Làm mới du lịch bằng cách nào?
Hội thảo “Ấn tượng Việt Nam: Làm mới để đón khách” được tổ chức tại Quảng Nam nhằm tìm phương án thay đổi ngành du lịch để thu hút khách đến Việt Nam.
>>MỞ CỬA DU LỊCH: Doanh nghiệp du lịch dần vơi nỗi lo
Đổi mới là hành động cấp thiết
Tại Hội thảo, các khách mời đã chia sẻ nhiều câu chuyện về điểm nhấn ấn tượng cho du lịch Việt Nam trong thời gian qua như. Trong đó, những vấn đề về nền tảng công nghệ khám phá TP.Hồ Chí Minh bằng game, câu chuyện làm mới du lịch bằng các sản phẩm độc, lạ, và bí quyết quảng bá du lịch cộng đồng thành công đang được đông đảo các doanh nghiệp quan tâm.
Phát biểu sau phiên khai mạc hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết việc làm mới các sản phẩm du lịch trong thời điểm mở cửa trở lại của ngành du lịch là điều hết sức quan trọng. Theo ông Thanh, ngành du lịch cần nhận diện thời cơ, thách thức và các doanh nghiệp cần sớm hình dung những khó khăn, vướng mắc để tìm phương án thay đổi.
“Tại Quảng Nam, hai năm đóng băng của ngành du lịch thực sự là một cuộc thử thách chưa từng có. Tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp chưa bao giờ thôi dừng lại việc tìm kiếm giải pháp phục hồi. Tỉnh cũng đã đề xuất nhiều chính sách mới mẻ để vực dậy ngành du lịch, tuy nhiên vì nhiều lý do chưa được như ý. Tại thời điểm cận kề ngày mở cửa, doanh nghiệp và chính quyền vẫn miệt mài tìm giải pháp”, ông Lê Trí Thanh cho hay.
Đặt vấn đề về việc làm mới du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu câu hỏi sản phẩm du lịch phải làm mới ra sao, dịch vụ phải đáp ứng ra sao với tình hình mới? Đồng thời, các Bộ, ngành, chính quyền phải được làm mới thế nào để đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn để khai thác hiệu quả dư địa?
“Lộ trình phát triển ra sao, việc làm mới ngay từ trong tư duy của mỗi người dân ở điểm đến, mỗi doanh nghiệp… Đây là những điều mà ngành du lịch cả nước đang đặt ra và tìm kiếm câu trả lời”, ông Thanh nói thêm..
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam cũng là địa phương được đăng cai lễ khai mạc “Năm du lịch quốc gia”. Thời gian qua, địa phương này cũng đã tận dụng các cơ hội để đưa ngành du lịch phục hồi.
Ông Lê Ngọc Tường - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam thông tin năm nay 2022 tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đón 4,4 triệu lượt du khách. Trong đó, có 1,7 triệu khách quốc tế, cùng với đó là việc thu hút khách nội địa vượt qua con số đã đặt ra.
Theo ông Tương, nhằm kích cầu điểm đến, Quảng Nam đã dày công dàn dựng hàng chục chương trình nghệ thuật, các lễ hội quy mô lớn. Tổng cộng có 214 hoạt động hưởng ứng sự kiện này, trong đó 10 chương trình lớn được các bộ ngành tổ chức tại Quảng Nam.
Doanh nghiệp làm gì?
Theo bà Ngô Hương - Tổng giám đốc Vinpearl Resort sau gần 5 tháng triển khai hộ chiếu vaccine đơn vị này đã đón gần 3.000 lượt khách quốc tế. Bà Hương cho hay trong con số đó có đoàn tỉ phú của Lào cùng với đó là nhiều thị trường mà lâu nay Việt Nam chưa từng khai thác được.
“Trong thời gian tới, Vinpearl sẽ tiếp tục đón các đoàn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Lào… Đơn vị đã nhanh chóng xây dựng, làm mới nhiều sản phẩm, dịch vụ, chuẩn bị đón khách qui mô lớn theo tiêu chí vừa an toàn, vừa giới thiệu được hàng loạt trải nghiệm đẳng cấp, phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống”, bà Ngô Hương cho biết.
Cũng theo người này, Vinpearl đã xác định chiến lược hành động tập trung các mục tiêu xây dựng điểm đến quốc tế, phát triển sản phẩm mới đẳng cấp và đa dạng, đón khách an toàn. Đơn vị này đã liên tục đổi mới, nâng cấp sản phẩm, đón đầu xu hướng thế giưới, thiết kế trải nghiệm riêng biệt phù hợp nhu cầu và sở thích mới mẻ cho du khách.
“Các sản phẩm về kỳ nghỉ ngắn ngày, kỳ nghỉ trong thành phố, các trải nghiệm nghỉ dưỡng đặc thù như du lịch sức khỏe, thể thao, khám phá mà MICE cũng được Vinpearl làm mới. Với thế mạnh dịch vụ khép kín trong hệ sinh thái, việc đón tiếp an toàn trong bối cảnh hiện tại chính là điều mà khách du lịch quan tâm”, bà Hương nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng giám đốc lữ hành Saigontourist cho biết đơn vị này đang tích cực chuyển đổi, tự làm mới mình. Ông Yên cho rằng việc làm mới sản phẩm dòng khách quốc tế cho các nhóm thị trường trên toàn cầu là một thách thức không nhỏ đối với nguồn cung ứng dịch vụ tại Việt Nam sau đại dịch.
“Hiện nay, các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, và các dòng sản phẩm khám phá văn hóa - lịch sử tại các khu vực miền Bắc, miền Trung được tập trung hoàn tất theo các gói ngày tour phù hợp với từng thị trường. Hy vọng mùa khách quốc tế sắp tới từ tháng 9/2022 đến 4/2023 sẽ khai thác tối đa và hiệu quả nhất các thị trường tiềm năng”, ông Nguyễn Hữu Y Yên kỳ vọng.
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nhận định công cuộc làm mới sản phẩm du lịch sẽ giúp Việt Nam đứng vững trên bản đồ du lịch thế giới. Đồng thời, ông Phúc cũng nhấn mạnh cần tập trung làm mới các sản phẩm thuộc du lịch biển đảo, du lịch ẩm thực – di sản, du lịch sinh thái, du lịch đô thị và du lịch nghỉ dưỡng – chữa bệnh.
“Đồng thời, các doanh nghiệp cần đạo tạo nguồn nhân lực. Các cấp sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó là doanh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục năng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch tại các thị trường trọng điểm và tận dụng mọi cơ hội, đón đầu xu hướng để hành động đạt được kết quả vượt qua con số 5,5 triệu lượt khách quốc tế đã đề ra”, ông Nguyễn Lê Phúc đặt mục tiêu.
Có thể bạn quan tâm