưng của biển. Người chiến sĩ nào ở Trường Sa đã nghĩ ra việc lấy lá bàng vuông để làm cho được chiếc bánh chưng, dâng lên bàn thờ Tổ quốc trong buổi đón xuân, không ai nhớ được. Những người làm vì tấm lòng, đảo nọ truyền đảo kia, không ai nhớ lưu lại xuất xứ. Nhưng tấm lòng ấy với quê hương, đất nước, với tổ tiên, với hôm nay và ngày mai thì mãi không thất truyền được. 

Hoàng Oanh - Xuân Trường