Đồ Sơn biển ngủ Kỳ II: Con người đã ngược đãi biển Đồ Sơn

Phóng sự của Hà Linh Quân 13/06/2018 10:59

Điều cơ bản khiến du khách đến nơi đây, đặc biệt là người nước ngoài, ngại ngần thò chân xuống biển: Có lẽ hiếm có biển nào lại đục như biển Đồ Sơn.

Ngày xưa Đồ Sơn chia làm 3 khu, dân thường chỉ được vào khu ngoài cùng - khu 1. Muốn vào khu 2, khu 3 phải có giấy tờ đặc biệt bởi ở đó có “Nhà bác Đồng”, “Nhà bác Giáp”… Đến thời xóa bỏ bao cấp thì 3 khu được “thống nhất”.

Vào những ngày này, khu 2, trung tâm Đồ Sơn, đông nghẹt, nhưng vẫn không bằng Sầm Sơn, Cửa Lò. Đang chưa biết phải bắt đầu từ đâu, một người đàn ông nụ cười nửa miệng như đổ xi măng, lạnh lùng nhảy ra chỉ chỗ cho xe chúng tôi đỗ lên vỉa hè. Cả đoạn hè dài hàng vài trăm mét đã biến thành bãi trông xe nhếch nhác. Tiếng la lối của người dân miền biển có lúc át tiếng sóng gào.

Bỏ mặc những đứa bé bán hàng rong lẵng nhẵng đằng sau, chúng tôi đứng trên kè đá ngắm các con sóng bị gió cuộn xoắn thành một chiếc khăn bông trắng khổng lồ viền quanh bờ biển. Một người đàn bà to béo nhưng giọng mảnh mai - điều khác lạ ở người dân miền biển - gạ chúng tôi thuê đồ tắm. Chúng tôi từ chối, bởi không ai nghĩ đến chuyện xuống biển. Toàn những người tuổi U.70, ngoại hình không phải là thứ thích hợp để đem ra khoe dưới nắng mặt trời!

p/Chủ quán thu 650 nghìn đồng tiền ghế ngồi ở Đồ Sơn (người mặc áo đen) vừa bị Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng phạt 2 triệu đồng

Chủ quán thu 650 nghìn đồng tiền ghế ngồi ở Đồ Sơn (người mặc áo đen) vừa bị Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng phạt 2 triệu đồng

Song điều cơ bản khiến du khách đến nơi đây, đặc biệt là người nước ngoài, ngại ngần thò chân xuống biển: Có lẽ hiếm có biển nào lại đục như biển Đồ Sơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Ai đã kéo tuột “đẳng cấp” Đồ Sơn?

    Ai đã kéo tuột “đẳng cấp” Đồ Sơn?

    15:57, 09/06/2018

  • Chủ quán thu 500 nghìn đồng tiền ghế ngồi tại Đồ Sơn bị “sờ gáy”

    17:46, 28/05/2018

  • Du khách sợ đến Đồ Sơn vì... Cảnh sát giao thông!

    16:05, 17/05/2018

 Hàng chục năm nay, biển Đồ Sơn đã mang màu chocolate, do bị phù sa đầy bùn từ 2 con sông Lạch Tray, Văn Úc đổ vào - hậu quả từ sự can thiệp thô bạo của con người vào thiên nhiên! Khi nước triều hạ, hàng trăm hàng quán nghiêng ngả liêu xiêu như đám bợm nhậu, tràn xuống bãi cát theo chân người đi tắm biển. Rồi khi triều lên, các con sóng biển tốt bụng và dửng dưng lại nuốt vào bụng biển, quét hộ cái đám rác rưởi: Vỏ dừa, mai ghẹ, đầu tôm, giấy báo và túi nylon, mà những thực khách vô tư vất trên bờ cát. Việc làm bẩn biển ngày ngày diễn ra như nước thủy triều ngày ngày lên xuống, nhưng các lãnh đạo Đồ Sơn thì vẫn thờ ơ. Điều họ quan tâm rất nhiều là chuyện đấu thầu, thu phí. Thứ tư duy ”mỳ ăn liền” nuôi dưỡng cho những suy nghĩ ngắn hạn. Họ đang ngược đãi biển đấy. Bởi thờ ơ là một hình thức của ngược đãi.

p/Phố đèn đỏ ở Đồ Sơnp/Ảnh: Trung Thành

Phố đèn đỏ ở Đồ Sơn Ảnh: Trung Thành

Phải nói thật rằng, nếu không có các cô gái Hải Phòng vô cùng xinh đẹp chơi đùa với sóng, chúng tôi cũng không thể đứng nhìn sóng đến khi mặt trời như một quả bưởi sáng quắc đang dần rơi vào lòng biển. Bóng tối bắt đầu mờ xanh. Đến lúc phải đi tìm chỗ ăn rồi.

Kỳ III: “Đặc sản” Đồ Sơn



Phóng sự của Hà Linh Quân