Du lịch Thanh Hóa: Nghiêm túc, quyết liệt, sẵn sàng đổi mới

Hiền Hằng, Ngọc Thanh, Long Hà, Tuấn Anh 19/06/2018 07:30

Ngành du lịch Thanh Hóa nếu muốn phát triển bền vững thì rất cần triển khai với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt và sẵn sàng đổi mới.

Sáng 19/6 tại Thanh Hóa, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo: "Du lịch Thanh Hoá: Đổi mới để phát triển bền vững".

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở Bắc Trung Bộ, được ưu đãi đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa cùng truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Đó là những lợi thế lớn về tiềm năng để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình phá triển kinh tế - xã hội trọng tâm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.

Những năm gần đây, mặc dù du lịch Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tương đối khả quan xong vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Nhằm thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn, qua đó giới thiệu và quảng bá tới đông đảo du khách, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về một lĩnh vực đầy triển vọng, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -  VCCI; Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tổ chức Hội thảo: “Du lịch Thanh Hóa– Đổi mới để phát triển bền vững”.

Quang cảnh buổi Hội thảo "Du lịch Thanh Hóa: Đổi mới để phát triển bền vững"

Tham dự Hội thảo, về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Tiêu – Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa; Ông Phạm Đình Vũ - Chánh văn phòng Công tác hiệp hội Doanh nghiệp VCCI.

Về phía Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành lãnh đạo địa phương tỉnh Thanh Hóa có ông Hoàng Bá Tường – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tỉnh Thanh Hóa; Ông Lương Tất Thắng: Phó Giám Đốc sở kế hoạch đầu tư tỉnh Thanh Hóa; Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương -  Chi Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa; Ông Lê Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Như Thanh; Bà Phạm Thị Việt Nga – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Ông Nguyễn Khắc Nhu – Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn; Ông Lữ Đức Chung – Phó Chủ tịch UBND huyện Long Chánh; Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Ông Lương Tất Thắng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở Công Thương, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường; Ông Đỗ Đình Hiệu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh hóa; Ông Trần Đình Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Về phía khách mời tham dự là những nhà nghiên cứu về du lịch, văn hóa, các diễn giả, các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành, có TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du Lịch – Trường ĐHKT Quốc Dân; PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng- Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; TS. Lê Văn Minh - Viện nghiên cứu và phát triển DL Việt Nam; Ông: Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa; Ông Lê Trường Sơn - Giám đốc Khách sạn Dragon Sea – TP Sầm Sơn.

Về phía Ban Tổ chức, có bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn Hóa – Thể thao – Du lịch tinh Thanh Hóa; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đánh gía cao tầm nhìn trong quy hoạch đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa khi ban hành Quyết định số 492/QĐ –UBND ngày 09/02/2015, Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng 

Theo đó, UBND tỉnh đã quy hoạch các Cụm du lịch trọng điểm để thực hiện mục tiêu: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thanh Hóa sớm trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước; phần đấu đến năm 2020 thu hút được khoảng 230.000 lượt khách quốc tế, với doanh thu đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, Thanh Hóa đã có rất nhiều các Doanh nghiệp lớn đâu tư vào lĩnh vực Du lịch, như tập đoàn FLC, Tập đoàn TNT…. Và riêng năm 2015 – 2017, tỉnh đã có 18 dự án hạ tầng du lịch được triển khai, 61 dự án kinh doanh khu, điểm du lịch được cấp phép, với tổng vốn đăng ký lên đến 62.480 tỷ đồng.

Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, ngành du lịch của tỉnh cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc cạnh tranh giữa các vùng trọng điểm du lịch của các tỉnh thành khác trong khu vực và cả nước. Đặc biệt, tính “mùa vụ” và khả năng kết nối giữa các điểm du lịch, nghỉ dưỡng với các điểm du lịch thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, cũng như chất lượng nguồn nhân lực, đang là những thách thức mà ngành Du lịch Thanh Hóa phải đối mặt.

“Tiềm năng còn rất nhiều đây là sân mà doanh nghiệp có thể khai thác. Thanh Hoá cần phải đổi mới trong khai thác du lịch, đặc biệt, đổi mới phải có đột phá”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Thanh Hoá cần đổi mới du lịch nhưng hạn chế xâm phạm cảnh quan thiên nhiên. Phát triển phải dựa trên nền tảng về những cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa.

Để làm được điều này, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh cần sự quyết tâm chính trị và sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền, doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng.

“Chúng tôi mong muốn du lịch Thanh Hoá giữ được bản sắc và là nhịp cầu để phát triển du lịch cả nước. Làm sao cho du khách đến với Thanh Hoá nhớ mãi. Thanh Hoá cần chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để đón tiếp du khách nhiều ngày với nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tốt, nâng việc giữ chân du khách dài ngày và nâng mức chi tiêu”, Phó Chủ tịch VCCI đề nghị.

Phát biểu chào mừng, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đúng như lời phát biểu của ông Hoàng Quang Phòng, Thanh Hóa cũng được đánh giá là một tỉnh có hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa 

Tuy là có những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua nhưng có thể nói rằng Thanh Hóa còn rất nhiều dư địa phát triển du lịch mà chúng tôi vẫn đang còn rất nhiều những băn khoăn trăn trở.

Vì vậy mà được sự chỉ đạo của VCCI và sự đồng hành tích cực của báo Diễn đàn Doanh nghiệp thì hôm nay Hội thảo đã quy tụ được rất nhiều chuyên gia, diễn giả có kinh nghiệm để cùng chia sẻ, hiến kế cho Thanh Hóa có những giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới một cách nhanh và bền vững.

TIỀM NĂNG, LỢI THẾ, KHÓ KHĂN VÀ HẠN CHẾ CỦA DU LỊCH THANH HÓA

Từ trái qua phải: TS. Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Du lịchViệt Nam; PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng- Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa; Ông Hoàng Bá Tường - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa; Ông Hoàng Khắc Nhu - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sầm Sơn; Ông Trần Đình Sơn - PCT Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hoá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cả về du lịch giải trí và du lịch tâm linh. Chia sẻ cụ thể về tiềm năng này, bà Vương Thị Hải Yến cho biết, xét về vị trí địa lý, Thanh Hoá như một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ các dạng địa hình, miền núi, trung du và ven biển.

