25-27/10: Chuỗi sự kiện tại "Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội"
Lần đầu tiên tại trung tâm Thủ đô, du khách được đắm mình trong điệu múa Apsara, tiếng kèn Saranai, tiếng trống Paranưng... tại sự kiện "Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội".
Chuỗi sự kiện được khai mạc từ 20:00 ngày 25/10 và diễn ra đến hết ngày 27/10/2019 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (Hà Nội). Sự kiện do UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức.
Ninh Thuận xác định mục tiêu năm 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, năm 2025 sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay có 58 dự án đầu tư về du lịch, nghỉ dưỡng, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến với tỉnh Ninh Thuận ngày càng tăng.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá và tôn vinh văn hóa, du lịch của tỉnh đến với người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung. Sự kiện này cũng nhằm cụ thể hóa việc hợp tác giữa Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận với Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc, sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đến với người dân Hà Nội và du khách”.
Có thể bạn quan tâm
Ninh Thuận: quảng bá Văn hoá Du lịch tại Hà Nội
05:15, 26/10/2019
Những “báu vật”của Ninh Thuận
17:56, 21/06/2019
Người “trồng” thương hiệu nho Ninh Thuận
00:00, 11/07/2014
Đến với chuỗi sự kiện, du khách sẽ được giới thiệu văn hóa ẩm thực đa dạng của tỉnh Ninh Thuận như các món ăn được chế biến từ thịt cừu, rượu vang nho… Đây cũng được xem là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận với các đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch tại Hà Nội và cả nước.
Chia sẻ với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh thuận có nét văn hóa rất phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc, trong đó có văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc Chăm. Để tạo ra sự khác biệt với những tỉnh lân cận đã phát triển du lịch trước đây thì với những nét riêng biệt, Ninh thuận luôn giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét hoang sơ, giá trị mà thiên nhiên ban tặng. Chính điều này đã tạo cho du khách những trải nghiệm, những khám phá rất lôi cuốn, hấp dẫn và đây cũng là thông điệp mà Lễ hội lần này Ninh Thuận muốn đem đến cho các du khách.
Với tiềm năng thế mạnh hiện có tỉnh Ninh Thuận xác định du lịch đến năm 2020 là ngành kinh tế động lực và đến 2025 là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp vào tăng trưởng GDP 13% và đến năm 2025 giải quyết 15% lao động của toàn tỉnh. Cùng với đó doanh thu du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ, thu hút khoảng 3.000 lượt khách đến với Ninh Thuận. Sự kiện xúc tiến như “Ngày Văn hóa - Du lịch Ninh Thuận” tại Hà Nội sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành những mục tiêu này”.
“Ninh thuận cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ cho các nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án chậm tiến độ hay không đủ năng lực để cơ hội cho các nhà đầu tư khác đến đầu tư thúc đẩy du lịch Ninh Thuận phát triển”, ông Bình khẳng định.
Không giấu được niềm tự hào, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận – ông Lê Diệp Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sài Gòn Hòn Ngọc cho biết: Ninh Thuận được mệnh danh là vùng đất đầy nắng và gió, tuy không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều tỉnh khác nhưng chúng tôi lại có nhiều các sản vật mà nơi khác không có như nho, tỏi, dê, cừu…và con người nơi đây rất mộc mạc, thân thiện, ngoài ra chúng tôi còn được thừa hưởng nền di sản văn hóa thế giới để lại đó là Chăm Pa. Du lịch Ninh Thuận chắc chắn khởi sắc vì tài sản thiên nhiên về du lịch của chúng tôi còn rất hoang sơ, nguyên vẹn.
Đại diện cho Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, bà Lâm Nữ Minh, Phó giám đốc hợp tác xã cho biết: chúng tôi tham gia sự kiện này kỳ vọng mang sản phẩm của mình quảng bá tại thủ đô, quảng bá được sản phẩm tới du khách trong nước cũng như kỳ vọng tan toả ra các nước khác.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề dệt Mỹ Nghiệp đã có tem truy xuất nguồn gốc để phân biệt với các sản phẩm khác, tuy nhiên, nếu phát triển được ngành du lịch Ninh Thuận thì các sản phẩm mệt sẽ có cơ hội đến với du khách nhiều hơn. Hiện nay đầu ra của sản phẩm hàng dệt tay khó cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường, bà Lâm Nữ Minh mong muốn sản phẩm dệt tay của làng nghề được phát triển hơn như vậy sẽ bảo tồn được bản sắc văn hoá dân tộc Chăm.
Đồng thời, bà Lâm Nữ Minh cũng mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của địa phương bằng các chính sách khuyến công, mở các lớp học để dạy nghề, truyền nghề lại cho các thế hệ để giữ được nghề truyền thống của dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp.
Trong chuỗi sự kiện “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội" sẽ có các hoạt động đặc sắc như biểu diễn nghệ thuật hát, múa, trình diễn trang phục truyền thống Chăm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, độc đáo, giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống, biểu diễn, hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, triển lãm ảnh đẹp Ninh Thuận…