Đồ Sơn biển ngủ (Kỳ cuối): Tại sao thế Đồ Sơn ơi?
Tôi ngồi với những suy ngẫm nặng nề: “Tại sao Đồ Sơn lại bị mất tên ở trên bản đồ du lịch thế giới?” Và ngay cả người trong nước cũng chẳng mặn mà với nó.
Đã gần nửa đêm, chúng tôi đi ra bờ biển, ngồi lên tảng đá vẫn còn phả ra hơi nóng ban ngày. Biển không có gió. Một chiếc thuyền buồm dật dờ như chết. Tôi ngồi với những suy ngẫm nặng nề: “Tại sao Đồ Sơn lại bị mất tên ở trên bản đồ du lịch thế giới?” Và ngay cả người trong nước cũng chẳng mặn mà với nó.
Sống trong danh tiếng quá khứ
Đời hoàng kim của Đồ Sơn là vào những năm trước thời mở cửa. Hồi đó, những người lao động tiên tiến, anh hùng, chiến sĩ thi đua… mới được cơ quan cho đi Đồ Sơn nghỉ mát như môt phần thưởng. Rồi đến ngày về, bà con chòm xóm xúm lại để nghe người đi kể chuyện Đồ Sơn, tất cả mắt tròn mắt dẹt!. Dĩ nhiên trong các câu chuyện dạo ấy không có các cô mắt xanh mỏ đỏ. Cứ thế Đồ Sơn lười nhác sống trong danh tiếng quá khứ của mình.
Thế rồi một hôm, Đồ Sơn như cô gái trẻ giật mình, chợt nhận ra một thực tế phũ phàng: Các chàng trai thản nhiên đi qua cô, như đi qua cây cột điện, không ngoái đầu lại. Họ đến với những bãi biển miền Trung bốn mùa nắng gió. Cô gái vội vàng bắt đầu “ tút” lại nhan sắc.
Người Hải Phòng chẳng khờ gì, họ nhận ra ngay cái Đồ Sơn thiếu. Tham vọng muốn làm đẹp cho Đồ Sơn đã khiến họ bắt tay với DASO GROUP lập dự án Đảo Hoa Phượng.
Được quảng cáo là khu đô thị biển mang hình một bông hoa phượng 5 cánh, có các khách sạn 5 sao, bến du thuyền, bãi đỗ thủy phi cơ và 200 tòa biệt thự trên vịnh Vạn Hương. Thế nhưng hơn 10 năm rồi, hòn đảo “thiên đường” 133 triệu USD vẫn còn bỏ hoang. Sau đấy, nhiều nhà đầu tư có đẳng cấp hơn (FLC Thanh Hóa, Him Lam…) nhảy vào Đồ Sơn. Họ trình bày với thành phố Hải Phòng những dự án đắt tiền tỷ, đầy tham vọng, tưởng chỉ nháy mắt là Đồ Sơn sẽ biến thành thiên nga từ một con vịt xấu xí! Thế nhưng, nói xong rồi thì họ ngồi bệt xuống chỗ đó!
Năm nào cũng vậy, cứ tháng 5 về, Đồ sơn tổ chức lễ hội “Đồ Sơn biển gọi”. Kịch bản giống nhau như những hạt đậu trong một quả đậu.
Không bàn đến một yếu tố hết sức quan trọng: Sự đổi màu của nước biển Đồ Sơn (xanh sang màu chocolate) do tác động địa vật lý - hậu quả của việc con người can thiệp thô bạo vào đời sống của tự nhiên! Đồ Sơn là một quận của Hải Phòng. Số phận của nó gắn với số phận thành phố.
Từ nhiều năm qua, Hải Phòng vì quá cường điệu khả năng của mình, quá tự yêu mình đến mức đờ đẫn, để rồi không còn là mình - thành phố thứ 3, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vị trí nó đã đứng từ một thế kỷ trước. Không chịu phát triển, ( cả thành phố không có nổi một khách sạn 5 sao), đánh mất sức mạnh kinh tế, thương mại, văn hóa, Hải Phòng không còn lực hút hấp dẫn người đến với nó. Từ đó đến với Đồ Sơn.