Thanh Hoá cũng là cửa ngõ kết nối Bắc Bộ và Trung Bộ, với hệ thống tuyến đường QL 1 và đường mòn Hồ Chí Minh. Mạng lưới giao thông thuận lợi, gần với các thị trường du lịch lớn như Hà Nội.

Ngoài ra, Thanh Hoá cũng có điều kiện phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất tốt, cùng với đó là quy hoạch sân bay Nghi Xuân trở thành cảng hàng không Quốc tế Nghi Sơn đến năm 2025.Đây là điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá thu hút được khách du lịch ngày một nhiều hơn.

Nhờ có địa hình đa dạng, Thanh Hoá đã hình thành nên các sản phẩm du lịch giải trí đa dạng như các bãi biển dài, hoang sơ, cát trắng, nước biển có giá trị tốt cho sức khoẻ. Trong đó phải kể đến các bãi biển như Sầm Sơn, Hải Hoà, Hải Tiến... Bên cạnh đó phải kể đến các sản phẩm du lịch khác như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để khai thác du lịch sinh thái...

Ngoài ra cũng phải kể đến tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, bởi Thanh Hoá có tới 1335 di tích lịch sử có truyền thống lâu đời.

Ở vai trò điều phối, TS. Trương Sỹ Vinh- Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam đặt câu hỏi: "Khi nói về Thanh Hoá chúng ta nói có nhiều tiềm năng nhưng ng ta chỉ biết nhiều đến biển, giá trị văn hoá và phi vật thể lại ít được biết đến, vậy PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng có thể cho biết những nét đặc sắc về văn hoá của Thanh Hóa có thể khai thác được?"

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết các di sản phi vật thể hiện có 1.300 di tích, hơn 100 di tích xếp hạng quốc gia. Đây đều là các di tích được điều chỉnh theo Luật di sản văn hoá với đầy đủ các loại hình như di tích Đền Bà Triệu, di tích khảo cổ như Văn hoá Đông Sơn, di tích lịch sự Thành Nhà Hồ, di tích danh lam thắng cảnh được xếp hạng như Sầm Sơn được xếp hạng từ rất sớm, Hang Con Moong.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Ngoài di sản vật thể còn có di sản phi vật thể được ghi vào di sản văn hoá quốc gia như tín ngưỡng thờ Mẫu Đền Sòng, dân ca Đông Anh… khi làm xét duyệt các danh mục này hội đồng phi vật thể quốc gia của Bộ đã suy nghĩ và đang lựa chọn có thể đưa vào các di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Đây là những tiềm năng rất lớn.

Lấy ví dụ về biển Sầm Sơn, ông Hùng cho rằng Sầm Sơn đã có quy hoạch và các di sản văn hoá thiên nhiên của Thanh Hoá cần được quy hoạch và định hướng phát triển đúng tinh thần đổi mới để phát triển bền vững.

TS. Trương Sỹ Vinh đặt câu hỏi: "Đặc điểm nào của Thanh Hóa gây khó khăn cho sự phát triển du lịch và đâu là giải pháp?"

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Bá Tường - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa mặc dù đã xác định du lịch biển, du lịch đảo là hai mũi nhọn cho phát triển du lịch tuy nhiên chưa tập trung làm dứt điểm.

Ông Hoàng Bá Tường - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa 

"Chúng ta chưa khai thác được thì hãy bảo tồn nguyên vẹn và đừng xâm hại những cái gì đã có của cha ông. Những tiềm năng chúng ta chưa làm được thì sẽ là tiềm năng để sau này con cháu chúng ta khai thác chứ không nên cái gì chúng ta cũng đưa ra, cuối cùng không có sản phẩm nào chính là thương hiệu và có lợi nhuận". - ông Tường nói.

Theo ông Tường, chính tính chất di sản và là vùng đất vua chúa xưa kia làm cho đặc tính con người Thanh Hóa có những cái không phát triển được. Làm du lịch trước kia với đất vua chúa thì nói thiên hạ nghe, nhưng bây giờ với cơ chế thị trường thì phải biết lắng nghe thiên hạ. Cần phải ứng xử nhân văn và tính tình người và văn hóa và cách giao tiếp ứng xử.

"Đất vua đất chúa nên xem thiên hạ là con dân, nhưng bây giờ với cơ chế thị trường thì con cháu của các vua chúa phải xem du khác chính là thượng đế. Cho nên chúng ta phải nắm bắt nhu cầu ứng xử và cầu thị cho nhu cầu của sự phát triển du lịch". - ông Tường nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Khắc Nhu - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sầm Sơn, khi nhắc đến du lịch Thanh Hoá người ta thường nghĩ đến du lịch Sầm Sơn. Sầm Sơn thể hiện sự nổi trội và đột phá hơn cả. Sầm Sơn được coi là 1 trong 5 điểm đến du lịch tốt nhất Việt Nam.

Theo ông Nhu, có được điều này phải kể đến những đột phá như sau:

Trước tiên phải kể đến đổi mới về tư duy du lịch. Từ lãnh đạo cấp tỉnh đến địa phương, đã xác định được tiềm năng để có sự đầu tư hợp lý cho du lịch Sầm Sơn. Cùng với đó, các địa phương đã hiện thực hoá bằng hành động cụ thể để thu hút nhà đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch có tính thu hút.

Cụ thể, Sầm Sơn đã thay đổi ý thức của người dân, người làm du lịch ở sầm sơn có tư duy đổi mới. Các nhà quản lý đã được trang bị chuyên môn về quản lý du lịch, nhà hàng khách sạn. Người dân cũng được trang bị và có văn hoá thân thiện, cởi mở và trung thực hơn. Trung thực hơn phải nói là điểm nhấn thay đổi mang tính đột phá nhất.

