Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế sửa quy định với khách quốc tế
Trước ngày mở cửa du lịch quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sửa ngay quy định với khách du lịch quốc tế trước ngày 15/3.
>>MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp "ngóng" hướng dẫn chính thức
Chiều 14/3, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sửa ngay các quy định với khách du lịch quốc tế, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/3 để hoàn thiện và công bố phương án mở lại hoạt động du lịch.
Trong đó, nội dung sửa đổi phải theo phương án đã thống nhất ở cuộc họp bàn do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 15/2 và thông báo trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 7/3. Phương án quy định khách quốc tế đến Việt Nam không cần đăng ký tour, chỉ cần chứng nhận tiêm đủ vaccine Covid-19 hoặc khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính nCoV là bắt buộc, song được phép xét nghiệm nhanh trong 24 giờ hoặc RT-PCR trong 72 giờ, trước khi xuất cảnh.
Đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay; những người còn lại về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng và xét nghiệm nhanh hoặc PCR; tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện 5K.
Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh. Du khách phải cài ứng dụng quản lý y tế theo quy định và bật liên tục trong thời gian đi du lịch. Đề xuất cũng yêu cầu có bảo hiểm chi trả Covid-19 tối thiểu 10.000 USD. Nếu khách dương tính được cách ly, quản lý và điều trị như người Việt Nam.
Ngày 26/2, Bộ Y tế đã có đề xuất thắt chặt quy định. Ngày 3 và 12/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai lần trình Chính phủ phương án mở cửa theo hướng giữ quy định cởi mở để xin phê duyệt và giao cho Bộ công bố mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới vào ngày 15/3.
MỞ CỬA DU LỊCH: 11 vấn đề để du lịch cất cánh
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc khôi phục nhập cảnh đối với người nước ngoài vào Việt Nam, bảo đảm yêu cầu mở trở lại hoạt động du lịch từ 15/3; đẩy mạnh đàm phán, công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin với các nước.
Mai là thời điểm mở cửa du lịch (15/3) song tới ngày 14/3, các doanh nghiệp vẫn sốt ruột chờ đợi phương án cụ thể của Bộ VH-TT&DL. Phát biểu tại Diễn đàn "Luồng xanh" cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, mở cửa du lịch từ 15/3, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Ở trong nước, chính sách visa chặt chẽ trong thời gian chống dịch vừa qua là một cản trở lớn đối với việc thu hút khách quốc tế. Với các quy định hiện nay thì khách quốc tế mất trung bình 15 ngày để xin visa vào Việt Nam.
Ngoài ra, còn có những khó khăn khác đến từ phía tiềm lực của doanh nghiệp lữ hành. Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết 2 năm qua đã có gần 30% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép hoạt động, hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc.
Sau 2 năm dịch hoành hành, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt nhân sự lành nghề, chất lượng cao. "Chỉ có thể khôi phục lại hoạt động du lịch thì mới thu hút được lực lượng lao động", ông Khánh nhấn mạnh.
Du lịch Việt Nam mở cửa rơi đúng thời điểm thị trường Trung Quốc vẫn đang “đóng băng”, thị trường Nga đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine. Các thị trường nguồn khác là Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang bị kiểm soát bởi dịch bệnh nên khó có thể thu hút ngay. Khu vực Đông Nam Á có nhiều tiềm năng nhưng chi tiêu trên đầu khách không cao, sức mua giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam thực sự rơi vào thế khó và phải cạnh tranh khá gắt gao với những nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines...
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, thời điểm này, ngành du lịch nên tập trung vào các thị trường ngách và du lịch mùa hè. Vì không có chuyện cứ tuyên bố mở cửa là khách quốc tế ào tới Việt Nam nên muốn mở cửa thành công phải tập trung vào thị trường có khả năng phục hồi trước.
Có thể bạn quan tâm
MỞ CỬA DU LỊCH: Cầu toàn sẽ là trở lực
11:00, 14/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp "ngóng" hướng dẫn chính thức
04:00, 14/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Đồng thời và đồng bộ cả quốc tế và nội địa
00:00, 14/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: "Đòn bẩy" phục hồi kinh tế
01:52, 13/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ
01:32, 13/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Bốn vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm
00:00, 13/03/2022
Quảng Nam phát triển “du lịch sâm”
08:58, 13/03/2022