Dĩ nhiên, người Hải Phòng cũng nghèo đi. (Chợ Sắt, Vosco (Cty vận tải biển Việt Nam) - những biểu tượng cho sự giàu có một thời nổi tiếng cả nước của Hải Phòng, hoàn toàn sụp đổ). Khi nội lực bị suy giảm nó không còn là đầu ra an toàn, đáng tin cậy cho các dự án đầu tư du lịch.
Lỗi tại Cát Bà?
Dân Hải Phòng thường cho rằng họ rất có tài. Thành phố mang trong mình lòng tự hào của những người đã nhiều lần bị thất vọng, song vẫn không ngừng tin vào tương lai. Thế nhưng thực tế các quan chức sở Du Lịch Hải Phòng chưa chịu thể hiện điều ấy.
Năm nào cũng vậy, cứ tháng 5 về, Đồ sơn tổ chức lễ hội “Đồ Sơn biển gọi”. Kịch bản giống nhau như những hạt đậu trong một quả đậu. Khi được hỏi về vai trò của sở Du Lịch, các doanh nghiệp làm du lịch Hải Phòng không ngần ngại dùng từ ngữ phủ định. Họ than phiền về sự bất tài và lười nhác của những người trực tiếp làm quản lý du lịch- những người để mặc du lịch Hải Phòng tự lớn và cũng tự tung, tự tác, khiến cho du khách luôn bị ám ảnh bởi đám bèo lục bình trôi trên biển lẫn những ông bà chủ quán tham lam...
Trong 3 năm trở lại đây, Hải Phòng vươn vai bừng tỉnh. Thành phố hăm hở tìm lại đẳng cấp của mình. Du lịch đươc xác định là mũi nhọn kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Đồ Sơn biển ngủ Kỳ III: “Đặc sản” Đồ Sơn
02:44, 16/06/2018
Đồ Sơn biển ngủ Kỳ II: Con người đã ngược đãi biển Đồ Sơn
10:59, 13/06/2018
Ai đã kéo tuột “đẳng cấp” Đồ Sơn?
15:57, 09/06/2018
Đảo Cát Bà nổi lên như một thiên đường du lịch mới với thiên nhiên tuyệt mỹ, được trang điểm thêm bằng dự án ngàn tỷ của tập đoàn Sungroup. Cây cầu Tân Vũ nối Hải Phòng với đảo Cát Hải vừa hoàn thành. Du khách đổ về Cát Bà. Và khi hệ thống cáp treo từ Cát Hải vượt biển sang Cát Bà của Sungroup mà xong thì có lẽ họ sẽ quên Đồ Sơn như đang hiện hữu!
Không biết đó có phải câu trả lời cho việc tại sao mà các đại gia đầu tư du lịch vẫn còn dè dặt khi quyết định làm ăn lớn ở Đồ Sơn.
Cát Bà không có “lỗi” với Đồ Sơn. Trong lúc Cát Bà ngủ vùi thì Đồ Sơn đang tưng bừng. Đến khi Cát Bà tỉnh giấc thì Đồ Sơn lại đi ngủ, một giấc ngủ kéo dài hàng chục năm, để đến bây giờ ngồi tiếc nuối những cơ hôi đã trôi qua như gió trên cánh đồng không trở lại
Hải Phòng mới phục hưng trong 3 năm, khoảng thời gian quá ngắn ngủi trong lịch sử một thành phố. Các nhà lãnh đạo Hải Phòng đã rất quyết liệt đổi mới. Họ làm được rất nhiều việc trong khoảng thời gian kỷ lục. Tuy nhiên cũng có những việc, như trái cây ở trên cành, phải có thời gian để chín. Chẳng hạn xây một cây cầu nhanh hơn là sự đổi mới tư duy của nhiều quan chức sở ngành vốn đã quen sống an nhàn, dễ chịu trong sự trì trệ. Phải đánh thức họ và nếu họ không mau chóng tỉnh giấc thì đành phải loại bỏ họ. Ông Lê Văn Thành, Bí thư thành ủy Hải Phòng đã từng phát biều: “Nhân dân thành phố không chấp nhận một hệ thống chính trị không chịu làm gì!”.