Thời gian qua, VCCI, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp thực hiện các lớp bồi dưỡng cho quản lý, nhân viên nhà hàng khách sạn, nâng cao chuyên môn, kỹ năng giao tiếp với du khách... những người lao động từ người bán hàng vỉa hè, xe điện, xích loo thợi ảnh đều được trang bị kiến thức văn hoá kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, đặc sản địa phương khi du khách đến với Sầm Sơn.

Nhờ vậy, với 4 triệu lượt du khách, phòng Sầm Sơn luôn trong tình trạng “cháy”.

Chia sẻ về lý do vì sao Hải Hoà chưa khai thác và phát triển được tiềm năng du lịch để phát triển như Sầm Sơn, ông Hoàng Bá Tường - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa cho rằng, không thể lấy mô hình phát triển của Sầm Sơn để làm mẫu số chung để áp dụng cho tất cả các địa điểm du lịch khác trên toàn tỉnh.

"Nếu ví Sầm Sơn như một cô gái thành thị kiêu kỳ, thì Hải Hoà như một cô thôn nữ chân chất thôn quê." - ông Tường nói.

Theo ông Tường, chính điều này cũng tạo nên sự khác biệt giữa hai bên, nếu Sầm Sơn khách đển chỉ để du lịch, tắm biển và ăn uống thì khi đến với Hải Hoà khách du lịch có thể có thời gian lưu trú dài hơn để tìm hiểu về văn hoá, cội nguồn làng chài...

Theo ông Tường điều quan trọng là tạo được sự ứng xử nhân văn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách là quan trọng hàng đầu.

TS. Trương Sỹ Vinh- Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam

TS. Trương Sỹ Vinh đặt câu hỏi: "Có nhiều du khách có nhận định đến Sầm Sơn chỉ tắm biển ăn hải sản còn không biết làm gì hơn. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng Sầm Sơn thiếu các dich vụ bổ sung ngày đêm để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, ông Hoàng Khắc Nhu - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn  có ý kiến gì về nhận định này".

Ông Hoàng Khắc Nhu - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sầm Sơn

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Khắc Nhu- Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho rằng, đây là những nhận định có cơ sở. Việc khai thác, đầu tư du lịch còn nhiều tồn tại, cần phải có sự đột phá. Đột phá trong giai đoạn đầu là phát triển từ những nền tảng đã có, ví dụ phát triển du lịch 4 mùa với 32 di tích như Hòn Trống Mái, đền Độc Cước có thể khai thác 4 mùa.

Cùng với đó, độ mặn của nước biển, ánh sáng măt trời tốt cho việc phục hồi sức khoẻ hiện vẫn chưa khai thác được. Những điểm mạnh này có thể khai thác du lịch 4 mùa như du lịch văn hoá lễ hội đầu năm, tắm biển mùa hè, nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ các tháng giữa năm mùa thu. Khi đã khai thác được du lịch Sầm Sơn 4 mùa sẽ khắc phục được những tồn tại đang kéo dài.

Các vị khách mời tham gia Hội thảo.

"Có những hạn chế phải phân tích để khai thác tốt hơn, trong đó đặc biệt là thiêú hụt sản phẩm du lịch. Vậy, sản phẩm hiện thiếu là do bản thân doanh nghiệp hay đầu tư còn yếu hay do nguyên nhân nào?" - TS. Trương Sỹ Vinhđặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hoá cho rằng, để phát triển du lịch mang tính chất đầy đủ và kéo dài những ngày khách lưu trú bản thân doanh nghiệp và Hiệp hội đã có nhiều chuyên đề bàn thảo. Trong đó nhất trí cần có sự liên kết giữa các điểm, ví dụ liên kết Hải tiến với Thanh hoá không mang tính chất nhàm chán, tạo sân chơi, sự thu hút để du khách hưởng thụ các sản phẩm văn hoá.

Ông Trần Đình Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hoá 

Ví dụ tour nối kết ngược xuôi sông Hàn, kết nối doanh nghiệp đưa du khách từ ngã ba Bông lên tới Hàm Rồng và ngược tới ngã ba sông, thăm luôn di tích Thành Nhà Hồ.

Hiệp hội cũng bàn với doanh nghiệp khi khách đến Hải Tiến đã có doanh nghiệp kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn và Hàm Rồng.

Hiệp hội cũng đề xuất tỉnh xây dựng chương trình nối kết khách du lịch đến thành nhà Hồ, Lam Kinh, thậm chí là du lịch sinh thái rừng trong vòng một ngày sau đó vẫn du lịch biển bình thường.

Một vị khách mời đặt câu hỏi với các vị chủ tọa.

ông Đỗ Hoàng Hữu - Giám đốc Công ty Du lịch Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thanh Hoá 

Tại Hội thảo, ông Đỗ Hoàng Hữu - Giám đốc Công ty Du lịch Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thanh Hoá cho rằng, du lịch Hải Tiến, Hải Hoà chưa được như Sầm Sơn, Công ty Du lịch Hữu nghị năm nay đã đưa hàng nghìn khách du lịch về Sầm Sơn. Tuy nhiên khi đưa tới hai địa điểm còn lại thì đường xá rất sóc, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, khiên du khách đi từ Hà Nội vào thấy quá mệt.

Có đoàn khách 500 người, đến khách sạn Ánh Dương - Hải Tiến đều chấp nhận dịch vụ khách sạn nhưng họ cho biết đường sóc, say xe quá mệt nên chuyển đổi sang Sầm Sơn.

Được biết, Hải Tiến hiện đã có chính sách đổi hạ tầng, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ nên cải thiện chưa được tốt, hệ thống đường xá hiện như Sầm Sơn cách đây 5-7 năm. Hải Hoà cũng tương tự, giao thông quá nhiều năm khó khăn, đặc biệt từ đoạn ngã ba Còng. Do đó, tôi cho rằng du lịch phát triển phải có cơ sở hạ tầng dịch vụ đồng bộ.

