"Bài toán khó" của du lịch trực tuyến
Trong chiếc bánh "du lịch trực tuyến" màu mỡ, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 20% chiếc bánh còn đến 80% miếng bánh ngon này đang thuộc về các doanh nghiệp ngoại.
Nhiều tiềm năng
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên tới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.
Một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 cho thấy có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới.
Sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhiều loại hình kinh doanh du lịch trực tuyến mới, đặc biệt là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ di động, mạng xã hội, kinh tế chia sẻ và các ứng dụng di động gắn với địa điểm đã tăng sự trải nghiệm của du khách và mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng.
Theo TS Trương Sỹ Vinh (Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch) với sự phát triển của du lịch trực tuyến, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài nếu biết tận dụng lợi thế về công nghệ.
Tất yếu nhưng còn...yếu
Trong xu thế phát triển nhanh của du lịch thế giới thì công nghệ thông tin (CNTT) được coi là một trong những giải pháp có thể góp phần dẫn đến sự tăng trưởng đột phá. Ở Việt Nam, ngành du lịch cũng đã tiếp cận nhanh với xu thế này, song với số lượng cũng như hiệu quả từ những ứng dụng CNTT đưa lại có thể thấy du lịch trực tuyến mới chỉ chiếm vị trí khiêm tốn so với thị trường truyền thống.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp du lịch, 100% các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, việc đầu tư mới chỉ nửa vời, tốc độ kết nối kém, thông tin còn nghèo và chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng. Chính vì thế, 80% doanh thu du lịch trực tuyến hiện vẫn là các trang mạng nước ngoài như Agoda, booking.com hay Traveloka nắm giữ.
Cũng theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sở dĩ du lịch trực tuyến còn chậm phát triển vì hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Đồng thơi, chưa có chính sách khuyến khích du lịch trực tuyến phát triển.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch Việt chia sẻ, việc đầu tư cho trực tuyến tại Việt Nam thời gian qua còn chậm là do chính các doanh nghiệp chưa chú trọng. Tốc độ kết nối kém, thông tin còn nghèo và chưa theo kịp nhu cầu của khách hàng và cần thay đổi.
Các chuyên gia du lịch chia sẻ, bên cạnh việc đầu tư vào Marketing Online, việc kết nối thanh toán trực tuyến giữa các bên cũng là điều mà các công ty du lịch cần tập trung. Bởi hiện nay, việc khách hàng muốn tự đặt phòng, tự mình lên tour, tự đặt vé và đặt phòng sẽ ngày càng là xu hướng trong tương lai, bởi 88% khách du lịch tại Việt Nam hiện đã và đang tra cứu thông tin qua mạng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ khách du lịch sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch mới chiếm 34% trong đó chủ yếu vẫn là hình thức book dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử toàn cầu trong đó có lĩnh vực du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất. Đó chính là biểu hiện rõ rệt nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh mẽ và rõ ràng không thể đứng ngoài cuộc. Du lịch Việt Nam đang được Đảng, Nhà nước khẳng định phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Vũ Thế Bình, để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên phát triển du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động du lịch trực tuyến sẽ mang lại lợi ích to lớn trong các khâu quảng bá, cung cấp dịch vụ… Du lịch trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, tạo kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với du khách.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist cho biết doanh nghiệp đang tập trung hàng đầu cho phát triển công nghệ và ứng dụng du lịch thông minh trong phát triển lữ hành. Từ năm 2004, Saigon Tourist đã nhận thức hiệu quả và vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng kinh doanh. Thời gian qua, Saigon Tourist đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng lữ hành trực tuyến. Kết quả trong 10 tháng của năm 2017, doanh thu trực tuyến của doanh nghiệp là trên 129.000 tỷ đồng.
Theo ông Tài, với doanh nghiệp thì hiệu quả là mục đích cuối cùng, hướng tới thuận lợi nhất cho khách hàng. Khách hàng quan tâm truy cập nhanh chóng, tìm các sản phẩm tốt, chất lượng, giá rẻ…Như vậy, công nghệ phải song song với chất lượng sản phẩm tốt.
Một giám đốc truyền thông của doanh nghiệp du lịch Tugo cho hay, ngay từ khi ra đời và hướng đến du khách quốc tế, doanh nghiệp này đã xác định đầu tư công nghệ thông minh. Nhận thấy rằng các doanh nghiệp truyền thống tốn chi phí cho vấn đề truyền thông cũng như đặt các văn phòng, nhân sự… do đó, hướng của Tugo đặt ra là truyền thông trên hệ thống mạng xã hội, Facebook, YouTube… và ứng dụng công nghệ thông tin.
“Ban đầu, chúng tôi gặp vấn đề về nhân sự khi tỷ lệ cuộc gọi nhỡ lên tới 60%. Sau đó chúng tôi đã cải thiện công nghệ và giảm tỷ lệ xuống còn 20%. Sau 3 năm đạt gần 400 tỷ đồng nhờ áp dụng CNTT” - đại diện Tugo chia sẻ.