Thanh Hóa: Mục tiêu đón 10 triệu lượt du khách du lịch năm 2022
Với kế hoạch khôi phục du lịch trở lại tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu đón 10 triệu lượt khách trong năm 2022, tổng thu du lịch đạt 17.920 tỷ đồng.
>>Làm mới du lịch bằng cách nào?
Việc mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch là cơ hội để du lịch Thanh Hóa phát triển trở lại, góp phần thúc đẩy GRDP tăng trưởng. Dù vậy, tỉnh Thanh Hóa cũng rất thận trọng, với quan điểm xây dựng và duy trì điểm đến an toàn.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, để đảm bảo an toàn điểm đến, Thanh Hóa đã ban hành và hướng dẫn triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó kiểm tra và công nhận các điểm đến đảm bảo an toàn trong việc đón và phục vụ khách du lịch, thiết lập và công bố các “điểm du lịch xanh”, “tuyến du lịch xanh”. Đón đầu chủ trương này, từ cuối năm 2021 tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu đón tới 10 triệu lượt khách trong năm 2022, tổng thu du lịch đạt 17.920 tỷ đồng.
>>Sầm Sơn (Thanh Hoá): Sẵn sàng khởi động du lịch sau 2 năm "đóng băng"
Hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp, khu, điểm du lịch trên địa bàn Thanh Hóa đã và đang sẵn sàng để phục hồi hoạt động du lịch với quyết tâm cao trong việc thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch của tỉnh. Đến nay đã có trên 40 sự kiện, hoạt động được đăng ký tổ chức tại nhiều địa phương, khu, điểm du lịch trong suốt năm 2022. Doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch đến Thanh Hóa với thông điệp “Điểm đến an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.
Quyết tâm này đang đem đến một niềm tin là du lịch xứ Thanh sẽ khởi sắc thật sự, nhất là đảm bảo được sự an toàn cao nhất để các hoạt động du lịch diễn ra liên tục, hiệu quả, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà ngành du lịch đã đặt ra, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa.
Bà Lê Thị Chiến, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế An Bình Phát cho biết, mặc dù 2 năm qua du lịch trải qua bao thăng trầm với dịch COVID-19 nhưng sau khi nghe thông tin Chính phủ mở cửa và sẽ có nhiều chính sách khôi phục ngành du lịch; chúng tôi những người làm trong nghề cảm thấy vô cùng phấn khởi và hiện tại công ty cũng đã chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến cơ sở vật chất để quay trở lại phục vụ khách du lịch. Nhất là khách du lịch quốc tế sẽ sớm quay lại Việt Nam trong thời gian tới, cơ hội để doanh nghiệp du lịch được hồi phục và quảng bá hình ảnh con người Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Bà cho biết thêm, các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn các điểm liên kết du lịch cũng như các cầu nối không bị đứt gãy, các địa phương cũng như chính phủ cần có một chính sách chung để du khách tham quan du lịch không bị vướng như thời gian vừa qua khi mỗi tỉnh thành lại có một chính sách riêng khi mở cửa đón khách. Chính những chính sách riêng sẽ khiến cho các đơn vị lữ hành lúng túng khi xử lý tình huống, cũng như làm tăng cho tâm lý e ngại của du khách khi du lịch trở lại.
Ngoài ra các điểm đến du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch như khai báo y tế điện tử thông qua QR Code; đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; thực hiện đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 trên hệ thống quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong việc bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến...
Trao đổi với ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết: Chúng tôi luôn xác định mở cửa đón khách du lịch trở lại chỉ thực sự bền vững khi du khách an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn và xây dựng đội ngũ phục vụ du lịch xanh như xu hướng ngành du lịch hoạt động trong tình hình “bình thường mới” như hiện nay. Cùng với đó là áp dụng công nghệ thông tin để linh hoạt thích ứng trong tình hình mới.
Ông cho biết, khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động (Audio guide) phục vụ công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch được coi là giải pháp và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với xu hướng mới để tạo thuận tiện cho du khách đến tham quan di tích trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay. Với thao tác đơn giản, trên điện thoại Iphone hoặc máy tính bảng, du khách tải ứng dụng Lam Kinh audio guide, truy cập vào ứng dụng là có thể quét mã QRcode tại các điểm tham quan. Bên cạnh đó, khi truy cập vào ứng dụng này, quý khách có thể nghe giới thiệu thuyết minh về di tích mọi lúc, ở mọi nơi.
Có thể bạn quan tâm