"Còn vấn đề giữ chân du khách lâu hơn, khách chúng tôi hiện ở chủ yếu 3-4 ngày, chúng tôi thiết kế đi thăm Động thiên sơn, và trải nghiệm một ngày làm nông dân, du khách rất thích thú". - ông Hữu chia sẻ.

TS. Trương Sỹ Vinhđặt câu hỏi: "Du khách lại tập trung quá nhiều vào khu du lịch biển Sầm Sơn thậm chí có nhiều lúc quá tải, điều này đặt ra câu hỏi liệu có phải ngành du lịch đang tập trung vào khu du lịch Sầm Sơn thôi hay không? Lý do gì khiến các khu du lịch biển khác tại Thanh Hóa chưa thu hút được du khách và các nhà đầu tư?"

Trả lời câu hỏi này, bà Vương Thị Hải Yến cho rằng du lịch Sầm Sơn phát triển nóng còn tại khu du lịch biển Hải Hòa so với Hải Tiến có sự phát triển chậm hơn. Hải Hòa mới đón trên 200.000 lượt khách/năm, còn Hải Tiến đã đón hơn 1 triệu du khách/năm trong khi đó Hải Hòa đi trước một chút.

Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa

Các khu du lịch đã quy hoạch theo chuyên đề như khu vực công cộng, cao cấp, quy hoạch cho những sản phẩm du lịch độc đáo,… bãi biển Thanh Hóa đang được các nhà tư vấn nước ngoài tư vấn quy hoạch giúp phát triển để phát huy hết những lợi thế và không mang tính chất chồng chéo, cạnh tranh nhau.

Chủ trường của Sở là tập trung phát triển du lịch biển nhưng còn những khó khăn về nguồn lực. Bên cạnh đó còn có khó khăn trong cân đối thu chi, hiện tỉnh cần sự hỗ trợ từ trung ương, do đó nguồn lực đầu tư chủ yếu từ phía tỉnh cho nên khó khăn đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Chúng tôi xác định du lịch biển là mũi nhọn giúp kéo theo sự phát triển của các loại hình du lịch khác. Nên chúng ta tập trung nhiều cho sầm sơn, kết quả thu hút được những dự án, nhà đầu tư lớn như FLC, Sun Group, nhiều nhà đầu tư khác,… các doanh nghiệp du lịch đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tới đây Thanh Hóa bắt đầu chuyển sang quan tâm hỗ trợ các khu du lịch biển còn lại, theo trình tự thứ tự ưu tiên". - bà Hải Yến nói.

Trả lời câu hỏi "Thanh Hoá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng chưa khai thác triệt để được, vậy trong thời gian tới Thanh Hoá sẽ làm như thế nào?", bà Hải Yến cho biết, trong đề án phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh, Thanh Hoá xác định sản phẩm mũi nhọn là du lịch biển, ngoài ra du lịch tâm linh và du lịch sinh thái là có thể mạnh. Việc xác định như vậy có thể giúp cho Thanh Hoá có thể kết hợp và bổ trợ giữa các sản phẩm du lịch với nhau đểu phát triển một cách đồng bộ.

Theo bà Yến, thời gian gần đây, Thanh Hoá bên cạnh việc tổ chức tu bổ, tôn tạo, khai thác hệ thống các sản phẩm du lịch phi vật thể, Thanh Hoá cũng tập trung khai thác du lịch sinh thái Phù Luông và vườn quốc gia Bến En.

Hiện nay, khách du lịch châu Âu cũng đã đến rất nhiều tới du khu lịch sinh thái Phù Luông, trong đó tập trung vào Thác Hươu, Thác Muốn, bản Đôn...

Theo đó, Thanh Hoá cũng đã triển khai các chính sách phát triển du lịch sinh thái cho phù hợp với Luật Du lịch. Theo đó, có 8/11 huyện đã có đề án phát triển du lịch sinh thái, 6 huyện đã được phê duyệt các đề án này.

"Dự kiến sắp tới, khu vườn quốc gia Bến En sẽ có sự đầu tư của Sun Group để phát triển khu du lịch vui chơi kết hợp với sân golf, dự kiến tổng vốn đầu tư trị giá hơn 11 nghìn tỷ đồng. Khi dự án đi vào triển khai sẽ trở thành động lực thúc đẩy du lịch sinh thái nói riêng và du lịch Thanh Hoá nói chung trong thời gian tới". - bà Yến thông tin thêm.

Thêm ý kiến về vấn đề này, ông Trần Đình Sơn cho biết, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nối tour với các điểm du lịch trong nước có đường bay tới Thanh Hóa ví dụ như hiện nay đã nối tour du lịch Khánh Hòa vào Thanh Hóa, Tây Nguyên – Thanh Hóa, trong đó tuyến quan trọng nhất là tuyến khách TP HCM nối miền tây miền Đông Nam Bộ tới Thanh Hóa. Công tác tuyên truyền, quảng cáo, xúc tiến du lịch rất tốt nên họ đã biết tới.

Hay, xây dựng chương trình về Kinh đô Đất Việt, "chúng tôi xây dựng tuyến du lịch Ninh Bình – Hà Nội, Hà Nội – Thanh Hóa, làm sao thu hút nguồn khách này và sang năm sẽ nối kết 1 chương trình du lịch giữa 5 tỉnh Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An, Huế, làm sao thu hút khách, làm sao tạo ra sản phẩm du lịch mới giữa các tỉnh". - ông Sơn thông tin. 

Trả lời câu hỏi của TS. Trương Sỹ Vinh: "Công tác quảng bá xúc tiến của Thanh Hóa diễn ra như thế nào thư bà?", bà Vương Thị Hải Yến cho biết, từ năm du lịch quốc gia 2015, công tác quảng bá của Tỉnh đã nâng lên rất nhiều. Tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn kinh phí trong khi nguồn ngân sách vẫn còn hạn hẹp cho công tác tuyên truyền quảng bá. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế chính vì thế với kinh phí còn ít nên nguồn kinh phí quảng bá chiến lược, dài hơi, hướng tới các thị trường quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế.

"Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo, thời gian tới phải ưu tiên vào công tác quảng bá tuyên truyền du lịch một cách bài bản, chiến lược, tập trung thị trường quốc tế và tập trung cho maketing điện tử... Đây là hướng chỉ đạo mà ngành tích cực chỉ đạo và tham mưu cho tỉnh và trong thời gian tới du lịch để Thanh Hóa sẽ được biết đến nhiều hơn, sâu hơn thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài". - bà Hải Yến nói.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa; Ông Nguyễn Thanh Tiêu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa; PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; TS. Lê Văn Minh -Viện nghiên cứu và phát triển DLViệt Nam; Ông Lê Trường Sơn – Tổng Giám đốc khách sạn Dragon Sea.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Ở vai trò người điều phối, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đặt câu hỏi: "Thanh Hoá có nhiều tiềm năng về du lịch, tuy nhiên khi nhắc đến du lịch Thanh Hoá chúng ta vẫn đơn thuần nghĩ tới bãi biển Sầm Sơn và Hải Tiến, nhận định như thế nào về nhận xét này, tại sao?".

Ông Nguyễn Thanh Tiêu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Tiêu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho rằng, để phát triển được du lịch Thanh Hoá có 5 vấn đề.

Thứ nhất, sản phẩm du lịch. Quả thực du khách nói không sai, các sản phẩm du lịch hiện chưa khai thác được. Sản phẩm du lịch văn hoá và sản phẩm du lịch văn hoá là có sẵn nhưng thiếu bàn tay của nhà đầu tư thì không thể phát triển được.

Thứ hai, con người gắn với văn hoá du lịch. Phải hiểu Sầm Sơn từ làng chài xuất phát thành thành phố du lịch, xuất phát từ những người ngư dân, do đó cần được đào tạo, những con người cần thổi hồn cho sản phẩm du lịch.

Thứ ba, hạ tầng du lịch. Dịch vụ du lịch gắn với cơ sở hạ tầng thì Sầm Sơn đã tốt, tuy nhiên kinh doanh theo mùa vụ nên đây cũng là khó khăn. Trong khi đó, hạ tầng giao thông khu vực khác chưa được ổn, cần khai thác xây dựng lại. Mà muốn làm được điều này cần nhà đầu tư về du lịch chính là doanh nghiệp doanh nhân.

Thứ tư, đầu tư về du lịch. Câu chuyện đầu tư là do các doanh nghiệp, doanh nhân. Do đó cần thu hút hơn nữa các nhà đầu tư phát triển du lịch tại Thanh Hoá.

Thứ năm, chính sách du lịch gắn liền với chính quyền các tỉnh và trung ương, làm thế nào tạo cơ chế chính sác để thu hút nhà đầu tư vào các khu vực của du lịch thanh hoá. Nhà đầu tư cần thấy được lợi nhuận, tạo sức hút vào địa phương.

Chia sẻ về việc tiềm năng du lịch Thanh Hoá nhiều nhưng vẫn chưa thực sự khai thác hết được nhìn ở góc độ thu hút đầu tư và chính sách, TS. Lê Văn Minh - Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam cho biết hiện nay, đầu tư phát triển du lịch của Thanh Hoá đang mất cân đối trong lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư.

TS. Lê Văn Minh - Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam

Về lĩnh vực đầu tư, Thanh Hoá tập trung phát triển điều kiện tối thiểu là ăn và ngủ, tất nhiên bước đầu đáp ứng được nhu cầu, nhưng cần phải đầu tư dịch vụ du lịch khác như vui chơi giải trí cho khách lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn chưa được quan tâm đầu tư bài bản. Chính vì vậy, khách đến chỉ ăn, ngủ... đơn thuần.

Cũng theo ông Minh, "phải thông cảm với nhà đầu tư vì đầu tư vào ăn uống và lưu trú thì thu lại lợi nhuận nhanh hơn, còn các loại hình khác du lịch sinh thái chẳng hạn sẽ thu hồi vốn chậm hơn".

Để thu hút nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực mới, địa bàn mới, nhằm tăng thời gian lưu trú, phải có cơ chế chính sách đặc thù, muốn có được điều này theo ông Minh, lãnh đạo Thanh Hoá phải đổi mới quyết sách của lãnh đạo tỉnh, quyết tâm chính trị đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Nếu không có sự có quyết tâm Chính trị sẽ không có cơ chế đặc thù, sẽ không đầu tư vào các lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao như du lịch nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, cũng theo ông Minh, nếu không có chiến lược phát triển đặc thù và quyết tâm chính trị về phát triển du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 18 của Thanh Hoá cũng sẽ không thực hiện được.

Theo kết quả thống kê của Sở Du lịch, năm 2017 tổng thu toàn ngành đạt khoảng 8000 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này còn ít hơn rất nhiều so với mục tiêu 5% trên tổng số 35 – 50 tỷ USD để trở thành 1 trong những trọng điểm du lịch của cả nước.

"Du lịch sẽ mãi chỉ dừng ở mức này, không thể bứt phá nết du lịch Thanh Hoá không có cơ chế đặc thù và chính sách thu hút đầu tư đặc biệt.

Ngoài ra, bên cạnh phát triển dịch vụ ăn uống đơn thuần, du lịch Thanh Hoá cũng phải đầu tư vào các khâu khác của du lịch như xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá..." - ông Minh nhấn mạnh.

Thực tế hiện này, khách du lịch đến với Thanh Hoá vẫn là khách nội địa, thị trường quốc tế đang bị bỏ ngỏ. Theo ông Minh, trong thị trường nội địa cần chú trọng đến thị trường tiềm năng đó là khu công nghiệp Nghi Sơn tạo giá trị 10 tỷ. Nơi tập trung nhiều chuyên gia và gia đình của họ.

"Để thu hút thị trường này phải gia tăng và đa dạng hoá các sản hẩm du lịch chăm sóc sức khoẻ cũng như nghỉ dường. Vì vậy, Thanh Hoá không chỉ cần có một FLC mà phải cần nhiều hơn khu nghỉ dưỡng khác nữa. Thu hút khách du lịch từ thị trường của Lào cũng rất quan trọng, có vị trí thuận lợi và gần về mặt địa lý.

Ngoài ra, cũng chưa có công ty lữ hành mạnh để liên kết với doanh nghiệp trong nước". - ông Minh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, tại các hình thức du lịch công đồng, khách du lịch trong nước rất khó đặt phòng, do khách du lịch nước ngoài đã đặt phần lớn. "Với các khu du lịch khác ngoài Sầm Sơn, chúng ta vẫn sử dụng nguồn ngân sách địa phương, đây là kinh phí hạn hẹp khó khăn không chỉ riêng Thanh Hóa. Liệu chúng ta có đang đánh đồng tất cả các chính sách đầu tư vào nhau hay không? Thanh Hóa có cần đặt ra một cơ chế chính sách khác biệt để xã hội hóa đầu tư không?" - ông Dũng đặt câu hỏi.

Ông Lê Trường Sơn – Tổng Giám đốc Khách sạn Dragon Sea

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Trường Sơn – Tổng Giám đốc Khách sạn Dragon Sea đồng ý cần phải có những hình thức đầu tư khác nhau cho các lĩnh vực khác nhau để tương xứng.

Còn TS Lê Văn Minh cho biết, hiện đã có những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị có đề cập đến vấn đề thu hút đầu tư cho các địa bàn khác nhau, sản phẩm khác nhau. Có những cơ chế chính sách đặc thù thu hút vốn đầu tư vào khu vực có tiềm năng nhưng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như vùng núi, vùng sâu vùng xa.

Vậy tính theo địa bàn thì Sầm Sơn không được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, nếu Sầm Sơn thực hiện được đầu tư xây dựng một khu du lịch đặc thù thì sẽ hoàn toàn có khả năng thu hút du khách, tạo cạnh tranh… sẽ được ưu đãi đầu tư. "Sản phẩm du lịch đặc thù có khả năng tạo thương hiệu ưu đãi đầu tư" - ông Minh khẳng định.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Tiêu cho biết, Thanh Hóa cần quyết tâm kêu gọi đầu tư vào du lịch, giao mặt bằng sạch đúng thời gian cho nhà đầu tư, thủ tục hành chính pháp lý tránh nhũng nhiễu, hỗ trợ nhà đầu tư những điều họ chưa biết, chưa làm được. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải có chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể tuân theo quy định chính phủ, thể hiện sự rõ ràng minh bạch sẽ thu hút được các nhà đầu tư vào Thanh Hóa khi thấy môi trường đầu tư thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc Sở Công Thương - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho rằng, từ 1988 Thanh Hóa bắt đầu đặt vấn đề nghiêm túc phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong thời gian 30 năm từ năm 1988, Thanh Hóa vẫn chưa cơi nới được ngân sách Trung ương vẫn hỗ trợ, vẫn phải dành 1 khoản đầu tư ngân sách cho Sầm Sơn, chọn Sầm Sơn là điểm nhấn để Sầm Sơn là đầu tàu cho phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương - Chi Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa 

"Kêu gọi đầu tư kịch kỳ Trải Thảm đỏ tạo điều kiện cho Sầm Sơn về cơ sở hạ tầng, nhưng không có nhà đầu tư có tầm cỡ. Vậy các Bộ Ban Ngành có thể xem xét một cách tổng thể, du lịch quốc tế, quốc gia Thanh Hóa có vào được trọng điểm hay hông? Cấp ủy chính quyền và nhân dân cần làm gì để đạt được?" - ông Hùng nêu vấn đề.

Vẫn theo ông Hùng, Sầm Sơn đang đi có một nét riêng cho du lịch biển. Nhà đầu tư lớn vào Sầm Sơn đã đưa theo phong cách chuyên nghiệp và hiện đại. Đây chính là động lực cho người dân địa phương học tập theo, điều này hiệu quả hơn rất nhiều so với 30 năm đào tạo và tuyên truyền. Người dân phải thay đổi, phải học tập để có thể cạnh tranh lại và tạo môi trường thân thiện hơn.

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, đầu tiên chúng ta phải xác định đối tượng khách của du lịch Thanh Hoá, khách du lịch đến từ đâu? Nếu khách từ miền Trung ra họ sẽ không tới Sầm Sơn, vậy khách sẽ là từ miền Bắc, tuy nhiên với đối tượng khách này thì mùa lạnh lại không khai thác được. 

PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Chúng ta phải nhìn thấy thực tế để tính lại một chút, thay đổi từ chính đối tượng. Xu hướng khách du lịch kéo dài 4-5 tháng, trước đây chỉ 2-3 tháng đã là một điểm mới thuận lợi. Đồng thời càng có nhiều sản phẩm giúp kéo dài thời vụ du lịch. Do đó, nếu chúng ta không định hình rõ đối tượng du khách thì bàn về câu chuyện sản phẩm dịch vụ sẽ vướng mắc.

Còn về vấn đề cơ chế, theo ông Hoàng, các tỉnh hiện đều tạo ra cơ chế tốt để thu hút, có một cái khung chuẩn để thu hút, vấn đề là doanh nghiệp vận dụng như thế nào. "Còn đứng về mặt cơ chế, cần thay đổi nhanh, việc thực hiện mới là quan trọng. Bản thân việc thực hiện phải nằm trong cơ chế đó, không đơn thuần là cơ chế trên giấy. Việc thực hiện lại phải căn cứ tình hình thực tế". - ông Hoàng nói.

Chia sẻ về hướng đi để phát triển du lịch của Thanh Hoá, ông Lê Trường Sơn đặt vấn đề: “Là một doanh nghiệp, khi khách hàng đến khách sạn và hỏi, tôi rất muốn khách sạn ở lại thêm một ngày tuy nhiên, tôi không biết nên tư vấn cho khách hàng đi đâu. Đây thực sự là một trả lời khá khó khăn".

Vì vậy, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Sơn đề xuất nên tạo chuỗi liên kết về du lịch, với tần suất một ngày có 3 chuyến du lịch, ví dụ nơi gần nhất Thành Nhà Hồ, đón tại cổng FLC, trên tuyến xe có kèm theo lịch trình đi qua các điểm du lịch mà tỉnh đã định hướng.

Ngoài ra, cũng cần có các dịch vụ du lịch vào buổi tối, vì những năm gần đây, vào những ngày thứ 6, thứ 7, lượng khách đổ ra đường rất đông. Nếu có dịch vụ du lịch đa dạng hơn, sẽ khiến cho lượng khách đổ ra đường bớt đông hơn và tạo được doanh thu nhiều hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Trương Hoàng nhìn nhận, hiện nay Thanh Hoá bắt đầu có các sản phẩm du lịch biển đa dạng hơn.

Tuy nhiên theo ông Hoàng nên xây dựng 3 vành đai sản phẩm rõ ràng. Vành đai một là du lịch nghỉ biển, vành đai hai là du lịch văn hoá (tâm linh, sinh thái cộng đồng) nên tách hẳn giữa văn hoá và tâm linh. Chính vì Thanh Hoá là cái nôi văn hoá của Việt Nam, trầm tích văn hoá của Thanh Hoá rất là dày. Nếu khai thác được thế mạnh này sẽ khiến cho sản phẩm du lịch Thanh Hoá đa dạng hơn rất nhiều. Vành đai thứ 3, sản phẩm sinh thái và cộng đồng, lưu ý, phải khẳng định sản phẩm này không theo đại trà. Đây chính là những thế mạnh mà Thanh Hoá có thể lấy đó làm trọng tâm để phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng lưu ý, "tiềm năng nhiều nhưng cũng phải đánh giá tiềm năng đến đâu, và lợi thế so với các nước khác. Tuy nhiên du lịch Thanh Hoá vẫn mang tính mùa vụ".

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Thanh Tiêu, hiện Thanh Hóa chưa có sản phẩm du lịch mang tính chất liên doanh liên kết, thiếu đi vai trò của doanh nghiệp trong liên doanh liên kết du lịch.

Vậy chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta đưa khách lẻ đi chơi tại các điểm du lịch, nhưng cần phải lập ra một chương trình chỉ đạo xem đơn vị nào chịu trách nhiệm cho hoạt động này. Bên cạnh đó cần có một cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian đầu để họ tạo ra sản phẩm du lịch liên doanh liên kết. Ví dụ như khi triển khai xe buýt công cộng có cơ chế chính sách bù lỗ cho doanh nghiệp trong một thời gian.

Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh vẫn còn thiếu, không chỉ trên không gian mạng, truyền hình, mà phải cả thực địa. Tại Thanh Hóa tìm một biển chỉ dẫn Sầm Sơn rất hiếm. Không có biển quảng cáo chỉ các địa điểm du lịch khách ở Thanh Hóa. Thực tiễn trên thực địa không có quảng bá điều này tạo môi trường đầu tư chưa hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Nhà đầu tư không thấy hấp dẫn, không thấy lợi nhuận từ khoản đầu tư họ sẽ không đầu tư.

Nhà đầu tư du lịch phải nhìn thấy lợi nhuận mà họ đầu tư vào ở đâu. Hiện nay tỉnh đang trông chờ vào các doanh nghiệp lớn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa có những sản phẩm du lịch hấp dẫn vẫn sẽ thu hút rất nhiều du khách. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường du lịch mà du khác cảm thấy an toàn, thoải mái không bị hạn chế đây chính là tâm lý của du khách. Vì vậy, trách nhiệm của chính quyền cần tạo không gian thoải mái cho du khách, tạo cho họ không gian không bị gò bó, hòa mình vào môi trường.

Bà Vương Thị Hải Yến 

Liên quan đến vấn đề này, bà Vương Thị Hải Yến thông tin, Sở Du lịch Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề ra khai thác sản phẩm Lễ hội tình yêu hòn Trống Mái sẽ đi vào khai thác trong năm 2019. Đây sẽ là điểm nhấn về sự kiện cho du lịch văn hoá.

Ông Hoàng Khắc Nhu 

Ông Hoàng Khắc Nhu cho biết thêm, Hòn Trống Mái chưa có gì nhưng hàng năm cũng có hàng triệu du khách đến đây bởi giá trị văn hoá và tâm linh. Nội hàm của lễ hội này là tôn vinh tình yêu vĩnh hằng của nam nữ. Hình thức thể hiện là đám cưới tập thể, đám cưới vàng, bạc, kim cương của các tộc người của người dân Việt Nam và khách quốc tế. Nếu thành công, sẽ giải quyết vấn đề du lịch mùa vụ của Sầm Sơn.

Trả lời câu hỏi: "Làm thế nào để hạn chế giảm tính mùa vụ của Thanh Hoá?" của ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Phạm Trương Hoàng cho rằng, cần các sản phẩm lễ hội, trước mắt là ở góc độ tạo hình ảnh và thương hiệu. Tuy nhiên cần phải làm các sản phẩm dịch vụ lễ hội một cách cẩn trọng nếu không tính mùa vụ sẽ còn cao hơn.

Cũng theo ông Hoàng, hiện nay, khách du lịch quan tâm nhiều đến du lịch trải nghiệm. Ví dụ, nghiên cứu cơ quan tư vấn về du lịch được công bố tại Hội chợ du lịch tại Đức cho thấy, đến năm 2020, 2/3 số khách sạn xa xỉ, phải có sản phẩm dựa trên trải nghiệm.

Ngoài ra, hệ thống đặt chỗ qua mạng lớn với khoảng 20 trang web khác nhau và dịch vụ cũng cho thấy, năm 2017, số lượng tour và điểm du lịch mới đưa lên web để bán tăng 1,5 lần. Điều này cho thấy, nhu cầu lớn của du lịch, sản phẩm mới, tour mới, điểm mới. Thêm nữa, sản phẩm du lịch trải nghiệm có cấp độ tăng trưởng mạnh nhất. Đây là xu hướng của thế giới và cũng sẽ trở thành xu hướng của du lịch Việt Nam.

"Điều này sẽ thay đổi thói quen của du khách, từ đó các nhà cung cấp cũng phải thay đổi dịch vụ cho phù hợp". - ông Hoàng khẳng định và đề xuất "Thanh Hoá có thể nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ theo hình bàn cơ, chọn ra các điểm nhấn để đầu tư trước tiên. Bằng cách này sẽ đưa tiềm năng của Thanh Hoá nổi lên hơn nữa".

Khái niệm siêu thị du lịch cũng đã nhắc đến cách đây 10 năm. Tuy nhiên, chưa được phát triển mạnh, ông Hoàng cho rằng siêu thị du lịch này sẽ được phát triển mạnh trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Hải - Giám đốc Công ty du lịch Xanh TH

Tại Hội thảo, bà Lê Thị Hải - Giám đốc Công ty du lịch Xanh TH đặt câu hỏi: "Du lịch hệ thống hang động ở khu vực Tây bắc được ví như “’Động phong nha Thanh Hoá” với nhiều dân tộc sinh sống, vậy tại sao không khai thác khi du lịch cộng đồng để giải quyết vấn đề mùa vụ của du lịch văn hoá?"

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Tiêu cho rằng, doanh nghiệp cần kết nối, mở ra sản phẩm mới và doanh nghiệp cũng cần những điều kiện khác nữa để mở ra các sản phẩm phát triển. Do đó, ông Tiêu đề nghị nên có hội thảo để nhận những đề xuất cơ chế chính sách của doanh nghiệp.Sau đó có kiến nghị với tỉnh đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo.

Đối với câu hỏi: "Làm thế nào phát triển thêm các dịch vụ vui chơi giải trỉ khác cho Sầm Sơn? Định hướng ra sao?" do ông Nguyễn Tiến Dũng đặt ra, bà Vương Thị Hải Yến cho biết, Sở đã luôn động viên các doanh nghiệp lữ hành, đề nghị họ xây dựng phương án phát triển các tuyến du lịch, báo cáo tỉnh ác chính sách để hỗ trợ như khi đưa xe buýt công cộng vào hoạt động.

"Hiện chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các tỉnh như Đà Nẵng, Nha Trang họ đã thực hiện rất tốt kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, cần học theo. Chúng ta hoàn toàn có thể mở City tour trong thành phố Thanh Hóa và khu Sầm Sơn. Trong bán bán kính 50 km quanh thành phố, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai dịch vụ du lịch khép kín". - bà Yến nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Hữu - Giám đốc Công ty Du lịch Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thanh Hoá kiến nghị, với doanh nghiệp lợi nhuận cần đặt lên hàng đầu. Mong tỉnh có cơ chế chính sách nếu như du khách đến Sầm Sơn mà phát triển đến các điểm khác thì phí có thể giảm đi bao nhiêu phần trăm cho doanh nghiệp lữ hành để chúng tôi đưa khách đến các điểm du lịch.

Về định hướng sản phẩm du lịch cho Thanh Hóa, ông Hữu cho rằng chúng ta cần định hướng được đối tượng mà sản phẩm đó hướng tới. Với thị trường khách quốc tế thì là nước nào? Ví dụ với khách Trung Quốc, xu hướng mà họ tiêu dùng là gì? Xây dựng đối tượng sản phẩm nào dành riêng cho khách Trung Quốc? Nếu được chúng ta sẽ thu hút được một lượng khách rất lớn. Nhưng cũng phải lường trước được số lượng du khách đến, tránh trường hợp quá tải lượng khách nước ngoài.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Vương Thị Hải Yến cho rằng, tại hội thảo các chuyên gia, diễn giả đã chỉ ra những tồn tại và đề ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại phiên 1, các chuyên gia đã thống nhất về tiêm năng du lịch, Thanh Hoá hội tụ đầy đủ điều kiện tổng hợp để phát triển đa dạng các loại hình du lịch và có những đột phá nhất định trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, những tồn tại đã được chỉ ra đó là tính mùa vụ của du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch còn đơn điệu. Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn mất cân đối, đặc biệt là tính liên kết, kết nối giữa sản phẩm du lịch biển, văn hoá, tâm linh... kết nối cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà nước.... kết nối lỏng lẻo. Ngoài ra, các chuyên gia cũng thừa nhận thu hút khách du lịch quốc tế còn hạn chế.

Tại phiên 2, những khó khăn được chỉ ra tại phiên 1, cơ bản cũng đãn được giải quyết. Trong đó cần phải có quyết tâm chính trị cao, cần cơ chế chính sách, đủ mạnh, cơ chế đặc thù để phát triển du lịch.

Cũng theo bà Yến, Không phải là Thanh Hoá chưa có cơ chế, mà quan điểm của tỉnh là những nhà đầu tư đầu tư vào Thanh Hoá sẽ chịu trách nhiệm thấp nhất và được quyền lợi cao nhất, trong khung của nhà nước, theo đặc thù của từng dự án. Vì du lịch là ngành đặc thù, cần lắm cơ chế đặc thù ví dụ như gửi khách cho doanh nghiệp lữ hành, cơ chế đào tạo, xã hội hoá, xúc tiến và quảng bá du lịch.

Trong thời gian tới, Sở sẽ kiên trì tham mưu cho UBND, một số giải pháp như cách thức quảng báo thông tin, thu hút khách du lịch, đặc biệt là tính kết nối giữa các điểm đến. Ngoài ra bà Yến cũng kỳ vọng, trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp để tổ chức những hội thảo chuyên đề trong đó chú trọng tới việc kết nối các sản phẩm du lịch.

Cũng tại Hội nghị bà Yến cũng ghi nhận những đánh giá, bình luận, đề xuất kiến nghị và mong muốn nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, truyền thông trong quá trình phát triển của ngành du lịch Thanh Hoá trong thời gian tới.

Hiền Hằng, Ngọc Thanh, Long Hà, Tuấn Anh